Lo cho dân như lo cho mình
Căn nhà đơn sơ được che chắn thêm mấy tấm bạt do Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam tặng là nơi gần chục con người sinh sống. Thực ra, ngôi nhà này được gia đình ông Hồ Văn Vàng dựng cách đây vài năm để làm chỗ nghỉ ngơi vào những ngày lên Khe Chữ thu hoạch nương rẫy.
Ông kể với chúng tôi về những ngày gian khó... Ngày hòa bình, đời sống nhân dân ở vùng căn cứ cách mạng Nam Trà My nói chung, xã Trà Vân nói riêng hết sức khó khăn. Bà con dân tộc Ca Dong đầu tắt mặt tối mà nghèo vẫn hoàn nghèo, phần lớn thiếu ăn, thiếu mặc. Được cán bộ các cấp tuyên truyền, ông Vàng hiểu rằng: Muốn thoát nghèo, người dân quê ông phải từ bỏ lối sống du canh, du cư.
 |
Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 trò chuyện cùng ông Hồ Văn Vàng. |
Việc làm đầu tiên của ông là vận động bà con từ bỏ thói quen đốt rừng, chủ động khai hoang đất đồi trồng bắp, trồng mì (sắn) để giải quyết cái ăn hằng ngày. Tập tục xưa cũ vốn ăn sâu vào tiềm thức, vào máu của người dân nên ban đầu nhiều người chưa tin những lời ông nói, những việc ông làm. Không nản lòng, ông chủ động làm trước. Từ sáng tinh sương, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, ông Vàng đã vác cuốc lên nương. Bàn tay quen cầm cung tên săn bắn chim muông, giờ cầm cuốc bị phồng rộp, bỏng rát. Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, ông Vàng đã cải tạo vùng đất Khe Chữ vốn hoang hóa thành những nương bắp, nương mì xanh tốt... Trăm nghe không bằng một thấy, từ kết quả lao động của ông Vàng, không riêng người dân thôn 2 mà tất cả bà con xã Trà Vân từng bước đẩy lùi được cái đói.
Một thời củ mài, củ mì thay cơm nên ông Vàng hiểu sự đói nghèo thường đi liền với lạc hậu. Vì thế, muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn, phải học cách trồng cây lúa nước như người Kinh dưới xuôi. Nan giải nhất là thiếu nước tưới. Giải quyết vấn đề này, ông vác rựa lên núi tìm nguồn, làm mương dẫn nước về thôn phục vụ cho cây lúa. Ông lại tiên phong trồng hơn 1ha lúa nước. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Nam Trà My quanh năm mát mẻ, lại có nguồn nước tưới dồi dào, ruộng lúa của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ thành công của gia đình, ông tận tình truyền thụ kinh nghiệm trồng lúa nước cho bà con.
Hiến đất làm đường, dựng nhà cho dân
Mới đây, cùng đoàn công tác của Quân khu 5 kiểm tra việc giúp dân của các đơn vị và tặng quà bà con đồng bào vùng sạt lở núi, tôi được Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My Châu Thanh Hải kể về tấm gương ông Hồ Văn Vàng.
Theo lời Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My thì khi biết được kế hoạch di dân về vùng Khe Chữ lập khu tái định cư mới, ông Vàng đã bàn với vợ con hiến đất huyện để dựng nhà, lập làng, mở đường giao thông. Ban đầu vợ ông cũng đắn đo vì kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn với 10 nhân khẩu, vợ chồng ông lại nuôi cả em và bố vợ bị mù lòa. Sau khi được ông Vàng giải thích cặn kẽ, vợ con ông đã nhất trí hiến hơn 6.000m2 đất rừng đang trồng keo, trồng quế để UBND huyện tổ chức giải phóng mặt bằng.
“Hiến nhiều đất thế, gia đình ông lấy chỗ đâu trồng cây, trồng rau màu?"-tôi hỏi ông Hồ Văn Vàng. Không chút đắn đo, ông nói: “Giờ không hiến đất thì không có chỗ mà dựng nhà cho dân làng ở, chính quyền không có nơi dựng trường học cho lũ trẻ đến lớp. Vẫn biết hiến đất rồi gia đình sẽ khó khăn hơn, nhưng cũng không sao, chịu khó đi xa một chút khai hoang thêm nương rẫy. Mình thương bà con thì bà con sẽ thương lại mình thôi!”.
Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Hồ Văn Vàng bị gián đoạn bởi tiếng xe máy ngoài cổng. Vừa xuất hiện, ông Nguyễn Thanh Luận, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân đã nói, giọng lo lắng: “Tình hình hơi căng, nhu cầu làm đường, dựng nhà, xây trường học rất lớn, mà đất khu tái định cư thì chật hẹp quá, biết tính sao đây? Phen này ông phải ra tay giúp chính quyền thôi!”.
Ông Vàng thủng thẳng: “Có chi đâu! Bà con chưa hiểu thì cán bộ phải gần gũi, giải thích cặn kẽ, tường tận, hợp lý hợp tình thì họ thuận lòng thôi. Ngày xưa chiến tranh gian khổ, ác liệt như vậy mà dân vẫn một lòng một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ, huống chi bây giờ...”.
Trò chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân, tôi biết thêm khả năng "dân vận" của ông Hồ Văn Vàng... Trước đây, đời sống văn hóa của đồng bào Ca Dong vẫn còn nhiều tập tục. Trong nhà có người đau ốm thì gọi thầy mo đến cúng suốt ngày đêm. Có cưới hỏi thì gia đình phải giết bò, heo thết đãi họ hàng cả tuần lễ. Đám tang kéo dài từ 4 đến 5 ngày, gây mệt mỏi và tốn kém. Trước tình hình đó, ông Vàng cùng cán bộ xã, thôn đến tận nhà tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa. Bằng sự thẳng thắn, chân thành và uy tín của mình, ông thuyết phục bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu.
Cái sâu sắc, bình dị mà cao quý của ông Hồ Văn Vàng là hiểu dân, lo cho dân như lo cho mình. Chính vì thế, ông nói bà con nghe, ông làm bà con tin. Khi được ông vận động, lại thấy gia đình ông tự nguyện hiến đất, gần 20 hộ gia đình có đất rừng ở khu vực Khe Chữ cũng tình nguyện hiến đất. Người có ít hiến ít, người có nhiều hiến nhiều. Người ít thì khoảng trăm mét vuông, người nhiều lên đến vài nghìn mét vuông. Tuyệt nhiên không một ai đòi tiền đền bù đất.
Với sự mẫu mực và những cống hiến của mình, ông Hồ Văn Vàng được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen và quà của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang.
Cơn bão số 12 vào cuối năm 2017 đã gây sạt lở lớn, khiến 144 hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Đến nay, chỉ sau hơn 3 tháng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các đơn vị thuộc Quân khu 5, đặc biệt là việc tự nguyện hiến đất xây làng của ông Hồ Văn Vàng và hàng chục hộ dân đã giúp chính quyền địa phương có đất để làm đường, dựng lại nhà cho dân, làm trường học cho trẻ đến trường.
Ông cha ta có câu: “Tấc đất, tấc vàng”, vậy mà ông Hồ Văn Vàng không so tính thiệt hơn, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất cho chính quyền. Hành động hiến đất của ông Vàng thể hiện sự hy sinh không nhỏ, bởi đất đai góp phần giúp người nông dân mưu sinh, tạo dựng cuộc sống, nhưng vì lợi ích chung, họ sẵn sàng hiến đất mà không đòi hỏi một quyền lợi nào. Hành động cao thượng ấy khiến bao người phải suy nghĩ. Không suy nghĩ sao được, hơn 6.000m2 đất ấy góp phần mở đường liên thôn, xây dựng trường học, nhà dân, tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Trà Vân có thêm điều kiện để “an cư lạc nghiệp”, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.
Trong khi ở nhiều nơi xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài vì tranh chấp đất đai; nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, trục lợi liên quan đến đất đai ở một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung của xã hội và tạo nên những dư luận bất bình…, chúng ta mới thấy được giá trị và trân trọng tấm lòng nhân ái của ông Hồ Văn Vàng tự nguyện hiến đất trong điều kiện cuộc sống của gia đình vẫn còn khó khăn. Hành động đó đáng quý hơn vàng. Họ chính là những tấm lòng vàng có sức lan tỏa mạnh mẽ, xứng đáng được tôn vinh.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG