Sáng đầu Xuân, chúng tôi đến tham quan Bến Nhà Rồng, bất chợt nghe ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn mượt mà, đậm chất dân ca Nam Bộ. Là người con của đất phương Nam, nhiều lần được thăm Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh), nhưng cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có một cảm xúc thật sâu lắng!
Dù thời gian Bác Hồ lưu lại ở Thành phố không nhiều, nhưng thời khắc của lịch sử cách đây gần 105 năm (ngày 5-6-1911), khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, mãi mãi không bao giờ phai. Bến Nhà Rồng vẫn nguyên vẹn như xưa, một tòa nhà cổ kính tọa lạc nơi ngã ba sông Sài Gòn-kênh Tàu Hủ-Bến Nghé với vẻ uy nghiêm mà gần gũi, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Thành phố với những tòa cao ốc cùng một đường hầm hiện đại trong lòng sông Sài Gòn...
Để ghi nhớ sự kiện ngày 5-6-1911, ngôi nhà được gìn giữ làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đó được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Thời gian đầu thành lập, bảo tàng chỉ có 3 phòng trưng bày, nay có 9 phòng với gần 1.500m2 diện tích trưng bày cùng hơn 18.000 tài liệu, hiện vật, sách, ảnh, nhất là có hơn 400 tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ hình ảnh ngôi nhà nơi Bác sinh ra và lớn lên đến chiếc áo, chiếc mũ, đôi dép Bác thường dùng cùng nhiều hiện vật, hình ảnh khác...; tất cả đều đơn sơ, giản dị, nhưng lưu giữ dấu ấn lịch sử, thể hiện ý chí mạnh mẽ, tấm gương đạo đức sáng ngời của một vĩ nhân từng bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước.
Mỗi năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đón hơn 350.000 lượt du khách trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế...; nhiều người ghi lại trong sổ lưu niệm những dòng cảm xúc chứa chan niềm kính yêu, tự hào, khâm phục đối với vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Các cháu thiếu nhi TP Hồ Chí Minh thăm Bến Nhà Rồng.
Những năm qua, vào dịp Tết đến, Xuân về, đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu nơi biên giới, biển, đảo lại về thăm TP Hồ Chí Minh và tham quan Bến Nhà Rồng. Ngắm “viên gạch Bác dùng sưởi ấm trong mùa đông”, chiến sĩ trẻ Phan Ngọc Triều (công tác tại đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa) xúc động chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe, được học, nhưng hôm nay lần đầu mới tận mắt nhìn thấy viên gạch Bác dùng sưởi ấm trong mùa đông. Nó dạy tôi bài học về sự cần kiệm, sáng tạo từ những điều nhỏ nhất. Tôi hiểu rằng, học tập và làm theo Bác, chúng tôi càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp luôn tự hào về công việc của mình. Bà cho biết: “Bảo tàng đã tổ chức trưng bày theo các chuyên đề và nhiều cuộc trưng bày lưu động tại vùng sâu, vùng xa, các huyện ngoại thành; nghiên cứu xây dựng các chuyên đề như: “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Bác Hồ với thanh niên”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam”… Chúng tôi luôn nỗ lực đưa những tài liệu, hiện vật, những giá trị di sản về Bác đến với công chúng, khách tham quan trong và ngoài nước; truyền được lý tưởng sống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tấm gương đạo đức của Người đến với lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau”.
Bài và ảnh: TUYẾT THƯ