QĐND Online – Ngày 20-10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là Đề án).

Nội dung cơ bản của Đề án bao gồm: Cơ sở xác định nguyên tắc và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nguyên tắc đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; khái toán kinh phí thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện Đề án.

Kèm theo Đề án có các phụ lục: Dự thảo những nội dung chính của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; dự thảo chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực chung của các cấp học; dự thảo nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo; dự toán kinh phí thực hiện Đề án.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: TTXVN.

Đề án nhằm ban hành chương trình và sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời; bảo đảm cho học sinh trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau giáo dục cơ bản; học sinh trung học phổ thông có định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông và học tập suốt đời.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, tổng kinh phí dự kiến cho đề án là 462 tỷ đồng; tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ); nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kỹ thuật tổ chức tập huấn qua internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Về lộ trình thực hiện, Đề án sẽ chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ tháng 1-2015 đến tháng 6-2017), chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác; tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kỹ thuật tổ chức tập huấn qua internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; hoàn thành việc thành lập trang thông tin điện tử Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng Chương trình Phát thanh và Truyền hình quốc gia về đổi mới giáo dục phổ thông; tổ chức tuyên truyền về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Giai đoạn 2 của Đề án sẽ thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018: Xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

Giai đoạn 3 (từ tháng 7-2018 đến tháng 12-2021): Theo đó, từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

Đề án cũng nêu trách nhiệm (chủ trì, phối hợp) và các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đến chủ trương đổi mới chương trình, bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan chủ trì Đề án); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các cơ sở giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: TTXVN.

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày đánh giá: Đề án của Chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua ngân sách trung ương với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác. Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ đề xuất nhưng đề nghị: Cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Những đổi mới trong khuôn khổ một lớp có thể thực nghiệm đồng thời theo lớp, nhưng những đổi mới có tính chất xuyên cấp học thì phải thực nghiệm theo hình thức cuốn chiếu lần lượt từ lớp dưới lên lớp trên. Cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục; nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện nội dung, yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục mới và ưu tiên tập trung sớm tăng cường năng lực đối với những cơ sở giáo dục gặp khó khăn. 

Việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, hồ sơ trình Dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết cả về nội dung, hình thức theo yêu cầu; hoàn chỉnh Đề án, đặc biệt luận giải khoa học hơn những vấn đề đổi mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này, để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét ban hành Nghị quyết.       

PHÚC THẮNG