Tết nền nếp ở trời Tây

Trầm ngâm trong tiết trời se lạnh của Hà Nội, anh Phạm Mạnh Cường chia sẻ: “Tết ta” còn độ hơn tháng nữa, vậy mà tôi đã cảm nhận được không khí Tết trên các con phố nhộn nhịp ở Hà Nội. Dòng người có vẻ hối hả hơn, lòng người cũng chộn rộn hơn thì phải”. Với người con xa xứ hơn 30 năm như anh, chừng ấy thôi cũng đủ để nao lòng.

Cũng phải, ở nước ngoài, gần như cả năm quay cuồng với cơm áo gạo tiền, chỉ có dịp Tết ta, cả cộng đồng mới có những giây phút lắng đọng cùng hướng về quê cha đất tổ. Anh Cường cho biết, lúc Giao thừa ở Việt Nam cũng là giờ tan tầm bên Đức nên mọi công việc chuẩn bị cho mấy ngày Tết, nhất là mâm cơm Tất niên cúng tổ tiên hay Giao thừa đều phải tranh thủ chuẩn bị từ trước. “Ở xứ người, lúc dâng mâm cơm cúng, thắp nén hương khấn vái tổ tiên là lúc thấm thía nhất nỗi niềm xa quê hương, cảm nhận rõ nhất mình là ai. Có lẽ đó là lúc “hồn vọng cố hương” mãnh liệt nhất đối với chúng tôi, những người con xa xứ... Dù ở đâu, làm gì, giữa một xã hội công nghiệp bận rộn, chúng tôi vẫn luôn ý thức mình là người con đất Việt, luôn hướng về quê cha đất tổ”, anh Cường bùi ngùi.

Chị Petra Pham và con gái Kiều Trang. Ảnh: PHẠM MẠNH.

Chính nhờ cô vợ người Đức, chị Petra Pham đảm đang và... “rất Việt Nam” nên “Tết ta” ở gia đình anh Cường, dù ở trời Tây, vẫn ấm cúng, nền nếp, chẳng thiếu thức gì. Mâm cơm cúng ngày Tết chị chuẩn bị đủ đầy các món truyền thống, có cả canh măng, nem rán, hai món tủ chị học được từ mẹ chồng trong những dịp về thăm quê chồng. Nàng dâu Tây chu đáo luôn treo quyển lịch có cả ngày âm để theo dõi các ngày giỗ, Tết. Nhiều khi bận rộn, vợ chồng nhìn lịch nhắc nhở nhau “sắp đến ngày giỗ ông bà nội rồi đấy”.

Gần Tết, cũng như bao gia đình ở Việt Nam, vợ chồng, con cái cùng xúm vào lau dọn bàn thờ. Chị Petra Pham luôn dạy các con rằng trong nhà có bàn thờ là quan trọng nhất và cả hai cô con gái đều có một suy nghĩ rất Việt Nam là “trần sao âm vậy”. Nay chúng đã lớn cả và cũng không còn thắc mắc khi thấy bố mẹ cuối năm thường rút bớt chân hương ở bát hương trên bàn thờ. Vì những lần như vậy, anh Cường thường tranh thủ dạy các con về phong tục, tập quán ngày Tết của người Việt Nam.

Anh Cường kể, vợ anh luôn ý thức rằng mứt là hương vị không thể thiếu trong ngày Tết của Việt Nam, nên trên bàn thờ ngày Tết của gia đình không bao giờ thiếu hộp mứt. Mê món mứt dừa và mứt gừng, chị Petra Pham vẫn nhớ hộp mứt Việt Nam thời bao cấp như thế nào. Có lần, chị còn nói với chồng là mình thích hộp mứt kiểu cũ, mứt để trong hộp giấy bìa vì thấy đẹp hơn, chứ hộp mứt bây giờ trông hiện đại quá, mất cả nét cổ truyền.

