Tuy bức tranh toàn cảnh an ninh mạng đạt nhiều kết quả tích cực, song, vẫn cần phải tiến hành nhiều giải pháp nhằm thắt chặt an toàn thông tin hơn nữa trong thời gian tới.
 |
Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin 2019. Ảnh: TRÀ MY |
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong tháng 1-2020, hệ thống ghi nhận 283 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; trong đó bao gồm 30 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 40 cuộc tấn công cài mã độc (Malware), 213 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), giảm 11% so với tháng 12-2019, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm tại các mạng máy tính ma trong tháng 1-2020 là 432.162 địa chỉ, giảm 57,69% so với tháng 12-2019 và giảm 59,32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng dịp Tết Canh Tý 2020, tình hình an toàn, an ninh mạng cũng được bảo đảm tốt, không có cuộc tấn công mạng nào gây ảnh hưởng lớn, xảy ra trên diện rộng hoặc dẫn đến sự cố nguy hiểm đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như cộng đồng. Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin nhận định, bức tranh toàn cảnh an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong hai năm qua có những chuyển biến tích cực nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước cùng các chiến dịch xử lý mã độc đồng loạt tại một số thành phố lớn góp phần giảm đáng kể số lượng máy tính tại Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma. Tính đến nay, 31 bộ, ngành, địa phương đã kết nối với hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Tập đoàn công nghệ BKAV cũng thẳng thắn cho rằng, việc chuyển biến tích cực này mới chỉ đến chủ yếu từ khối cơ quan ở Trung ương và một số thành phố lớn, khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn còn hạn chế trong công tác này. Báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2019 và dự báo 2020 vừa được tập đoàn công nghệ này chỉ ra, năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên tới 20.892 tỷ đồng, trong khi năm 2018 con số này chỉ dừng lại ở 14.900 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng trên là do việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng. Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm viurs, các chuyên gia BKAV nhận định. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm virus qua USB đã giảm mạnh thì virus lây nhiễm qua email có chiều hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia tại Tập đoàn công nghệ BKAV: Năm 2020 mã độc tấn công có chủ đích sẽ tinh vi hơn. Các thiết bị IoT, như: Wi-Fi, camera giám sát, thiết bị đầu cuối… sẽ là điểm nóng về an ninh mạng. Bởi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng. Ngoài ra, tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khó lường.
Để bảo đảm công tác an toàn thông tin trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức các chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Cùng với đó, hình thành mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến nghị, trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, yếu tố con người, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu là then chốt, quan trọng nhất. Do đó, người đứng đầu cần trực tiếp chịu trách nhiệm và quyết liệt trong khâu chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, an toàn, an ninh mạng là công tác đặc thù, cần có thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng. Mỗi đơn vị cần có cán bộ chuyên trách được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện.
Để bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, các chuyên gia BKAV khuyên người sử dụng, đặc biệt là các quản trị viên cần rà soát, đặt lại mật khẩu đủ mạnh cho máy tính, máy chủ mình quản lý. Mật khẩu mạnh phải có độ dài từ 9 ký tự trở lên, gồm chữ hoa, chữ thường, có ký tự số và ký tự đặc biệt và không nên chứa các thông tin dễ đoán liên quan đến người dùng.
Bài và ảnh: TRÀ MY