QĐND - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm lại tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) có dịp tung ra thị trường. Để giúp người dân yên tâm đón Tết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang cùng với các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt những biện pháp giúp người dân được sử dụng các loại thực phẩm bảo đảm an toàn.
Mất an toàn thực phẩm - Nỗi lo của người tiêu dùng
Ngay từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cả tháng, các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân đã tràn ngập thị trường. Lẩn khuất, nhộn nhạo trong những mặt hàng sạch, chính hiệu, chất lượng cao, vẫn có không ít các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong những ngày giáp Tết, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ nhiều chủ hàng, cơ sở kinh doanh cung ứng các loại hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Điển hình là vào sáng 5-2 vừa qua, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở tại ấp Phúc Nhạc 3, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, đang chế biến hàng trăm ki-lô-gam mỡ lợn bẩn. Lượng mỡ này sau khi được chế biến xong sẽ chuyển về TP Hồ Chí Minh bán lại cho một số đầu mối tiêu thụ.
 |
Nông dân xã Vân Nội, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
|
Trước đó, vào ngày 13-1, Đội quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) kiểm tra lô hàng củ cải khô đang tập kết tại vỉa hè trước cửa nhà số 4, ngõ 40, đường Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân. Toàn bộ lô hàng này được đóng gói trong túi ni-lông, bọc ngoài bao tải, trên túi ghi chữ nước ngoài. Tổng khối lượng số hàng là 1.930kg. Chủ hàng đã không đưa ra được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng này.
Cùng với các loại thực phẩm tươi sống, nhiều loại thực phẩm khô như: Ô mai, hoa quả sấy khô, mứt, bánh kẹo… cũng đang được người tiêu dùng tìm mua. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại vẫn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi chỉ trong vòng một thời gian ngắn, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay: Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Tam Bình, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh kiểm tra hoa quả tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Qua kiểm tra kho lạnh của Công ty TNHH Vườn hạnh phúc Đà Lạt tại chợ đầu mối nói trên, lực lượng chức năng phát hiện hàng tấn trái cây gồm nho, lê và rau củ (như hành, khoai tây…) có dấu hiệu hư hỏng, mốc, thối. Trên thùng, bao đựng những sản phẩm này không có nhãn phụ, không ghi ngày sản xuất hay hạn sử dụng; tiếp tục kiểm tra, phát hiện thêm 24.984 gói thực phẩm là nước ép quả lê, có khối lượng 2.776kg. Số hàng này cũng không ghi ngày, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nói trên. Lực lượng chức năng đã thu giữ số hàng trên và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn
Làm cách nào để người tiêu dùng được sử dụng những loại sản phẩm sạch trong dịp Tết? Đó là câu hỏi cần lời giải của nhiều ngành chức năng. Tại hội nghị mới đây của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm: Đối với loại thực phẩm "sống còn" với người tiêu dùng như rau xanh, trước hết, cần có biện pháp để phân biệt được rau sạch và rau chưa sạch. Ông Công cũng cho rằng, hiện có quá nhiều ngành cùng có nhiệm vụ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng sẽ khó đạt được hiệu quả.
Đồng quan điểm trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, ông Trần Hiếu, cho rằng: Cần giúp người dân nhận biết được các cơ sở sản xuất sạch, loại thực phẩm sạch để tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ ở các cửa khẩu, không để hàng hóa thực phẩm nhập lậu. Vì nếu các loại thực phẩm khi đã vào nội địa thì rất khó kiểm soát.
Còn ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) kiến nghị: Cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp lưu thông, mua bán, sử dụng chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý, cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép lưu hành. Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Lực lượng chuyên ngành chú trọng kiểm tra việc lạm dụng các chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trái phép, ngoài danh mục như: U-rê, hàn the… Kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các sở nông nghiệp, các cấp huyện, xã hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý môi trường thủy sản.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến mới đây về công tác vệ sinh ATTP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Trong khi chúng ta xuất khẩu nhiều thực phẩm sạch thì trong nước vẫn còn nhiều thực phẩm chưa bảo đảm an toàn. Do vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn như các nước khác. Năm 2015 được Bộ NN&PTNT lấy là năm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân, của người tiêu dùng. Trước mắt, để phục vụ tốt Tết Nguyên đán Ất Mùi, cần hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm kém chất lượng trên thị trường. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với tạo ra các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, để có thể truy xuất nguồn gốc; hướng tới phổ biến cho người trồng rau các quy trình VietGap cơ bản (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam cơ bản với 26 chỉ tiêu). Đồng thời, tăng cường giám sát theo phương pháp mới, chuyển từ giám sát theo đơn chất sang giám sát theo đa dư lượng-nghĩa là việc lấy mẫu xét nghiệm cần kiểm tra tất cả các hóa chất độc hại tồn dư trong một sản phẩm. Đáng chú ý, thịt gia súc, gia cầm giết mổ và buôn bán ở chợ thường còn chứa dư lượng kháng sinh, vi sinh, vì thế cần giám sát ở những nơi này để phát hiện ra những cơ sở đưa ra thị trường các sản phẩm không đạt yêu cầu.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo: Sau Tết là dịp lễ hội, cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm tăng cao. Vì vậy, các đơn vị chức năng, địa phương cần cử cán bộ xuống đồng ruộng, trang trại để hướng dẫn người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… tăng cường lấy mẫu ở nơi buôn bán thịt, rau, bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho nhân dân.
Theo Kế hoạch hành động nhằm thực hiện mục tiêu “2015 - Năm an toàn vệ sinh thực phẩm” do Bộ NN&PTNT phát động, trong năm nay, bộ sẽ hướng dẫn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh-là hai đầu mối tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn-triển khai kiểm tra, kiểm nghiệm nhanh ATTP tại một số chợ đầu mối; đồng thời sẽ tiến hành giám sát, truy xuất liên tỉnh, vì nhiều sản phẩm được sản xuất ở một tỉnh nhưng lại tiêu thụ ở tỉnh khác. |
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM