Ít ai nghĩ, chủ tiệm may lịch lãm, nhanh nhẹn này là một người khiếm thính. Vượt lên số phận, Hồ Phúc Danh có một tiệm may “đắt hàng”, giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ.

Anh Nguyễn Văn Minh(phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là khách quen của tiệm may Phúc Danh. Hôm ấy, anh Minh đến lấy hai bộ comple đặt trước. Sau khi thử, anh Minh rất hài lòng. Tin tưởng vào tay nghề của Phúc Danh nên anh Minh thường nhắn tin số đo và gửi mẫu vải, kiểu cách mình thích qua điện thoại và nhờ tư vấn mẫu quần áo phù hợp với dáng người. 

Anh Minh vừa rời đi thì một vị khách đến tiệm may. Thấy khách đến may quần áo, chị Hoàng Thị Thinh là vợ anh Phúc Danh đon đả, niềm nở hỏi han. 

“Tôi muốn đặt một bộ comple để đi làm công sở”. Người khách lạ nói.

Vợ chồng anh Hồ Phúc Danh tư vấn mẫu trang phục cho khách hàng.

Chị Thinh dùng những ký hiệu động tác diễn đạt lại với chồng. Sau khi thống nhất loại vải, kiểu cách, lấy số đo, anh Danh đưa những ký hiệu động tác diễn tả với vợ, đại ý là dáng người khách này có đặc điểm đôi chân gầy, không nên chọn kiểu ống quần bó mà nên chọn ống quần đứng để đôi chân tương xứng với phần trên cơ thể. Anh Danh cũng hỏi khách hàng đi giày có cổ hay giày lười để may độ dài ống quần. Nếu đi giày cổ cao sẽ may chiều dài ống quần chạm đến mắt cá chân, còn nếu đi giày lười sẽ may quần dài quá mắt cá chân một chút.

Thấy đôi vợ chồng trao đổi với nhau bằng ký hiệu, vị khách hơi bối rối, nhưng sau khi được tư vấn, vị khách tin tưởng anh Danh là người có tay nghề, lại thấy giá cả phải chăng, chủ tiệm may thái độ hiếu khách, nhiệt tình nên anh quyết định đặt thêm bộ nữa. 

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em tại vùng quê nghèo xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ, Phúc Danh đã không may bị khiếm thính, không thể nghe và nói. Một thời gian dài, Phúc Danh sống khép kín vì không thể giao tiếp bình thường. Khi Phúc Danh 15 tuổi, bố mất, một mình mẹ anh gánh vác gia đình. Thương mẹ già yếu, một mình lo toan vất vả, Phúc Danh chợt nhận ra mình không thể trở thành gánh nặng, không thể để người thân phiền lòng mãi được. Lúc đó, Phúc Danh đã nghĩ phải học chữ, học một nghề để sau này tự lo cho cuộc sống của bản thân, phụ giúp gia đình, phụng dưỡng mẹ. 

Được người chú ruột giúp đỡ đưa đến TP Vinh nuôi dưỡng, Phúc Danh tìm đến Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An để học chữ và học nghề. Tại đây, Phúc Danh tiếp xúc với các bạn bè cùng cảnh ngộ và thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn khi chỉ khiếm khuyết về nghe và nói nhưng khỏe mạnh, việc vận động và phát triển của trí não bình thường. Chứng kiến quá trình nỗ lực của Phúc Danh từ khi còn đi học cho đến khi ra trường, cô giáo Ngô Thị Phước, Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An tự hào: “Quả thật, nghề may đòi hỏi người thợ có đủ kiên nhẫn, đam mê, tỉ mỉ và không ngừng học hỏi, tìm tòi. Phúc Danh có tố chất đó, cộng thêm đôi bàn tay khéo léo, mắt thẩm mỹ tinh tế nên tiếp nhận các kỹ năng thiết kế, may đo, cắt vải từ cơ bản đến chuyên sâu một cách thuần thục”.

