PGS, TS TRẦN NGỌC LƯƠNG (Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương):
Coi trọng việc rèn luyện y đức
Tôi rất xúc động khi được tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết, trao giải cuộc thi viết lần thứ 9 và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy”. Cuộc thi viết có ý nghĩa hết sức nhân văn và thiết thực, góp phần quan trọng trong phát hiện, tuyên truyền cái hay, cái đẹp, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, tiếp thêm niềm tin yêu của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quá trình học tập, công tác và trong cuộc sống, tôi luôn ý thức phải học tập và làm theo tấm gương của Bác. Khi giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp cho đội ngũ bác sĩ tại các bệnh viện trong và ngoài nước, tôi luôn cho rằng, bên cạnh việc chú trọng chuyển giao, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ còn cần đặc biệt coi trọng việc rèn luyện y đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế. Bởi, y đức là sự thể hiện kết quả của việc rèn luyện, giáo dục lâu dài, thường xuyên của người hành nghề y. Y đức không chỉ là vấn đề lớn của ngành y, là truyền thống cao đẹp, là trách nhiệm và danh dự của mỗi cán bộ y tế, mà nó còn đang trở thành vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Niềm tin yêu của nhân dân đối với người thầy thuốc, với ngành y tế cả nước sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin đối với Đảng, với chế độ.
DƯƠNG SAO (ghi)
Ông NGÔ VĂN LÉO, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng:
Chung tay ươm "vườn hoa" người tốt
"Hà bá" thì ai cũng sợ, nhưng thấy người sắp chết đuối mà không cứu thì day dứt lương tâm lắm. Người ta kêu cứu, mình đứng trên bờ bấm bụng làm ngơ sao đành! Các thành viên trong gia đình tôi cứu người vì tình, vì nghĩa chứ không ham vật chất, tham của đáp đền ơn nghĩa. Quả thực cũng có rất nhiều người mang quà, tiền tới cảm tạ, có người ngỏ ý cho mượn tiền làm ăn để trả ơn, nhưng tôi đều từ chối...
Tuy gia đình còn khó khăn, nhưng thấy quê hương, đất nước ngày một đổi mới, phát triển, tôi rất vui. Hôm nay, mặc dù ở đây đó còn không ít việc làm, hành động trái luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong xã hội nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Tôi cho rằng, để bài trừ những tệ nạn, những thói hư tật xấu, ngoài tinh thần gương mẫu của người cán bộ thì mỗi chúng ta cũng phải hành động bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để ươm "vườn hoa" người tốt.
VĂN THI (ghi)
Chị ĐINH THỊ THỦY, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP Hà Nội:
Lồng ghép gương người tốt vào bài giảng
Đây là năm thứ 12 tôi gắn bó với các em học sinh có hoàn cảnh éo le tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2. Đó là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và mang trong người căn bệnh HIV/AISD. Gần gũi với các em, tôi càng thấu hiểu những thiệt thòi, mất mát mà chúng phải gánh chịu. Chính vì vậy, tôi luôn coi học sinh như con của mình.
Còn nhớ những ngày đầu mới về trung tâm, tôi nhận được không ít lời ra, tiếng vào. Song, tôi cũng nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ. Không ít người thân, bạn bè khuyên tôi vững tâm công tác, bởi không phải ai cũng có thể làm được như thế. Đây là nguồn động viên giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với công việc đến ngày hôm nay.
Khi lên lớp, tôi không đơn thuần dạy các em kiến thức văn hóa, mà còn dạy kỹ năng sống. Đặc biệt, tôi thường xuyên kể cho các em nghe những câu chuyện về Bác Hồ; lồng ghép nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy và sinh hoạt ngoại khóa ở nhà trường... qua đó giúp các em học sinh cảm nhận sâu sắc hơn tấm gương vĩ đại của Người và học tập, làm theo Người thông qua những việc làm phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
ĐỨC THỊNH (ghi)
Cô giáo LÝ THỊ KIỀU, điểm trường mầm non Lùng Cúng (Nậm Có, Mù Cang Chải, Yên Bái):
Niềm khích lệ lớn từ Báo Quân đội nhân dân
Lùng Cúng là bản vùng sâu vùng xa nghèo khó của xã Nậm Có. Điểm trường nơi chúng tôi công tác cách trung tâm xã 25km đường rừng, nên đi lại vô cùng khó khăn. Lùng Cúng cũng là nơi không điện, không nước, không sóng điện thoại. Hằng tuần, chúng tôi về nhà mang lương thực, thực phẩm lên điểm trường để sử dụng dần, kết hợp với sản phẩm tăng gia, chăn nuôi. Tuy nhiên, những ngày xảy ra mưa bão, thì thức ăn chính sẽ là cá khô, nước mắm...
Thời gian đầu mới lên Lùng Cúng, tôi chỉ mong cuối tuần được về thăm gia đình. Nhưng bây giờ về lại rất thương các em học sinh, nên tôi lại vội vã lên trường. Theo quy định, mỗi cô giáo sẽ chỉ dạy một năm ở một điểm trường, sau đó sẽ luân chuyển sang những bản khác. Thế nhưng, do cảm thông với hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây nên tôi tình nguyện ở lại Lùng Cúng thêm một năm nữa. Cuộc sống và công việc của chúng tôi đã được Báo Quân đội nhân dân phản ánh khá đầy đủ trong tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” của nữ nhà báo Thu Hà và đoạt giải Nhất Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 9. Đây là nguồn động viên rất lớn để tôi và các đồng nghiệp yên tâm công tác, gắn bó với các em học sinh vùng cao. Chúng tôi nguyện nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao kiến thức chuyên môn, tận tâm với nghề dạy học, hết lòng yêu thương học sinh thân yêu.
HUYỀN TRANG (ghi)