Lập nghiệp nơi đất khách quê người
Ngày đầu xuân, theo lời giới thiệu của ông Lưu Quang Thông, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Bắc Ninh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Khắc Quân. Trong căn nhà của mình, ông Quân kể lại hành trình lập nghiệp gian khó.
Ông Quân sinh ra trong gia đình 6 anh chị em tại miền quê nghèo ở xã Yên Tiến (Ý Yên, Nam Định). Là anh cả, nhiều việc phải chăm lo, vun vén cho gia đình nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Quân nhất quyết xin bố mẹ cho mình đi bộ đội. Ông Quân nhớ lại: "Năm 1972, dù mới 17 tuổi nhưng bù lại vóc dáng cao lớn, tôi đánh liều khai gian tuổi để nhập ngũ. Thời điểm ấy, tuổi trẻ sôi nổi lắm, ai cũng muốn được lên đường chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, tôi cùng đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ vùng bờ bắc sông Thạch Hãn. Chiến tranh ác liệt, có lúc tôi nhận thêm nhiệm vụ tải thương giúp đồng đội. Thương đồng đội, chỉ muốn thay họ vào chiến đấu giữa lòng thành cổ".
 |
Ông Đinh Khắc Quân luôn quan tâm đến từng công nhân trong xưởng may của mình. |
Năm 1974, Trung đoàn 52 của ông Quân được điều động ra miền Bắc, nằm trong biên chế Sư đoàn 338. Đến năm 1977, vì lý do sức khỏe, ông Đinh Khắc Quân phục viên chuyển về làm công nhân tại Công ty May Đáp Cầu. Tại đây, ông nên duyên chồng vợ với bà Phí Thị Phi, một cựu chiến binh làm cùng công ty. Những tưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ đến với hai người thì bao khó khăn chồng chất ập đến. Ông Quân kể: "Lần mang thai đầu tiên, vợ tôi không giữ được đứa con. Lúc này, sức khỏe của tôi cũng bị suy giảm, mãi về sau tôi mới biết mình đã mang trong người CĐDC từ những ngày chiến đấu tại chiến trường. Năm 1983, tôi nghỉ làm tại công ty, về mở lớp dạy nghề may đo tại khu tập thể may Đáp Cầu. Vay mượn bạn bè mới có số vốn ít ỏi chỉ đủ mua một chiếc máy may cũ và vài dụng cụ cắt may đơn giản".
Dù cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng ông Quân vẫn dành trọn tâm huyết cho lớp học của mình. Nhờ mối quen biết, ông may mắn kế thừa được giáo án của Trường Trung cấp May Dâu Keo. Có được tài liệu trong tay, ông tự nghiên cứu, biên soạn giáo án theo kinh nghiệm riêng để gần gũi, sát với công việc của học viên. Ban đầu, lớp học của ông Quân chỉ có 5 người. Thầy cầm tay chỉ việc tận tình, cẩn thận từ cách đo, vẽ mẫu, chia cắt cơ bản đến may lắp ráp sản phẩm. Sau 3 tháng, những học viên đầu tiên của lớp dạy nghề may đo đều có công việc ổn định. Cũng từ đó, nhiều người đến xin học nghề. Lớp học của ông Quân ổn định khoảng 20 học viên, sau này đều làm việc cho những công ty may lớn, như: Tổng công ty May 10, Công ty Cổ phần May Đức Giang, Công ty Cổ phần May Đáp Cầu... Trong cuộc trò chuyện, ông Quân còn nhắc đến những người học trò của mình, như: Chị Nguyễn Thị Hương, Trần Thị Hồng đã thành đạt, trở thành giám đốc, quản lý của công ty may hiện nay.
Cuối thập niên 1990, nhu cầu học may dần bão hòa, ông Quân bàn với vợ chuyển hướng kinh doanh mới. Ông tâm sự: "Tôi thấy vợ mình và nhiều công nhân may thời điểm ấy về hưu khi tuổi còn khá trẻ, nhu cầu làm việc còn cao. Năm 2004, tôi quyết định vay vốn, mở xưởng may đo công nghiệp tại nhà với 5 công nhân. Thời gian đầu, việc duy trì sản xuất không hề đơn giản vì các đơn hàng đều nhỏ lẻ. Dù vậy, tôi không đặt nặng vấn đề thu hồi vốn ngay, chỉ động viên chị em chú ý tiến độ thời gian, chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng".
