QĐND - “Thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh việc mở cửa đón nhận các phong tục tốt đẹp từ bốn phương, như Lễ Nô-en, Ngày Va-len-tin, Tết Dương lịch…, thì chúng ta càng phải ý thức hơn về việc bảo tồn và làm giàu có hơn các phong tục Tết cổ truyền. Bởi vì Tết cổ truyền chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam. Bảo tồn và tự hào với bản sắc văn hóa ấy, đó chính là tấm căn cước giúp chúng ta tự tin hơn đi ra biển lớn của sự hội nhập hôm nay và mai sau”. Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Việt Nam) khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trước thềm năm mới Bính Thân 2016.

Tết mang giá trị văn hóa đặc biệt

Phóng viên (PV): Tết không chỉ đơn thuần là sự mở đầu của chu trình một năm mà còn là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, thiêng liêng. Giáo sư có thể nói rõ thêm về ý nghĩa Tết cổ truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt?

GS, TS Ngô Đức Thịnh.  Ảnh: KHÁNH LINH

Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Ngô Đức Thịnh: Tết là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, mang những giá trị văn hóa rất lớn. Các cụ xưa thường nói, ba ngày Tết, tức từ ngày Mồng Một tới Mồng Ba (ngày hóa vàng). Tuy nhiên, để có ba ngày Tết, thì sự chuẩn bị bắt đầu nhộn nhịp từ ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng, còn kết thúc Tết phải tới ngày 7 tháng Giêng, ngày hạ cây nêu, nhằm đúng tiết khai hạ. Thực ra, không khí Tết còn kéo dài tới Tết Thượng nguyên, tức Rằm tháng Giêng, với tâm thức “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Trong ba ngày Tết ấy hay trở về trước tới ngày Tết ông Táo và kéo dài về sau tới ngày hạ cây nêu, có biết bao phong tục, kể sao cho đủ.

Về ý nghĩa của Tết, trước hết, đó là một ngày sum họp. Người Việt Nam, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu cũng mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết. Sum họp không chỉ với người sống, mà với cả người đã mất. Vì thế ta có tục chạp mộ, tức sửa sang mồ mả và mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình, con cháu. Tùy từng địa phương, nghi lễ này thường tiến hành sau 23 tháng Chạp đến tận ngày 30. Với quan niệm, trong ba ngày Tết các cụ vẫn ở trong nhà nên không lúc nào là không có hương hoa trên bàn thờ cúng tổ tiên. Đây là phong tục thuần Việt, phân biệt với người Trung Quốc tảo mộ vào dịp “Thanh minh trong tiết tháng Ba”.

Trong quan niệm dân gian, Mồng Một Tết cha, Mồng Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy. Mồng Một lo cúng gia tiên bên nội, đón khách đến xông nhà, chúc Tết; Mồng Hai về bên ngoại ăn Tết; Mồng Ba đi chúc Tết thầy giáo. Trong không khí giao hòa như vậy, Tết là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp, tạo nên không khí thật đầm ấm, chân tình, thân mật. Con người ta không chỉ có gia đình, mà còn cả xã hội, cộng đồng, do vậy cũng có các chương trình vui chơi nơi công cộng: Mồng Một chơi nhà, Mồng Hai chơi ngõ, Mồng Ba chơi đình, với các trò vui chơi giải trí, đua tài như đánh đu, chơi cù, kéo co, đánh vật, chọi gà, ném còn…

PV: Ý nghĩa của Tết cổ truyền sâu sắc, sâu xa là vậy nhưng tôi nhớ mấy năm trước đây, lại rộ lên một số ý kiến đề xuất nên chuyển ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, như là một cách để hội nhập văn hóa...

GS, TS Ngô Đức Thịnh: Một số nhà nghiên cứu văn hóa từng đề xuất ý tưởng này. Nhưng tôi nghĩ khác. Tết Nguyên đán của mình có giá trị rất lớn. Nó là văn hóa, gắn với cả hệ sinh thái Tết chứ không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Tết cổ truyền không đơn giản là vấn đề thời gian, thời điểm văn hóa thuần túy mà là một hệ thống kéo dài suốt cả tháng với nhiều sự kiện, phong tục, nghi lễ mang ý nghĩa về không gian, môi trường. Tôi thấy, việc chuyển Tết Nguyên đán sang Tết Dương lịch, cái được chỉ là tiện trong việc hòa nhập, nhưng cái mất thì rất lớn, đó là mất đi cả một di sản về Tết mà ta không thể lấy lại được. Chúng ta đánh đổi một cái phong phú mang ký ức con người sang cái thuần túy thời gian trống không thì nó vô nghĩa...

Phong tục Tết - Những thay đổi và bất biến

PV: Dường như cách ăn Tết của người Việt giờ đây đã thay đổi khá nhiều so với trước. Sự thay đổi có làm những nét đẹp Tết xưa mai một không, thưa Giáo sư?

