Người “vác tù và hàng tổng”

Chị Khanh “chào đón” chúng tôi bằng bộ tài liệu tác động của nhiệt điện và điện hạt nhân với môi trường và con người. Chị kể, tháng 7-2011, Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” (gọi tắt là Quy hoạch điện 7), trong đó xác định: Về nhiệt điện, phấn đấu năm 2020 đạt 156 tỷ kWh (chiếm 46% sản lượng điện sản xuất) và năm 2030 là 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất). Nhiều nhà khoa học trong nước phản biện chủ trương này nhưng không kết quả.

Cũng trong năm 2011, chị Khanh quyết định thành lập GreenID, tổ chức phi lợi nhuận thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), với mong muốn thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Năm 2012, GreenID được mời tham gia góp ý, tư vấn, hỗ trợ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trong thẩm tra dự án Luật sửa đổi Luật Điện lực. Năm 2013-2014 là thời điểm đáng nhớ của chị Khanh. Chị và cộng sự đã tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát quốc gia về phát triển thủy điện ở Việt Nam, giúp Quốc hội ban hành nghị quyết dừng khoảng 400 dự án thủy điện có hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường và xã hội.

Đáng chú ý, vào năm 2013, với sự cố gắng cao, chị Khanh đã liên hệ và hợp tác cùng các chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước, khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố và cho ra đời nghiên cứu, chỉ rõ sự đắt đỏ khi đầu tư xây dựng nhiệt điện than; tác hại của nó với môi trường không khí, đất, nước và sức khỏe con người, đồng thời đề xuất các giải pháp thay thế bền vững. Chị Khanh đã tổ chức các hoạt động đào tạo và truyền thông cho nhiều cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề môi trường liên quan đến nhiệt điện than. Chị đã làm việc với báo chí để đăng tải các bài báo dựa trên những bằng chứng thực tế về nhiệt điện than cùng tác động của nó và tham dự nhiều cuộc thảo luận về ô nhiễm không khí. Thông tin rộng rãi trên báo chí và những cuộc tranh luận công khai về năng lượng than đã cho phép chị Khanh và GreenID hợp tác với cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam về một kế hoạch phát triển năng lượng sửa đổi. Tháng 1-2016, Chính phủ tuyên bố sẽ xem lại Quy hoạch điện 7. Đến tháng 3-2016, Nhà nước ra quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện 7, giảm đáng kể số nhà máy nhiệt điện than so với kế hoạch trước đây, đồng thời tiếp thu đề xuất của chị Khanh, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối lên 21% trong kế hoạch nguồn điện tổng thể đến năm 2030. Theo tính toán của các chuyên gia Quỹ môi trường Goldman, những nỗ lực của chị Khanh đã giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Chị Ngụy Thị Khanh và phần thưởng được Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng. Ảnh: Hà Nguyên.

Cũng với cách làm tương tự, phải mất hơn hai năm, vào năm 2016, chị Khanh cùng cộng sự ở GreenID kết hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Viện FES, tổ chức phi chính phủ của Đức) tiến hành xây dựng bộ tài liệu “Điện hạt nhân tại Việt Nam, thách thức và các biện pháp thay thế”. Thông qua báo chí, chị Khanh đã đưa đến cho Nhà nước Việt Nam thông điệp cần nghiên cứu xem có nên quyết định phát triển điện hạt nhân hay không. Sau nhiều nỗ lực, chị Khanh đã được chọn để thuyết trình tài liệu này trước các đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đến ngày 22-11-2016, trong một phiên họp kín ở Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với tỷ lệ 92% phiếu thuận. Đây là niềm hạnh phúc và kết quả đền đáp sự cố gắng không mệt mỏi của chị Khanh trong nhiều năm nghiên cứu... 

