Trăn trở hiến kế, ủng hộ xây dựng quê hương
Đến cụm 13, thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, khi hỏi về CCB Nguyễn Tứ Hùng, người dân nơi đây đều gọi ông bằng cái tên trìu mến: Ông Hùng “kỹ sư”, hay ông Hùng “ao môi trường”, bởi sự đóng góp lớn của ông cả về công sức và tiền bạc để xây dựng thôn Hạnh Đàn khang trang, sạch đẹp.
Nói về sự thay đổi trên quê hương, nhiều người dân thôn Hạnh Đàn hôm nay vẫn còn ái ngại khi nhớ về khung cảnh làng quê mình cách đây 5 năm. Bà Nguyễn Thị Minh ở cụm 13 nhớ lại: “Đình chùa, nghĩa trang của thôn lâu ngày không được trùng tu, cải tạo nên dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Đường sá bong tróc chật hẹp, hai bên bày biện đủ các loại phế phẩm nông nghiệp, vật nuôi phóng uế bừa bãi làm mất cảnh quan. Thôn có hai cái ao đều tù đọng, nước đặc quánh một màu đen, bốc mùi hôi thối...”.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Hùng bên công trình "ao môi trường" mà ông dành nhiều tiền của, công sức để xây dựng. |
Trăn trở trước những khó khăn của bà con nông dân, CCB Nguyễn Tứ Hùng bàn với vợ con ủng hộ xây dựng quê hương, với nguyện vọng mong sao nhân dân có môi trường sống trong lành. Lý do ông Hùng đưa ra thuyết phục gia đình thật đơn giản: “Đáp đền ơn nghĩa quê hương đã nuôi dưỡng mình khôn lớn trưởng thành”. Hiểu được tâm nguyện của ông, vợ và các con trong nhà đều thống nhất dành số tiền tiết kiệm của gia đình sau nhiều năm làm ăn, tích cóp để ủng hộ thôn xây dựng NTM.
Thời điểm ông Hùng ủng hộ, cũng là dịp xã Tân Lập triển khai giai đoạn 2 hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Sau khi ủng hộ Ban quản lý Di tích làng Hạnh Đàn trùng tu xây dựng đình và chùa, tu bổ nghĩa trang với số tiền 290 triệu đồng, thấy con đường chính trong thôn xuống cấp, mặt đường gồ ghề, nứt lún, "ổ gà", "ổ trâu" nhan nhản, nhiều lần chứng kiến các cụ già, các cháu học sinh bị té ngã, ông Hùng quyết định gặp lãnh đạo xã, xin được ủng hộ kinh phí làm 100m đường bê tông của thôn. Được lãnh đạo xã Tân Lập nhất trí, ông Hùng chuyển toàn bộ số tiền ủng hộ hơn 300 triệu đồng cho UBND xã làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, con đường vào thôn Hạnh Đàn vốn nhỏ bé, lại nhiều ngã ba, điểm thắt nút. Vì thế, muốn nắn thẳng và mở rộng con đường dài hơn 100m, phải lấn vào diện tích đất của dân hai bên đường; đây cũng chính là trở ngại khó khăn lớn. Ban đầu nhiều hộ dân không đồng ý, do đường đi vào phần đất của nhà mình mà không được đền bù. Nắm bắt được những băn khoăn, trăn trở của bà con, ông Hùng chủ động bàn bạc với Chi hội CCB cụm 13 tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm đường. Sau khi nghe ông Hùng phân tích về lợi ích lâu dài của việc mở rộng con đường, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, góp phần đẩy nhanh tiến độ.
Niềm vui lớn nhất của CCB Nguyễn Tứ Hùng khi con đường hoàn thành là mọi người đi lại thuận tiện, nhân dân nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực thu gom và xử lý rác thải, bảo đảm đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp.
CCB Nguyễn Tứ Hùng dẫn chúng tôi đến tham quan ao làng, diện tích khoảng 5.000m2 nước trong xanh, thỉnh thoảng có đàn cá rô phi, cá chép vẫy đuôi tung tăng bơi lội, xung quanh ao là hàng rào bê tông vững chắc. Đường đi xung quanh ao được lát đá, có bảng hiệu ghi 10 quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội. Những bộ bàn ghế làm bằng xi măng giả gỗ kê xung quanh khiến nơi đây như một công viên thu nhỏ, mấy cụ bà ngồi ăn trầu nói chuyện rôm rả, tạo không khí đầm ấm, thân tình.
