Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về Trung đoàn Phòng không 64 (Sư đoàn 361) gặp cán bộ, chiến sĩ trong kíp chiến đấu đã từng tiêu diệt mục tiêu, làm chủ tổ hợp tên lửa S-300PMU1 tại Trường bắn Kapustin Yar thuộc Bộ Quốc phòng Nga, là các anh đều còn rất trẻ và phong độ. Đúng thế, để được tuyển lựa vào lực lượng PK-KQ đâu phải dễ! Tôi có cảm giác những người được tuyển chọn vào đây “mắt phải sáng, dáng phải cao” và sức khỏe phải thật tốt thì là chuyện đương nhiên. Bởi có như thế thì mới đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt của công việc.

Vậy mà, khi sang nước bạn, những chàng trai được xếp vào hạng “chuẩn” của quân chủng ấy vẫn thuộc hàng “thấp bé” so với sĩ quan quân đội nước bạn. Nhưng đâu có hề gì! Điều quan trọng là chỉ sau 6 tháng học tập tại nước bạn, trong đợt kiểm tra bắn đạn thật có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước ta và Bộ Quốc phòng nước bạn, kíp chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt bám và tiêu diệt mục tiêu. Thành tích ấy được các thủ trưởng cả của ta và bạn đánh giá đạt giỏi, còn các chuyên gia nước bạn thì rất khâm phục.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Phòng không 64 chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia tại Nga, tháng 5-2015. Ảnh do đơn vị cung cấp

Kíp chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm đó đều ở độ tuổi 30, giờ có người đã là cán bộ cấp trung đoàn. Trung tá Nguyễn Quốc Văn-Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Phòng không 64, vẫn nhớ như in cảm giác tự tin lúc phát hiện mục tiêu và phát lệnh bắn khi anh đảm nhiệm vai trò của sĩ quan phát hiện và chỉ thị. Còn Trung tá Nguyễn Trần Luyện, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Phòng không 64 là người trực tiếp ấn nút phóng quả tên lửa thì không thể quên cảm giác vỡ òa khi quả đạn tiêu diệt mục tiêu.

Trung tá Nguyễn Quốc Văn bồi hồi kể lại chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của những cán bộ, chiến sĩ phòng không: Từ tháng 10-2004, trong toàn Sư đoàn Phòng không 361 đã diễn ra cuộc tuyển chọn 46 người chuẩn bị tham gia khóa học chuyển giao công nghệ tổ hợp tên lửa phòng không cơ động đa kênh S-300PMU1. Sau hai tháng huấn luyện trong nước, tháng 1-2005, các anh nhận nhiệm vụ lên đường sang nước bạn. Ngày lên đường cũng là lúc không khí Tết Nguyên đán đã rộn ràng. Các anh bàn nhau phải chuẩn bị kỹ để sang bên đó vẫn tổ chức được một cái Tết thật tươm tất. Những món đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, bánh đa nem… được các anh mua sẵn cho vào ba lô chờ ngày lên đường…

 Luyện tập, chuẩn bị cơ động chiến đấu. Ảnh: KHÁNH AN

“Ngày 30 Tết của mình thì bên nước bạn vẫn là ngày làm việc. Thế nên buổi sáng, chúng tôi vẫn tham gia học tập như thường lệ, buổi chiều mới chia nhau “đi chợ”-là một chợ xép có bán nông sản của người Việt. Rồi người xuống bếp, người chuẩn bị trang trí hội trường, người đi mời các thầy giáo và chuyên gia Nga tham dự. Tuy không thể đầy đủ như ở nhà, nhưng không khí háo hức lắm, ai cũng hồi hộp chờ đón giây phút Giao thừa”-Thiếu tá Nguyễn Huy Tiến, Trợ lý tham mưu Trung đoàn, xúc động kể về cái Tết đầu tiên xa xứ.    

Đúng 0 giờ (giờ của nước bạn), các anh cùng hô vang lời “Chúc mừng năm mới!”, trao nhau những cái bắt tay thật chặt và lời chúc về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của đồng đội. Không khí ấm cúng, hồ hởi khiến các chuyên gia và những người bạn Nga rất phấn khích. Các bạn bảo “rất thích Vodka Việt Nam” và đặc biệt là những chiếc nem Việt. Chính vì thế nên sau này, các anh luôn chuẩn bị quà cho bạn là những phong bánh đa nem kèm theo cách chế biến món nem rán Việt Nam sao cho thật thơm ngon, giòn ngậy…

“Khi mới sang, điều đầu tiên chúng tôi phải làm quen là “cái rét”. Ở Việt Nam, nhiệt độ xuống tới 10 độ đã thấy lạnh lắm. Thế nhưng, mùa đông nước Nga nhiệt độ có thể xuống tới âm mấy chục độ. Ban đầu chưa quen, chúng tôi bảo nhau mặc thật ấm với nhiều lớp áo. Chẳng ngờ khi vào trong phòng học, phòng nào cũng có máy sưởi, khiến nhiều anh... vã mồ hôi!”-Trung tá Nguyễn Trần Luyện cười tủm tỉm khi kể về những ngày đầu tiên sang học tập tại nước bạn-”Sau này, rút kinh nghiệm, anh em bảo nhau chỉ cần mặc áo dày, giữ thật ấm đầu, cổ và chân là được”.

Rồi các anh bắt tay ngay vào nhiệm vụ học tập. S-300PMU1 là tổ hợp tên lửa sử dụng công nghệ hoàn toàn mới so với những khí tài các anh đã được huấn luyện thuần thục tại nhà. Việc tiếp nhận là không hề đơn giản. Ngoài giờ lên lớp, các anh phải tận dụng mọi thời gian để tự học tập, nghiên cứu, ví như tranh thủ thời gian sau giờ học để hỏi thêm chuyên gia, tối về lại thức đêm nghiên cứu tài liệu và trao đổi với nhau những chỗ chưa hiểu. Để rồi, sau khi kết thúc khóa học, “từ tháng 7-2005, được tiếp nhận toàn bộ vũ khí khí tài của tổ hợp tên lửa S-300PMU1 thì đến tháng 10-2006, chúng tôi đã có thể tự huấn luyện chuyển loại cho sĩ quan trẻ”-Trung tá Nguyễn Trần Luyện tự tin cho biết.

Chia tay các chiến sĩ Trung đoàn phòng không 64 khi làn mưa bụi đã giăng giăng khắp đất trời. Thế nhưng, ngoài thao trường, các anh vẫn đang miệt mài luyện tập. Những chiếc xe chuyên dụng kềnh càng gầm lên, xuyên mưa, lao nhanh về vị trí trận địa. Chỉ chưa đầy 5 phút, toàn bộ hệ thống tổ hợp tên lửa S-300PMU1 đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, những bệ phóng hiên ngang sừng sững một vùng trời. Và tôi biết, từ nơi ấy, đất nước đã vào Xuân!

XUÂN ĐỨC - THU THỦY