Anh Nghĩa hiện trú tại Khu phố 4, phường 3, Thị xã Quảng Trị. Cách đây tròn 40 năm, vào năm 1979, tai họa ập đến khi anh bị mù cả hai mắt, do dẫm phải trái mìn còn sót lại sau chiến tranh. Từ đó, anh phải gánh trên mình nỗi đau mù lòa. Quả là một cú sốc quá lớn đối với anh khi mà bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ đã phải gác lại. Anh kể lại, những năm tháng khi bị mù, anh sống trong sự đau khổ, chán nản với cuộc đời, có lúc đã suy nghĩ tiêu cực, tự ti mặc cảm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Nhưng rồi, anh Nghĩa tự nhủ lòng phải nuôi dưỡng cho mình một ước vọng về ngày mai tươi sáng. Nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là người vợ thủy chung, hết mực yêu thương chồng con, luôn ở bên cạnh anh, đã giúp anh lấy lại niềm tin, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng chính là nguồn động viên, an ủi và động lực giúp anh vượt qua số phận.
 |
Dù là người phụ trách Cơ sở sản xuất Nhân Ái, nhưng anh Cao Nghĩa vẫn trực tiếp tham gia làm hương thơm. |
Gia đình anh thuộc hộ nghèo, cuộc sống rất vất vả khó khăn. Vợ anh không có việc làm ổn định, hằng ngày chị hái rau ra chợ bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình xây dựng đã lâu; mỗi lần mưa bão đến cả nhà nơm nớp lo nhà sập. “Tôi lo lắm chứ, nhưng lực bất tòng tâm”- có lần anh tâm sự với tôi như vậy. Niềm hạnh phúc với vợ chồng chị là 2 đứa con đều chăm ngoan, học giỏi. Thêm nữa, 20 năm gia nhập Hội Người mù thị xã Quảng Trị, đến nay, anh được các hội viên tín nhiệm bầu là Phó chủ tịch Hội Người mù thị xã Quảng Trị 4 nhiệm kỳ liên tục. Nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng nhiều bằng khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị..
Cùng với đó, anh Nghĩa còn phụ trách Cơ sở sản xuất Nhân Ái, chuyên sản xuất tăm tre, chổi đót và hương thơm. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nhà xưởng được mở rộng, trang bị thêm máy đánh bóng tăm, máy cưa, máy hàn dập bao bì, máy làm hương, xe bán hàng, lò sấy….. thu hút hơn 25 lao động là người mù và người tàn tật, trong đó có 18 lao động tập trung, 7 lao động làm tại các hộ gia đình.
Cơ sở sản xuất có thêm các trang thiết bị máy móc, vừa thuận tiện, phù hợp với người mù, người khuyết tật, đồng thời sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng như: Sản phẩm chổi đót cán tre, chổi đót ốp nhựa, tăm, hương trầm, hương quế, hương hoa có chất lượng cao. Mỗi năm, Cơ sở Nhân Ái sản xuất từ 200-250 nghìn gói tăm các loại, 4 - 5 nghìn cái chổi đót, 30 nghìn ốp hương thơm. Sản phẩm không những tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mà còn ở các tỉnh phía nam như: Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa..., với doanh thu hằng năm tăng từ 10 đến 15 %; thu nhập thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 2 - 2,5 triệu đồng/ người/ tháng. Cơ sở sản xuất Nhân Ái không những là chỗ dựa cho người mù, giúp họ tin tưởng, yên tâm vì có việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống, mà đây còn là nơi anh chị em người mù động viên nhau và cùng xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, giúp họ xóa đi những mặc cảm tự ti, phấn đấu vượt qua tật nguyền để hòa nhập cộng đồng. Nhiều năm liền cơ sở sản xuất Nhân Ái được Hội Người mù Tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen.
Đến thăm cơ sở Nhân Ái, tôi thấy anh Nghĩa miệt mài, tay thoăn thoắt bó từng ốp hương, công việc khá nặng nhọc so với một người mù, nhưng anh vẫn mỉm cười với hạnh phúc những gì mình đang có. Những giọt mồ hôi và công sức mà anh bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng với mức thu nhập ổn định. Vất vả là thế, nhưng ý chí và lòng quyết tâm thoát nghèo của anh vẫn không ngừng nghỉ.
Một trong những thành tích nữa mà anh Nghĩa đóng góp cho Hội Người mù thị xã Quảng Trị là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Anh triển khai thực hiện xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và tạo sức lan toả trong toàn hội. Hội Người mù thị xã xác định, muốn xoá được đói, giảm được nghèo, trước hết phải tạo được công ăn việc làm. Để thực hiện điều đó, hội đã vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (QQGGQVL) với tổng số tiền đang vay gần 160 triệu đồng, đã qua 7 chu kỳ vay vốn cho hàng trăm lượt người vay.
Từ ngày có đồng vốn vay, người mù trong hội thêm hăng hái lao động, cần mẫn, siêng năng, biết vượt qua số phận để thoát nghèo, nên dần đời sống ngày càng được cải thiện. Sử dụng vốn vay QQGGQVL có hiệu quả, Hội đã tạo nhiều việc làm cho hội viên tại gia đình, phát triển sản xuất nhờ đồng vốn vay quay vòng, như: Chị Lê Thị Bao, ở Hội Người mù Phường 3, làm mô hình kinh tế VAC; anh Lê Thanh Hồi ở Hội Người mù phường 2 trồng rau sạch có hệ thống nước tưới tự động, thu nhập mỗi năm từ 25 đến 30 triệu đồng. Qua hơn 15 năm triển khai, cuộc vận động XĐGN đã đi vào cuộc sống của người mù địa phương. Trong hội đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, tập thể tiên tiến, cá nhân xuất sắc, góp phần để đời sống hội viên không ngừng được nâng cao.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế cho mình và hội viên, anh Nghĩa còn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng” do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động. Anh thường xuyên động viên mọi người tham gia học tập, đọc sách báo chữ nổi, nghe “sách nói” để tìm hiểu, học tập các tấm gương người mù làm ăn giỏi. Bản thân anh trực tiếp đi học lớp “Chương trình dạy chữ Brail dành riêng cho người mù” tại Hà Nội, sau đó anh về mở lớp truyền thụ lại cho mọi người trong hội.
Anh Cao Nghĩa thực sự là điển hình của người mù, đã vượt qua hoàn cảnh tật nguyền, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Tấm gương của anh là sự động viên, khích lệ nhiều hội viên phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Trò chuyện với anh Nghĩa trong ngôi nhà cấp 4, tôi rất khâm phục khi nghe anh kể về cuộc đời mình và khẳng định: Tôi cố vượt qua mọi gập ghềnh, chông gai để sống và nuôi các con ăn học.
Tôi tin rằng, với nghị lực của mình, anh sẽ giúp gia đình giải quyết được nhiều khó khăn. Có ý chí, quyết tâm, có sự giúp đỡ từ các tổ chức đối với những người khiếm thị như anh Nghĩa, thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều. Vẫn biết rằng, số phận đã không cho anh Nghĩa một đôi mắt sáng, nhưng bằng những cố gắng vươn lên không biết mệt mỏi, anh đã tự bù đắp cho mình niềm tin, sự lạc quan để vượt lên nghịch cảnh và luôn nở nụ cười trên môi.
Bài, ảnh: LÊ THỊ THU THANH