Tấm khiên chắn số hóa bảo vệ cộng đồng
Diễn biến phức tạp và dai dẳng của dịch Covid-19 khiến con người trên toàn thế giới nói chung và nước ta nói riêng buộc phải thay đổi thói quen, nếp sống. Nếu như thời gian trước đây, làm việc trực tuyến, học tập trực tuyến, ứng dụng chữ ký số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)… còn ít được sử dụng thì dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan niệm, nhận thức về phương thức vận động xã hội. Nhu cầu của con người chuyển dần từ đời sống thực sang không gian số. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 tăng khoảng 6% so với năm 2019 (từ 40,40% lên 45,76%). Tỷ lệ DVCTT của khối địa phương tăng gần gấp đôi do tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội.
 |
Giải pháp họp trực tuyến do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển. Ảnh: LÊ SƠN |
Để đáp ứng những nhu cầu mới của xã hội, công nghệ chính là chìa khóa. Nhanh chóng nắm bắt được điều đó, ngày 2-2-2020, Bộ TT&TT ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTTTT hiệu triệu toàn ngành TT&TT bao gồm doanh nghiệp công nghệ số tham gia phòng, chống Covid-19. Tiếp đó, ngày 25-3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ban hành Chỉ thị số 16/CT-BTTTT phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Đây là chỉ thị thứ hai mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành cùng vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào cuộc, thể hiện năng lực nhanh nhạy của mình. Gần 1.000 kỹ sư từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch. Nước ta được đánh giá là một trong số ít quốc gia phát triển được nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong việc truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng BTS, mức sử dụng định vị vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth. 12 nền tảng và hàng loạt ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã được ra mắt, bảo đảm cuộc sống diễn ra như bình thường. Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định: “Các doanh nghiệp công nghệ số đã cống hiến trên 100% sức lực, làm bất kể ngày đêm, đồng hành cùng cơ quan quản lý y tế, cơ quan quản lý công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành các ứng dụng thông minh phòng, chống dịch Covid-19”.
Hết thời gian giãn cách xã hội, để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực cũng như tăng tính tự chủ công nghệ, từ trung tuần tháng 4 đến nay, Bộ TT&TT tiếp tục tổ chức khai trương, giới thiệu và bảo trợ về truyền thông cho nhiều nền tảng số Make in Vietnam, như: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng điện toán đám mây Việt; nền tảng quản lý tổng thể doanh nghiệp 1Office; nền tảng mã bưu chính Vpostcode...
Tăng cường tính tự chủ về công nghệ
Trong tháng 6-2020, Bộ TT&TT trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Trong tiến trình chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt. Phân tích điều này, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng chỉ ra rằng, trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin phải mất 3-5 năm mới thực hiện được tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, với sự sẵn có của các nền tảng công nghệ, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Hơn nữa, ông Nguyễn Huy Dũng cũng nhận định, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu là năng lượng mới của nền kinh tế. Dữ liệu này của người Việt Nam phải tạo ra giá trị gia tăng cho Việt Nam, việc đó chỉ có thể làm được thông qua nền tảng Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mang sứ mệnh đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm cho mọi người chuyển đổi số dễ dàng hơn thông qua các nền tảng. Các doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội, sát với thực tiễn bằng công nghệ Make in Vietnam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự xuất hiện của dịch Covid 19 cũng là lời cảnh báo về những đại dịch khác có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Cách duy nhất để một quốc gia có thể tự bảo vệ mình là không phục thuộc vào quốc gia khác. Chính vì vậy, ngành TT&TT đang phát huy tối đa tinh thần sáng tạo tự lực tự cường để tạo cho mình các sản phẩm công nghệ nội địa.
VŨ MY