Từng bước phát triển vững chắc, qua hơn 10 năm sản xuất, xưởng may của ông Đinh Khắc Quân đã có đầu ra ổn định với những đơn hàng xuất khẩu cho Công ty TNHH Viet Pacific Clothing, đồng phục học sinh cho các trường THPT: Chuyên Bắc Ninh, Hàn Thuyên, Lý Nhân Tông… Doanh thu mỗi năm của xưởng may lên đến hàng tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức thu nhập từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng, trong đó 2/3 là người quá độ tuổi lao động, cựu chiến binh, thân nhân nạn nhân CĐDC...
Xưởng may ấm tình đồng đội
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi tham quan xưởng may, ông Đinh Khắc Quân rất sẵn lòng. Xưởng may cách nhà ông chỉ khoảng 100m. Lúc đó, ông Quân vừa nhận đơn hàng áo khoác xuất khẩu của Công ty TNHH Viet Pacific Clothing. Khi chúng tôi đến, mọi người đang tập trung làm việc. Ngồi ngay gần lối vào xưởng là bà Trần Thị Thành, năm nay đã 60 tuổi. Bà Thành đang làm công đoạn "cữ gá" cổ áo. Dù tuổi đã cao nhưng những động tác của bà đều khéo léo, nhanh nhẹn. Trên chiếc "cữ gá", bà Thành xếp lần lượt miếng vải, miếng bông rồi gấp theo đúng khuôn. Tiếp theo, bà lật ngược miếng vải khác trên "cữ gá" rồi cứ theo khuôn ấy may đè lên thành một chiếc cổ áo hoàn chỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thành cho biết: "Tôi nghỉ hưu ở Công ty May Đáp Cầu đã hơn chục năm rồi. Gia đình neo người nên khó khăn, chồng và con trai lớn của tôi đều là nạn nhân CĐDC. May có bác Quân mở xưởng nhận về làm cùng nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn".
Trong xưởng may của ông Quân, công nhân có hoàn cảnh như bà Thành không phải hiếm. Bà Nguyễn Thị Nội có chồng vừa mất, sống cùng là người con trai bị tự kỷ không có khả năng tự chăm sóc bản thân; chị Nguyễn Thị Lam có chồng đau ốm, sinh hoạt chi tiêu gia đình và chăm sóc hai con nhỏ đều qua tay chị… Mỗi người một hoàn cảnh, dù vậy họ đều tâm sự rằng sẽ rất khó để có công việc và thu nhập ổn định như hiện tại nếu không nhờ vào sự giúp đỡ thân tình của ông Đinh Khắc Quân.
Nói về xưởng may của ông Quân, người dân địa phương thường quý mến gọi đây là "xưởng may gia đình đồng đội". Cũng dễ hiểu, vì mô hình hoạt động của xưởng may như một gia đình lớn. Ngoài ông Quân, vợ và con trai lớn cũng phụ giúp ông công việc may và quản lý công nhân. Những người công nhân phần lớn đều là thân nhân đồng đội của ông Quân cũng được quản lý một cách "đặc biệt", miễn sao hoàn thành khối lượng công việc được giao. Dù vậy, những công nhân trong xưởng may đều tự ý thức trách nhiệm cao trong công việc. Chính môi trường làm việc thuận lợi, quản lý con người linh động của ông Quân giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với xưởng may.
Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Đinh Khắc Quân còn là Chi hội trưởng Chi hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Thị Cầu. Dù mới thành lập từ năm 2017 nhưng công việc chăm sóc, giúp đỡ gia đình nạn nhân CĐDC được ông thực hiện từ lâu. Ông Quân chia sẻ: "Tôi là nạn nhân CĐDC nên thấu hiểu sự vất vả của những gia đình có người thân cũng bị như vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần là người lính, chính những lúc đồng đội mình gặp khó khăn, kém may mắn thì phải cố gắng chung tay giúp đỡ".
Chia tay ông Đinh Khắc Quân và xưởng may nghĩa tình của ông, thay cho lời kết, chúng tôi xin mượn những đánh giá của ông Lưu Quang Thông, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Bắc Ninh, về người đồng đội của mình: "Ông Đinh Khắc Quân là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu, giúp đỡ, chia sẻ cùng đồng đội. Ông cũng là chi hội trưởng năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Dưới sự điều hành của ông, Chi hội phường Thị Cầu đã đạt được nhiều thành công trong công tác quan tâm, chăm sóc nạn nhân CĐDC".
Bài và ảnh: ĐỨC HÀ - ĐÀO HIỆP