Phúc Danh ý thức được rằng người bình thường làm nghề may vốn đã khó khăn thì với người khiếm khuyết như anh chắc chắn sẽ còn khó khăn gấp bội. Bởi vậy, Phúc Danh dành thời gian nghiên cứutừng đặc tính của các loại vải, cẩn trọng trong từng nét vẽ, đường cắt, đường may, tỉ mỉ đến từng chi tiết của trang phục. Ngoài thời gian học trên lớp, Phúc Danh còn dành thời gian tìm hiểu các kỹ năng chuyên sâu, các xu hướng thời trang mới để bắt kịp thị hiếu của khách hàng. Anh thử nghiệm nhiều cách may mới, tìm kiếm các chất vải phù hợp với từng độ tuổi, khách hàng. Đôi khi, một bộ trang phục anh tạo ra từ đơn giản đến cầu kỳ, nhận lại những phản hồi khác nhau của khách hàng, nhưng Phúc Danh luôn kiên nhẫn, bền bỉ, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện tay nghề.

Khi tự tin vào tay nghề, được sự hỗ trợ từ gia đình, Phúc Danh đã mở một tiệm may của riêng mình. Lúc đầu anh may quần áo cho người thân, bạn bè, rồi “tiếng lành đồn xa”, tiệm may được nhiều người biết đến nhờ chất lượng may sơ mi, comple với nhiều kiểu dáng hiện đại, đường may sắc nét, trang phục vừa vặn, anh đã dần chinh phục được nhiều khách hàng khó tính.Tiệm may Phúc Danh nhận được nhiều đơn đặt hàng veston, comple công sở với số lượng lớn. Từ đó, Phúc Danh tự lập được cuộc sống, giúp đỡ thêm nhiều người cùng cảnh ngộ.

Em Nguyễn Bá Hùng(huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng bị khiếm khuyết về giọng nói, được giới thiệu tới tiệm may Phúc Danh để học việc gần 5 tháng nay. Không thể sử dụng giọng nói, Phúc Danh giao tiếp với khách hàng cũng như hướng dẫn cho học viên bằng chữ viết, điện thoại, thậm chí là hành động. Anh tận tình truyền kinh nghiệm của mình cho những người cùng cảnh ngộ miễn phí. Hiện nay, Phúc Danh đã tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, anh còn truyền nghề cho những người khuyết tật. Nhiều học viên được Phúc Danh truyền nghề đã về quê mở tiệm may riêng, công việc khá ổn định, như: Anh Nguyễn Ngọc Tiếp quê ở Vĩnh Phúc; anh Lê Văn Dũng (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), anh Lê Tuấn Vũ (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)…

Quen biết nhau từ những ngày Phúc Danh mới chập chững học nghề, người con gái xinh xắn Hoàng Thị Thinh (xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) đã phải lòng chàng thợ may nghị lực. Liên lạc với nhau một thời gian, hai người yêu nhau nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình chị Thinh khi cha mẹ không muốn gả con gái cho một người khiếm thính. Ba năm yêu nhau chân thành và thấy được sự nỗ lực của Phúc Danh, bố mẹ của Thinh cũng dần chấp nhận. Đám cưới ấm cúng diễn ra. Một năm sau, cậu bé Phúc Hiếu ra đời, tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ luôn ngập tràn tiếng cười. Hỏi chị Thinh, điều gì ở anh Danh khiến một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh như chị nguyện gửi gắm cuộc đời. Chị thẹn thùng nhìn chồng mỉm cười: “Đó là ý chí và nghị lực. Anh Danh là người khiếm thính nhưng từ khi quen rồi yêu nhau và đến tận bây giờ, tôi chưa từng thấy anh tỏ ra tự ti hay yếu đuối. Anh luôn cho tôi cảm giác tin cậy”.

Rời tiệm may Phúc Danh đã khi trời nhá nhem tối, bóng dáng chàng trai trẻ Phúc Danh vẫn đổ dài bên chiếc máy khâu cùng hàng tá vải. Anh đang gấp rút may 20 bộ đồng phục do Công ty Hóa chất Hoàng Mai đặt hàng. Người vợ trẻ cũng tất bật nhập vải, mua phụ kiện, dụng cụ may giúp chồng. Qua lời "phiên dịch" của chị Thinh, Phúc Danh "nói" với tôi, rằng anh mơ ước được nghe thấy tiếng máy may của chính mình.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