Mục đích của diễn đàn cấp cao là thúc đẩy chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.
Ưu tiên triển khai một số nhóm dịch vụ để xây dựng đô thị thông minh
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, diễn đàn năm nay tập trung vào hai chủ đề là xây dựng đô thị thông minh hướng tới cộng đồng, bởi các đô thị không thể thông minh nếu thiếu vắng sự tham gia của các công dân, các đô thị chỉ thực sự thông minh khi phát huy được bản sắc của cộng đồng mình. Thứ hai, phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Sự gắn kết và chủ động thích ứng sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách khó khăn trong cả ngắn hạn như đại dịch Covid-19, cũng như những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc khôi phục phát triển kinh tế hậu Covid-19 hay đối phó với những rủi ro phi truyền thống tương tự đại dịch này.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để chúng ta tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển đô thị thông minh là 1 trong 3 nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư (bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số). Đây cũng chính là các chủ đề mà diễn đàn cấp cao và các phiên chuyên đề năm nay tập trung thảo luận.
 |
Khách quốc tế tham quan mô hình kiến tạo thành phố thông minh của VNPT. |
Với những kinh nghiệm triển khai thực tiễn, tại diễn đàn, Tập đoàn VNPT đã giới thiệu nền tảng giải pháp công nghệ hiện đại, phong phú, giúp cho quan khách tại sự kiện có được cái nhìn toàn diện về một đô thị thông minh “Make in Vietnam”.
Qua kinh nghiệm thực tiễn tư vấn và triển khai đô thị thông minh cho hơn 30 tỉnh, thành phố của VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT cho rằng, khi xây dựng đô thị thông minh thì cần ưu tiên triển khai một số nhóm dịch vụ tiêu biểu. Đó là các hệ thống nền tảng với hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center), trục dữ liệu.
IOC mang lại khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, từ đó tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực. IOC sẽ giúp chính quyền địa phương thay đổi mô hình quản trị, kết nối được sức mạnh của các Cơ quan quản lý Nhà nước để phục vụ người dân được tốt hơn.
Thời gian qua, VNPT đã tập trung nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và triển khai Trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC) cho Chính phủ và khoảng hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây được xem là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia từ các cấp Chính quyền tới các ban, bộ ngành và địa phương.
Nếu IOC là “bộ não số” thì trục dữ liệu được ví như “hệ thống huyết mạch số” của đô thị thông minh. Trục dữ liệu này được liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh và hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).
Đồng hành với các địa phương triển khai đô thị thông minh
Tham gia triển khai Đề án quốc gia về “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam”, Tập đoàn VNPT đã tập trung đưa các công nghệ tiên tiến nhất như IoT, AI, Big Data vào ứng dụng trong các lĩnh vực. Hướng tiếp cận của VNPT trong xây dựng đô thị thông minh là hướng mở: Xây dựng đô thị thông minh phải được triển khai dưới các nhu cầu tất yếu để giải quyết các yêu cầu bức thiết của mỗi đô thị hay khu vực dân cư.
Mỗi tỉnh hay thành phố khi xây dựng đô thị thông minh cần có sự nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thông minh; có sự chỉ đạo thống nhất giữa Lãnh đạo các cấp của tỉnh, của thành phố đảm bảo phù hợp với xu hướng chung, điều kiện của đô thị. Phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng các bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn.
 |
Hiện nay, VNPT trở thành đối tác triển khai đô thị thông minh của 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Những lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất đưa vào xây dựng đô thị thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua đã nhận được đánh giá rất cao từ các chuyên gia, các nhà lãnh đạo và người dân. Đó chính là chính quyền số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông.
Để ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh cho một thành phố, việc trước tiên VNPT bắt tay thực hiện đó chính là xây dựng, nâng cấp nền tảng cơ sở hạ tầng viễn thông - CNTT cho địa phương đó. VNPT xác định một đô thị được cho là thông minh là một đô thị phát triển bền vững, đổi mới và sáng tạo bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Cách tiếp cận này của VNPT trong xây dựng đô thị thông minh đã góp phần thay đổi cả chất và lượng ở nhiều lĩnh vực trọng yếu tại các thành phố thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh. Cách tiếp cận này cũng đã giúp VNPT được lựa chọn trở thành đối tác triển khai đô thị thông minh của gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 3 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều tham gia vào mạng lưới thành phố thông minh của ASEAN. Theo Phó tổng giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm, vấn đề cốt lõi của quá trình phát triển đô thị thông minh là xây dựng mạng thông tin mở giữa chính quyền, người dân, minh bạch thông tin; cơ chế chính sách cần mở; nâng cao chất lượng sống của người dân bằng chính hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Bài, ảnh: VĂN PHONG - NGUYỄN QUỲNH