Quây quần bên nồi bánh chưng Tết.  Ảnh tư liệu

GS, TS Ngô Đức Thịnh: Phong tục là cuộc sống được chắt lọc, cô đọng lại, được thăng hoa, vượt lên trên đời sống trần tục và mang một ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Bởi vậy, nó rất bền chắc và được các thế hệ kế tục, trao truyền bảo đảm cho sự thống nhất của văn hóa dân tộc. Tuy bền chắc, nhưng phong tục luôn phải đối mặt với sự thay đổi của xã hội. Xã hội hiện đại tác động làm nó thay đổi, từ cưới chay, tang ma. Với Tết, theo tôi, nó chỉ thay đổi về hình thức, còn bản chất của nó vẫn là hằng số: Sum họp gia đình, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, sinh hoạt cộng đồng... Thí dụ vấn đề sum họp, trong xã hội hiện đại, gia đình không chỉ ở một nơi, do điều kiện công tác có thể thể tất vấn đề này. Bằng hình thức khác để liên hệ với gia đình chúc Tết, thăm hỏi ông bà cha mẹ để thay cho việc mình phải có mặt. Hay Tết bây giờ có xu hướng, người ta không chỉ ở nhà mà tìm một nơi nào đó, một vùng đất nào đó ăn Tết, làm cho cuộc sống phong phú hơn, đa dạng hơn. Chuyện ăn uống ngày Tết giờ cũng không thành vấn đề, trước đây có cái gì cũng bảo “để dành đến Tết”, còn nay thì ngày nào cũng là Tết rồi.

Thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh việc mở cửa đón nhận các phong tục tốt đẹp từ bốn phương, như Lễ Nô-en, Ngày Va-len-tin, Tết Dương lịch…, thì chúng ta càng phải ý thức hơn về việc bảo tồn và làm giàu có hơn các phong tục Tết cổ truyền. Bởi vì, Tết cổ truyền chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam. Bảo tồn và tự hào với bản sắc văn hóa ấy, đó chính là tấm căn cước giúp chúng ta tự tin hơn đi ra biển lớn của sự hội nhập hôm nay và mai sau.

PV: Những thay đổi như Giáo sư nói là sự tất yếu khi xã hội thay đổi, nhưng rõ ràng có hiện tượng một số nét văn hóa đẹp của Tết đang bị mai một, biến tướng, như đi lễ hội, chùa chiền hay lễ lạt tặng quà...?

GS, TS Ngô Đức Thịnh: Con người ta đều ước vọng, mong muốn những điều cao cả. Người Việt Nam có tín ngưỡng chùa, đình, đền. Vào ngày Tết, thường sau Giao thừa, có phong tục đi hái lộc với mong muốn được nhiều may mắn. Lộc vừa là búp non của chồi, biểu hiện cho sự trỗi dậy, sự phát triển, sinh sôi. Lộc còn có ý nghĩa là sự may mắn, thăng quan tiến chức, có tiền tài. Lên chùa xin lộc, hái lộc là mang về một nhành cây, là xin phúc lộc, vốn dĩ là phong tục đẹp. Nhưng quan niệm về lộc ở đây có người hiểu chưa đúng, nên có chuyện đi bẻ cành cây. Nhiều Giao thừa, tôi ra hồ Hoàn Kiếm thấy có những thanh niên bẻ cành cây to, đó là không đúng, là vô lối. Một trong những phong tục ngày Tết là tặng quà. Đây là một nét đẹp văn hóa. Trong mối quan hệ giữa con người với nhau, tặng quà là để tạo nên sự thân mật, tình cảm gần gũi. Thế nhưng gần đây có sự biến tướng. Núp dưới hình thức tặng quà là sự hối lộ, lễ lạt với những động cơ không trong sáng. Ngày Tết, tôi thường hay đi lễ hội, cũng vì công việc, đi để quan sát. Tôi thấy, bây giờ người ta vật chất hóa lễ hội nhiều quá, thậm chí người ta còn coi thần linh là đối tượng để hối lộ. Ông bà ta thường nói: “Lòng thành thắp một nén nhang”. Chỉ cần một nén hương thôi nhưng với tấm lòng thành kính, chân thành sẽ đến được nếu có thần linh, nếu có Trời Phật.     

PV: Theo Giáo sư, trong những biện pháp để khắc phục các hiện tượng nêu trên, cần chú trọng điều gì?

GS, TS Ngô Đức Thịnh: Theo tôi, hành chính hóa, luật hóa những phong tục là không nên, cấm lại càng cực đoan. Quan trọng là cách khắc phục chứ không phải cấm một hiện tượng. Có những cái lâu nay chúng ta làm chưa đúng hướng. Vai trò của nhân dân hết sức quan trọng, văn hóa là của dân, chủ thể văn hóa là dân nên hãy để dân tự điều chỉnh. Cái đó là sinh hoạt của nhân dân, nên chỉ khi làm thay đổi được nhận thức của người dân thì họ sẽ tự thay đổi. Cơ bản người dân đều hướng thiện, khi người dân thông thì họ sẽ tự thay đổi. 

PV: Chân thành cảm ơn Giáo sư!
 TRẦN HOÀNG - VÂN HƯƠNG (thực hiện)