Nàng dâu Tây “sinh nhầm nước”

Thì ra, nàng dâu Tây Petra Pham từ lâu đã có duyên với đất nước Việt Nam. Học khoa Sử Á Đông tại Trường Đại học Tổng hợp Humbold, CHDC Đức trước đây, chị bắt đầu yêu mến Việt Nam từ phong trào xuống đường phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Cũng từ đó, mối duyên của chị với đất nước Việt Nam bắt đầu. Yêu mến Việt Nam, chị Petra Pham chủ động làm quen và kết bạn với các sinh viên Việt Nam sang CHDC Đức học tập, rồi tự mày mò học tiếng Việt. Chị thường vào ký túc xá chơi để được thưởng thức các món ăn do các bạn Việt Nam nấu, nhất là món cơm cháy chấm muối vừng yêu thích. Có hôm, chị còn xin cơm cháy mang về.

Vì thế, trước khi quen biết, yêu rồi kết hôn với anh Cường, Việt Nam với chị không phải xa lạ gì. Chị từng làm phóng viên kiêm phát thanh viên cho một chương trình tiếng Việt của một đài phát thanh ở Đức được Đảng Cộng sản Đức lúc đó tài trợ. Chị đã gắn bó với đất nước hình chữ S qua những chuyến công tác sang Việt Nam để viết bài về công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam sau chiến tranh. Chị vẫn kể cho chồng con nghe, chị không thể nào quên tình cảm của các bà mế già người dân tộc thiểu số đã ôm chị để ủ ấm cho chị ngủ vì thương cô gái Tây bị lạnh trong những lần đi thực tế ở vùng cao.

Rồi sau đó là những lần hiếm hoi về làm dâu, ở cùng gia đình nhà chồng tại Hà Nội. Tình cảm mẹ chồng Việt-nàng dâu Tây quấn quýt nhiều khi chồng còn phải ghen tị. Đi guốc mộc, mặc áo bà ba, xách làn theo mẹ đi chợ, nói giỏi tiếng Việt, hồi ấy nàng dâu Tây Petra Pham đã hòa nhập rất nhanh với nếp sống nhà chồng. Chị Petra Pham vẫn tâm sự với chồng là “em sinh nhầm nước, đáng lẽ em phải là người Việt Nam mới đúng”.

Niềm tự hào-dòng máu “Đức-Việt”

Hiện nay, cô con gái thứ hai Phạm Kiều Trang của anh chị, 15 tuổi, là niềm tự hào của cả gia đình và cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Năm 14 tuổi, Kiều Trang đã là một giọng ca opera chuyên nghiệp và là một trong 10 giọng ca hay nhất của chương trình “The Voice Kids Germany” 2013 ở Đức và sau đó đoạt giải nhì Tài năng trẻ tại cuộc thi “You Berlin 2013”. Ông nội Kiều Trang chính là cố Nghệ sĩ ưu tú, nhà quay phim Phạm Ngọc Lan, nổi tiếng với các bộ phim như: Mẹ vắng nhà, Ngọn đèn trong mơ, Khi đàn chim trở về... Từ khi mới là cô bé lên 3 tuổi nói còn chưa sõi, dù sống ở Đức nhưng Kiều Trang đã thuộc và líu lo cả ngày nhiều bài hát tiếng Việt do bố mẹ dạy. Ở Đức, Kiều Trang không chỉ được mời tham gia biểu diễn ở một số chương trình tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mà cô còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và từ thiện hướng về quê hương của cộng đồng người Việt ở Béc-lin. Kiều Trang vinh dự được UNICEF Gala mời 3 lần liên tiếp biểu diễn cùng các ca sĩ nổi tiếng trong các chương trình từ thiện lớn của UNICEF tại CHLB Đức. Bình thường, các tài năng âm nhạc trẻ khác chỉ được mời một lần duy nhất.

Ở các chương trình tầm cỡ mà cô biểu diễn hay những quảng cáo chương trình có cô tham gia ở Đức, phía sau cái tên Kiều Trang, cô luôn đề nghị thêm hai chữ “Việt Nam”. Kiều Trang luôn ý thức trong mình một nửa là dòng máu Việt và tự hào về quê hương Việt Nam. Ở đâu Kiều Trang cũng nổi bật với mái tóc đen dài chấm gót đặc trưng mà cô không bao giờ cắt hay nhuộm.

MAI NGUYÊN