Ông kể: “Tôi theo cha mẹ bươn chải kiếm sống trên sông từ nhỏ, nên sớm quen với con nước lớn, nước ròng. Ngày trước, khi chưa có cầu Cẩm Lệ, cha mẹ tôi làm nghề lái đò đưa khách qua sông. Những năm tháng tuổi thơ, tôi chứng kiến nhiều phen cha lao mình xuống dòng nước xiết cứu người. Lớn lên, tôi được cha cho theo cứu người, lâu dần thành quen...”.
 |
Ông Ngô Văn Léo kể chuyện cứu người trên sông Cẩm Lệ. |
Ông Léo nhớ lại: "Đêm Ba mươi Tết năm 1976, Giao thừa sắp điểm, gia đình đang sửa soạn mâm cơm cúng Tất niên thì tôi nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Ngay lúc ấy, tôi cùng cha lập tức lên chiếc ghe nhỏ, ra sức chèo. Tới giữa dòng, phát hiện một người phụ nữ ôm con đang chới với. Lúc đó, tôi điều khiển chiếc ghe, còn cha thì nhảy xuống tiếp cận và dìu hai mẹ con lên ghe. Đó là lần đầu tiên tôi cứu người đuối nước. Cứ thế, những lần sau, hễ có tiếng người nhảy từ trên cầu xuống là tôi lại cùng cha làm việc nghĩa... Rồi cái nghiệp sông nước và cái duyên cứu người gắn với cuộc đời tôi từ lúc nào không hay...”.
Trò chuyện với ông Nguyễn Mười cùng một số bà con ở phường Khuê Trung, tôi được biết, nhiều người dân ven sông quan niệm: Đã theo nghiệp sông nước thì không được cứu người đuối nước, vì “tranh phần” của hà bá sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình như một cách thế thân. Nhưng ông Ngô Văn Léo lại nghĩ khác: “Thấy người chết mà không cứu thì day dứt lương tâm lắm. Người ta ngụp lặn kêu cứu, mình đứng trên bờ bấm bụng làm ngơ sao đành!”. Với tâm niệm đó, ông Léo can đảm chèo ghe ra sông cứu người, mang những điều kỳ diệu đến với cuộc đời. Vào dịp cơn bão số 10 năm 2007, ông Léo cùng vợ là bà Huỳnh Thị Lới thao thức cả đêm không ngủ được, niềm vui cứ dâng trào khi cứu sống đôi bạn trẻ vì bị gia đình ngăn cấm nên rủ nhau nhảy cầu tự tử. Lúc đó, khoảng 23 giờ 30 phút, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về chảy cuồn cuộn do ảnh hưởng của cơn bão. Nghe tiếng người đập nước loạn xạ, rồi tiếng kêu “Cứu… cứu với…”, vợ chồng ông tức tốc bơi ghe ra, rọi đèn pin tìm quanh. Chốc lát, phát hiện một chỏm đen nổi trên mặt nước, vợ ông đoán là bao ni lông trôi, nhưng ngờ ngợ là tóc nạn nhân, ông Léo nhanh chóng tiếp cận. Ông tóm lấy, kéo lên, là một cô gái. Ngay sau đó, ông phát hiện còn có một nam thanh niên bám chặt vào thắt lưng cô gái đang nổi lên theo. Sau khi được sơ cứu, đôi bạn trẻ dần tỉnh lại. Được vợ chồng ông khuyên nhủ điều hay lẽ phải, đôi bạn trẻ tĩnh tâm lại, nhận rõ đúng sai. Cô gái tên Huỳnh Thị Thùy D. (20 tuổi, trú phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) và chàng trai tên Huỳnh Văn T. (20 tuổi, trú xã Hòa Phước, Hòa Vang) được cứu lần đó sau này nên duyên vợ chồng. Từ ấy đến nay, Tết năm nào vợ chồng anh T.-chị D. cũng đều đến thăm gia đình ông Léo.
Trận lũ năm 2009, nước dâng cao, 3 em học sinh THCS ra bờ sông Cẩm Lệ chơi đùa, không may đất cạnh bờ bất ngờ sạt lở, cuốn cả 3 em xuống sông. Đang xem ti vi, nghe tiếng hô hoán của bà con, ông Léo vội chạy ra. Thấy 3 em đang chới với giữa dòng nước cuồn cuộn, không chút ngần ngại, ông lao xuống sông. Dòng nước đục ngầu, dữ dằn cuốn lấy những đứa trẻ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm cứu người, ông nhanh chóng đưa được hai em vào bờ. Đến em thứ ba, ông đuối sức, nhưng may có người con trai cả là Ngô Văn Phương kịp thời ứng cứu. Lần khác, ông cứu được chị Trần Thị T. (trú phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ). Chị T. được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối nên tuyệt vọng, tìm đến cái chết. Tuy nhiên, sau lần được ông cứu khỏi tay tử thần, giờ chị lại sống khỏe mạnh dù đã nhiều năm trôi qua, đến chị cũng không ngờ được...
 |
Ông Ngô Văn Léo kể chuyện cứu người trên sông Cẩm Lệ. |
Kể sao hết những hành động thể hiện tình thương con người sâu nặng của ông Ngô Văn Léo. Hơn 40 năm sống cùng dòng sông Cẩm Lệ, ông Léo và vợ con đã cứu sống được nhiều người bị đuối nước, nhưng chưa bao giờ nhận quà biếu hoặc sự trả lễ của ai. Trò chuyện với tôi, ông nói: “Gia đình tôi cứu người vì tình, vì nghĩa chứ không ham vật chất, tham của đáp đền ơn nghĩa. Quả thực cũng có rất nhiều người mang quà cáp, tiền bạc tới cảm tạ, nhưng tôi đều nhất quyết trả lại. Thấy gia đình tôi khó khăn, có người ngỏ ý cho mượn tiền làm ăn để trả ơn, nhưng tôi luôn từ chối!”.
