Khoảng hơn chục người phụ nữ lớn tuổi vừa nói chuyện vừa sắp xếp, phân chia cẩn thận từng cuộn len. Nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi tưởng như bước nhầm vào xưởng sản xuất len sợi của công ty nào đó. Thật ra, đây chính là ngôi nhà nhỏ của bà Phan Vũ Diễm Hằng - người phụ trách hoạt động của nhóm “ong chăm”, cũng là nơi tập kết và phân phối các sản phẩm thiện nguyện đầy ý nghĩa.

“Ong chăm” đan áo, xây nhà

Những người phụ nữ như những cô “ong thợ” cần mẫn, nhanh chóng sắp xếp toàn bộ chỗ len vào các túi. Số len này sẽ được các “ong thợ” và người thân trong gia đình của nhóm “ong chăm” lấy về, tận dụng thời gian rảnh để đan mũ đội đầu cho các học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đang sống trên các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi đã phân phát gần hết số len, chỉ còn lại một vài người, chúng tôi chú ý đến bà Nguyễn Vân dù tay trái bị trật khớp phải bó cố định nhưng vẫn nhờ bà Hằng chỉ thêm mũi đan kiểu mũ mới. Chiếc mũ đan xen kẽ hai màu vàng, nâu có những mũi kéo so le nổi bật. Kiểu mũ mới này, bà Vân sẽ về giới thiệu lại cho con và những người bạn hàng xóm để cùng hoàn thành “chỉ tiêu” của mình.

Những thành viên tích cực của nhóm ong chăm”.

Rời tay khỏi chiếc mũ vừa chỉ cho người bạn, bà Hằng chia sẻ: “Những lúc nhận hàng và gửi hàng là nhóm lại đông đủ vậy đấy cháu. Ban đầu, thành viên trong nhóm“ong chăm” của tôi chỉ khoảng 10 người gồm những người bạn thân thiết. Theo thời gian, mỗi người bạn của tôi lại “kết nạp” thêm người thân và bạn của mình, giúp nhóm “ong chăm” ngày càng đông đúc hơn. Hiện nay, người nhỏ tuổi nhất của nhóm là bé Hà Anh mới chỉ 10 tuổi, lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Bắc năm nay đã 98 tuổi”.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang vì màn hình chiếc điện thoại của bà Hằng báo hiệu có thông tin mới trên mạng xã hội. Xem qua điện thoại, bà cười rồi cho chúng tôi xem qua màn hình điện thoại hình ảnh ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp với mái tôn xanh, tường vàng và tay vịn cầu thang chắc chắn. Đây là nhà sàn ở xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) - căn nhà thứ 5 của nhóm “ong chăm” phối hợp với địa phương xây dựng làm nhà lưu trú cho học sinh trong xã.

Mô hình nhà sàn lưu trú được bà Hằng và nhóm “ong chăm” lựa chọn vì có tính thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan môi trường sống. Mỗi công trình có tổng diện tích sử dụng 360m2, trị giá 500 triệu đồng. Trong đó, chính quyền địa phương góp 200 triệu đồng, nhân dân địa phương góp công sức lao động khoảng 100 triệu đồng, 200 triệu đồng còn lại "ong chăm” sẽ ủng hộ cho công trình. Đến nay, nhóm "ong chăm” đang kêu gọi xây dựng căn nhà thứ 6 ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, thành viên nhóm “ong chăm” hầu hết là người đã nghỉ hưu, vậy phải huy động kinh phí từ đâu để hỗ trợ chính quyền xây nhà sàn cho học sinh? Bà Hằng đưa chiếc điện thoại ra trước mặt, tươi cười chia sẻ: “Nguyên nhân là đây, mọi kết nối, thông tin thiện nguyện của nhóm “ong chăm” đều được tôi đăng tải trên trang cá nhân của mình. Bằng việc minh bạch trong sử dụng nguồn tài trợ và lợi ích thiết thực với trẻ em nghèo vùng cao, nhiều nhà hảo tâm bắt đầu quan tâm đến các hoạt động của nhóm “ong chăm”. Cũng từ đó, nhóm “ong chăm” nhận được nhiều nguồn tài trợ từ cá nhân đến công ty lớn. Góp nhặt lại, dần dần cũng đủ để trang trải cho việc mua len, xây nhà”.

Thiện tâm với công tác giáo dục

Sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức tại Hà Nội, ngay từ nhỏ, bà Hằng được thừa hưởng môi trường giáo dục thuận lợi. Năm 1975, bà là nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt giải 3 tại Kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO. Sau đó, bà theo học tại trường Đại học Quốc gia Moskva. Tốt nghiệp ra trường, bà về nước công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vốn yêu thích tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống và mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, năm 1997, bà bắt đầu tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển cộng đồng của Liên hợp quốc.

Các em nhỏ vùng cao ấm áp trong những chiếc mũ được nhóm “ong chăm” gửi tặng.

Càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, bà Phan Vũ Diễm Hằng càng thấy cuộc sống của nhiều trẻ em vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà Hằng nhớ lại, trong chuyến công tác về huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, thời tiết đang rét cao điểm, trong khi bà mặc đủ loại áo bông mà không hết lạnh thì những em nhỏ sống tại đây vẫn đầu trần, chân đất, quần áo lấm lem bùn, đầu ngón tay tím bầm, khuôn mặt đỏ ửng, nứt nẻ. Bà thầm nghĩ những đứa trẻ ở đây suốt ngày phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt như vậy thì còn đâu thời gian để ý tới việc học tập. Bà dặn lòng mình phải làm điều gì đó cho những đứa trẻ này.

Bà nhận thấy nhóm bạn thân của mình có nhiều thời gian rảnh rỗi và đặc biệt đều biết đan len. Chính vì vậy, bà nghĩ ngay đến việc kết nối những người bạn của mình thành một nhóm chuyên đan mũ len để gửi cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên vùng cao. Nghĩ là làm, năm 2016, nhóm “ong chăm” chính thức được hình thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, số mũ đầu tiên được gửi cho các em học sinh. Gần như ngay sau đó, những bức thư mộc mạc, chứa đựng yêu thương được gửi về cho bà Hằng và nhóm “ong chăm”. Chúng tôi chú ý đến bức thư được viết bằng nét chữ nắn nót, cẩn thận của Lò Thị Phương Thảo, học sinh lớp 9A Trường THCS Mường Tè (Mường Tè, Lai Châu): “Cháu cảm ơn bà, vì món quà của bà nên mùa đông năm nay không còn lạnh nữa. Món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng thật nhiều yêu thương của bà và nhóm “ong chăm” gửi gắm”.

Nhìn các em nhỏ tươi cười trong chiếc mũ xinh xắn , các thành viên trong nhóm“ong chăm” đã có thêm nhiều động lực. Trong năm đầu đi vào hoạt động, 36.000 chiếc mũ len đã được gửi đến các học sinh khó khăn ở huyện Mù Cang Chải. Nhưng con số này vẫn chưa thấm vào đâu, bởi theo bà Hằng chia sẻ: “Nếu tính trung bình 1 tỉnh 10 huyện, 1 huyện 10 xã, 1 xã có 1000 học sinh, giáo viên, trong khi 5 tỉnh đặc biệt khó khăn sẽ cần đến 500.000 chiếc mũ. Như vậy, nhóm “ong chăm” còn phải làm việc tích cực hơn nữa để đạt được số lượng như mong muốn”.

Trong quá trình làm thiện nguyện của nhóm “ong chăm” , bà Phan Vũ Diễm Hằng luôn chú trọng tới công tác giáo dục. Theo bà, đối với học sinh, thời gian học tập tại trường là cơ hội để hoàn thiện về nhân cách, kiến thức, kĩ năng sống. Đó là nền tảng cơ bản để các em phát triển toàn diện trong tương lai. Chính vì vậy, bà quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục và kêu gọi hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh mồ côi duy trì ổn định việc đến lớp. Bà trực tiếp liên hệ với Phòng giáo dục các huyện miền núi giúp đỡ nhóm “ong chăm” thực hiện công việc thiện nguyện đến đúng địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng. Ngoài những chiếc mũ, ngôi nhà khang trang, nhóm “ong chăm” còn cấp vốn cho các thầy, cô chăn nuôi, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn…

Cô giáo Lê Thị Nga, quê gốc ở Phú Thọ, hiện đang là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Sán Xả Hồ (Hoàng Su Phì, Hà Giang), tâm sự: “Sự quan tâm của nhóm “ong chăm”  là nguồn động viên cho các giáo viên, học sinh còn khó khăn. Chúng tôi hứa với cô Hằng và các thành viên của nhóm sẽ vững chân trên mảnh đất này, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người ở miền núi rừng, biên cương của Tổ quốc”. 

Chia tay nhóm “ong chăm”, chúng tôi kịp chụp lại bộ sưu tập những hình ảnh, bức thư cảm ơn của học sinh, giáo viên, lãnh đạo các sở giáo dục gửi về tri ân những hoạt động ý nghĩa của bà Phan Vũ Diễm Hằng và nhóm. Trong những câu chữ ấy, chúng tôi nhận ra sự trân quý đầy tình cảm của người dân địa phương. Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: “Dù chưa một lần gặp mặt nhưng bà Hằng đã để lại cho nhiều thế hệ học sinh, giáo viên những cảm xúc chân thành, sẻ chia, thấm đượm nhân ái. Đây là nguồn động lực to lớn giúp những học sinh, giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn thêm vững tâm gắn bó với mái trường, lớp học vùng cao”.

Bà Phan Vũ Diễm Hằng là cháu nội của cụ Phan Kế Toại – Khâm sai Đại thần Bắc Bộ của triều đình Bảo Đại, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 2017, bà mắc phải căn bệnh nan y và phải điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Dù vậy, bà luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật, dành nhiều tâm huyết cho hoạt động thiện nguyện.

Bài và ảnh: ĐỨC HÀ – ĐÀO HIỆP