QĐND - Anh Phạm Văn Nam-công nhân Nhà máy Xi măng Hải Dương tranh thủ dọn việc nhà ở thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương). Lúc 9 giờ, nghe thấy bé gái ở nhà bên mách: “Thằng Dũng ngã xuống ao. Nó đang bám vào bờ gạch”. Chạy nhanh theo bé gái chỉ đường chừng 200m, đến nơi, anh Nam hốt hoảng vì không thấy con đâu. Dưới ao, cách bờ chừng 2,5m, đôi dép tông nhỏ lềnh bềnh giữa đám tăm sủi đục ngầu.
 |
Hai bố con anh Nam.
|
Lập tức, anh lao xuống nước ngập ngang ngực. Cháu Dũng nằm sát đáy ao. Đưa con lên khỏi mặt nước, nhìn đôi mắt cháu trắng dã, môi thâm sì, bụng căng đầy nước, anh Nam thoáng kinh hoàng. Trấn tĩnh đặt con nằm ngửa giữa lối đi. Như có ai xui khiến, hai bàn tay anh dận liên hồi lên bụng cháu. Không thấy nước trong bụng cháu thoát ra, anh nắm chặt hai cổ chân của cháu, cho toàn thân cháu nằm dốc đầu xuống dưới dọc sau lưng mình. Cứ thế, anh chạy về nhà, vừa chạy vừa kêu thống thiết: “Các ông các bà ơi, cứu con cháu với!”… Đặt con nằm ngửa xuống sân, anh tiếp tục dùng hai bàn tay ép từng nhát vào bụng nước, kết hợp thổi mạnh vào mồm cháu, lại xoa tay vào vùng tim của cháu. Vừa làm anh vừa gọi tên con… Cháu Dũng như hiểu lòng cha, ộc nước và thức ăn ra đường miệng, đẩy phân qua đường hậu môn. Sau vài lần như thế thì các ngón taycháu ngọ nguậy. Ông Phạm Huy Tưởng, người hàng xóm thấy thế hét lớn: “Sống rồi! Cứu được rồi!”. Hy vọng ngời lên trên từng khuôn mặt đang nóng lòng chờ đợi vận may đến với cháu Dũng. Cháu tỉnh dần theo nhịp xoa bóp của bố. Ông Minh-thầy thuốc ở làng bên, được bà con cấp báo lúc này cũng đã có mặt, tiêm thuốc để phòng viêm phổi cho cháu…
Cháu Dũng được cứu sống. Còn gì vui hơn! Bà con xóm giềng nán lại và bỗng nhiên tọa đàm rất rôm rả. Tóm lại có mấy ý: Trẻ nhỏ ra đường phải có người lớn kèm, nhất là ở những nơi có nhiều xe cộ hoạt động, những nơi ao chuôm. Thứ hai, cứu trẻ đuối nước phải kịp thời, là việc làm của bất cứ ai biết cách làm, không như một số người quan niệm sai lệch: Cùng huyết thống thì không được cứu nhau khi đuối nước! Thứ ba, anh Nam làm các động tác cứu con hôm nay, về cơ bản là đúng phương pháp, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, như anh nói, lúc đó anh chỉ nghĩ là làm sao thoát được nước trong bụng cháu ra, và cháu phải thở được. Vậy thì phải bóp vào bụng, thổi hơi và ép vào phổi, xoa vào tim của cháu chứ không nghĩ gì hơn. Rất may là điều kỳ diệu đã xảy ra. Bởi vậy, khi gặp trường hợp tương tự, những người có mặt phải nghĩ ngay tới việc gọi bác sĩ cấp cứu để tránh hậu quả đáng tiếc.
Bài, ảnh: PHẠM XƯỞNG