Hành động nghĩa hiệp và tấm lòng nhân ái của ông và gia đình khiến bà con trong vùng mến phục, tin yêu. Cảm động trước ơn cứu mạng, nhiều người xin phép ông Léo nhận làm anh em, hoặc làm con nuôi ông. Trường hợp anh Ngô Văn Qúy (33 tuổi, trú quận Cẩm Lệ), người được ông Léo cứu cách đây ba năm, nay nhận ông Léo, bà Lới làm bố mẹ nuôi.
Bình dị biết bao, nghĩa tình biết mấy, cùng gia đình cứu gần 200 người bị nạn trên sông Cẩm Lệ, nhưng nhiều đêm nằm trên chiếc ghe nhỏ, gác tay lên trán suy nghĩ, ông Léo vui ít, băn khoăn, trăn trở nhiều. Không trăn trở sao được khi ngày càng có nhiều người bế tắc, không thể giãi bày cùng ai nên tìm đến cái chết. Ông tâm sự: “Học sinh thi đại học, thi chuyển cấp không đậu đi nhảy cầu; người bệnh tật, nợ nần, kẻ "ngáo đá" hay bạn trẻ gặp rắc rối trong chuyện tình cảm... cũng nhảy cầu. Rồi, người giận hờn cha mẹ, trách móc thầy, bạn cũng lại nhảy cầu tự tử…”.
Tôi bất chợt hỏi: “Nhiều lần ông xả thân cứu người giữa đêm tối, trong điều kiện nguy hiểm như vậy, nhỡ có mệnh hệ gì thì sao?”. Nghe vậy, ông Léo thủng thẳng trả lời: “Hầu hết những người tìm đến cái chết đều đáng thương. Họ tuyệt vọng, cần có người chia sẻ, thấu hiểu để vượt qua sự bế tắc, cùng quẫn. Nếu được khuyên răn, họ sẽ không yếu lòng mà làm chuyện dại dột!”.
Nghe ông trả lời vậy, tôi lại liên tưởng tới câu chuyện vợ ông Léo kể: "Cách đây hai năm, ông nhà tôi đi đám giỗ chú ruột. Hôm đó, ông ấy vừa xách xe đi thì có một thanh niên tên T. (quận Cẩm Lệ) nhảy cầu tự tử. Tôi phát hiện, bơi ghe ra cứu, nhưng nước lớn, lại xa bờ, sức phụ nữ có hạn nên không cứu được. Khi về, ông ấy biết chuyện, cứ ân hận, day dứt mãi. Từ đó, ông ấy luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng lao xuống sông cứu người. Nhiều đêm, ông ấy không dám ngủ say, chiều về không bia rượu để giữ mình tỉnh táo. Hễ đi đâu, ông ấy cũng “cắt cử” tôi cùng các con ở lại ghe canh chừng, rồi đi nhanh về nhanh...”.
Trò chuyện với bà con tổ dân phố, tôi biết thêm những phẩm chất bình dị mà cao quý ở con người đáng kính này. Không chỉ dạn dày sông nước, dũng cảm quên mình cứu người bị nạn, ông Ngô Văn Léo còn là một “chiến sĩ” bảo đảm trật tự, an ninh ở khu vực cầu Cẩm Lệ. Trước đây, chân cầu thường xuyên là điểm tụ tập của những người nghiện hút, chích ma túy hoặc những kẻ trộm cướp, cờ bạc… Khi phát hiện, ông Léo tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp với lực lượng công an xóa bỏ những điểm đen tệ nạn dưới chân cầu. Nhiều lúc nhặt được ví đã sạch tiền, chỉ còn giấy tờ mà bọn trộm cắp bỏ lại, ông giao nộp cho công an giải quyết. Cũng có khi ông tham gia cung cấp thông tin cho những vụ tạo hiện trường giả nhảy cầu tự tử để trốn nợ, trốn tội… Tinh thần trách nhiệm công dân của ông góp phần đáng kể trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự của khu vực.
Hơn 40 năm lặng thầm làm việc nghĩa, cứu sống hàng trăm người trên sông, ông Ngô Văn Léo vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền. Rất nhiều người được ông cứu nhưng ông không không nhớ tên, tuổi. Chỉ có tên tuổi ông đọng lại trong tâm tưởng họ suốt cuộc đời. Mới đây, vào tháng 1-2018, ông vinh dự được UBND TP Đà Nẵng tôn vinh trong chương trình “Tôi yêu Đà Nẵng” vì hành động nghĩa hiệp, đầy tính nhân văn, nhiều lần quên mình cứu người trên sông Cấm Lệ.
Nghiệp sông nước và tinh thần xả thân cứu người, ông Léo học được từ người cha Ngô Văn Chước, rồi nhận được sự sẻ chia, đồng hành của vợ. Đến giờ, người con trai cả của ông lại "nối nghiệp" cha. Cả gia đình ba thế hệ không nề hà mưa nắng, nửa đêm, bão lũ, một lòng cứu người gặp nạn. Sự tiếp nối, lan tỏa của những nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng nhân ái trở thành truyền thống của gia đình. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, những thành viên trong gia đình ông Léo vẫn bền lòng cứu giúp người bị nạn mà không màng đến sự trả ơn, trả nghĩa. Họ chính là những tấm gương bình dị mà cao quý.
Bài và ảnh: THANH THÚY