Công trình sáng kiến tiêu biểu, cải tạo ao làng ô nhiễm thành “ao môi trường” của CCB Nguyễn Tứ Hùng trở thành mô hình điểm của huyện Đan Phượng trong phong trào xây dựng NTM. Ông Hùng cho biết: “Cách đây hơn hai năm, ao bị ô nhiễm nặng, cỏ cây mọc rậm rạp. Khi mưa xuống, nước không có chỗ thoát, ngập úng cả đường đi; nhiều cháu nhỏ đi học ướt hết cả quần áo do phải lội nước. Ao bị ô nhiễm nên gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của hàng trăm hộ dân xung quanh. Sau nhiều ngày tìm hiểu cách thiết kế hồ điều hòa ở các khu đô thị và học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con trong thôn, tôi tự thiết kế sơ bộ. Khi thấy hợp lý, tôi đề xuất với lãnh đạo xã xin được cải tạo, xây dựng thành ao môi trường".
Được biết, tiền xây ao hết 1,8 tỷ đồng; công trình hoàn thành, hằng ngày ông Hùng còn đảm nhận trông nom, quét dọn vệ sinh ao, mắc điện chiếu sáng quanh ao; tiền điện do gia đình ông nhận chi trả.
Từ ngày có "ao môi trường", bà con xung quanh làm ăn buôn bán rất thuận lợi, số lượng khách đến hàng quán đông do có không gian đẹp, không khí trong lành. Hưởng ứng việc làm nhân văn cao đẹp của CCB Nguyễn Tứ Hùng, nhân dân trong thôn cũng nhiệt tình tham gia trồng cây xanh tạo bóng mát, mua bàn ghế đá đặt quanh ao để bà con có chỗ nghỉ ngơi, vui chơi, tập thể dục…
Nói về việc làm của CCB Nguyễn Tứ Hùng, ông Nguyễn Đức Hợp, Cụm trưởng cụm 13, thôn Hạnh Đàn, cho biết: "Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Tứ Hùng có nhiều sáng kiến, hiến kế, đóng góp ủng hộ tiền của, vật chất để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ông là tấm gương sáng, được bà con nhân dân trong thôn quý trọng và khâm phục".
“Công dân ưu tú” nặng tình quê hương
Càng tìm hiểu về cuộc đời CCB Nguyễn Tứ Hùng, chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ ông. Sinh năm 1945, cậu bé Hùng mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, nên được bà cô ruột nuôi dưỡng. Gia đình bà cũng là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt của huyện Đan Phượng và Trung ương. Trong môi trường đó, cậu bé Hùng sớm được bà giáo dục tình yêu quê hương.
Nguyễn Tứ Hùng lớn lên bằng những cân gạo trợ cấp hằng tháng của chính quyền xã, sự cưu mang đùm bọc chở che của người thân, họ hàng và bà con làng xóm. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi rất biết ơn Đảng, Bác Hồ và nhân dân địa phương đã đùm bọc nuôi tôi từ tấm bé đến khi tôi trưởng thành. Nên cho dù làm gì, ở đâu tôi vẫn luôn đau đáu tâm nguyện là được giúp đỡ mọi người, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Năm 1965, chàng trai Nguyễn Tứ Hùng xung phong vào bộ đội, là chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 257 chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, nơi trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Đến năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông xuất ngũ trở về quê. Khi miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh lại xảy ra ở hai đầu biên giới. Tháng 10-1978, Nguyễn Tứ Hùng xung phong tái ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận Hoàng Liên Sơn. Năm 1981, do bị sức ép đạn pháo, ông về phục viên.
Rời quân ngũ trở về quê hương với bao bộn bề của cuộc sống, CCB Nguyễn Tứ Hùng vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực cùng gia đình phát triển kinh tế và tham gia công tác xã hội góp phần xây dựng quê hương. Ông vẫn còn nhớ như in, lúc lên đường đi chiến đấu, được các mẹ, các chị ở quê hương tiễn đưa, tặng quà, tiền. Bây giờ, nhiều người không còn nữa để báo đáp, nên ông mong muốn được tri ân bà con quê hương, trong số đó có con cháu của các chị, các mẹ năm xưa đã tiễn ông ra trận.
“Quê hương nghĩa nặng tình sâu”, đó là lời răn dạy của ông Hùng đối với con cháu trong gia đình. Cùng với số tiền hơn 2 tỷ 400 triệu đồng ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi của thôn Hạnh Đàn, ông Hùng còn thầm lặng quyên góp, ủng hộ học sinh nghèo trong xã để các cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực, đóng góp cho quê hương, năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Năm 2018, ông vinh dự được TP Hà Nội công nhận là “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TUÂN