"Mẹ đẻ" của LEP

Một sáng kiến mang lại thành công rất lớn cho chị Ngụy Thị Khanh là tiên phong đưa ra mô hình “Lập kế hoạch năng lượng địa phương” (gọi tắt là LEP) từ năm 2012 như một giải pháp thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ. Tính đến nay, bình quân mỗi năm GreenID có từ 10 đến 15 dự án lớn nhỏ về năng lượng bằng nguồn vốn xã hội hóa, góp phần giúp người dân, các em học sinh của các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp cận với nguồn năng lượng xanh bền vững, nước sạch để sinh hoạt, phát triển kinh tế-xã hội... Điểm chính yếu trong mô hình LEP của chị Khanh là làm thay đổi thói quen sử dụng năng lượng truyền thống của người dân, tạo sự chủ động tham gia của cộng đồng dễ dàng với độ bao phủ rộng và rút ngắn thời gian thực hiện so với cách làm truyền thống mà các bộ, ngành và địa phương vẫn áp dụng xưa nay.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Khanh phân tích: "Thường khi thực hiện bất kể một dự án năng lượng nào trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ thì các cơ quan ngang bộ đóng vai trò chỉ đạo và chủ trì triển khai từ trên xuống tới người dân. UBND tỉnh hoặc thành phố thường chịu trách nhiệm 5 bước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm hai bước trong dự án đó. Việc này đòi hỏi tính hiệp đồng cao, mất thời gian huy động nhân lực, không phát huy được vai trò chủ động của địa phương và người dân. Đặc biệt, việc làm từ trên xuống rất dễ gây thất thoát nguồn lực vì quản lý phải tiến hành qua rất nhiều khâu, nhiều bước và có sự đồng thuận của nhiều bên liên quan; dễ phát sinh hệ lụy, nhất là thúc đẩy tình trạng “xin-cho”.

Mô hình LEP mà chị Khanh đưa ra giúp phân tích triệt để nhu cầu năng lượng xanh ở địa phương, trong đó coi trọng đến tiềm năng phát triển nguồn năng lượng xanh tại chỗ và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Thế mạnh của LEP là đã tác động vào đúng tâm lý người dân địa phương. Họ được tham gia luận bàn, tìm giải pháp phù hợp để triển khai dự án năng lượng một cách đơn giản nhưng hiệu quả và bền vững. LEP còn có tác dụng giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế và giải quyết vấn đề giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch. Cho tới nay, LEP đã và đang được triển khai ở 13 xã ở 6 tỉnh của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả của những dự án LEP là hàng loạt giải pháp năng lượng bền vững được ứng dụng ở các cộng đồng, như: Bếp đun cải tiến, bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn mặt trời, đèn LED, sản xuất phân vi sinh, nuôi giun quế từ rác thải và hệ thống biogas cấp hộ, biogas cấp cộng đồng, hệ thống pin năng lượng mặt trời hộ gia đình, trạm điện mặt trời mini-grid, trạm cấp nước uống tinh khiết dùng năng lượng mặt trời.

Kết quả thực hiện theo mô hình LEP vào năm 2012, tại các xã của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) cho hiệu quả tốt và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Đến nay, chị Ngụy Thị Khanh và GreenID đã phối hợp với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế của nước ngoài thực hiện hơn 60 dự án cho người dân các địa phương trong cả nước với trị giá hơn 50 tỷ đồng. Điều đáng mừng là nhiều hộ gia đình không thuộc đối tượng của các dự án cũng chủ động đầu tư kinh phí để làm theo.

Theo thống kê của GreenID, tính đến năm 2016, trung tâm đã có 48 báo cáo nghiên cứu, 67 ấn phẩm chính sách và tổ chức 46 cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học. Chị Khanh lạc quan, đến một ngày nào đó không xa, LEP sẽ khiến cho ý thức sử dụng sản phẩm năng lượng xanh trong nhân dân trở thành thói quen bất biến,môi trường sẽ trong lành và điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nan y trong xã hội cũng sẽ giảm. Hy vọng, mong muốn và ước vọng của nữ “anh hùng môi trường” châu Á sẽ sớm trở thành sự thật.

MẠNH THẮNG