Việc gì cũng sâu sát, hết mình

Nghỉ hưu năm 2010, nhưng từ ngày đó, ông Giàng Seo Hòa chưa ngày nào nghỉ việc. Ông gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng trường học ở địa phương, sưu tầm ca dao, dân ca; tham gia viết dư địa chí, viết lịch sử Đảng bộ xã... Giờ đây ở tuổi 66, ông vẫn say sưa với việc trồng và bảo vệ rừng.

Năm 1996, xã Lầu Thí Ngài được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng cờ thi đua về phong trào làm đường giao thông nông thôn; năm 2003 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về phong trào giao thông nông thôn và bằng khen về kiên cố hóa trường, lớp học; năm 2007, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua về thực hiện dự án giảm nghèo giai đoạn 2002-2007. Những thành công đó đều có công lao đóng góp của đảng viên Giàng Seo Hòa.

Khi là Bí thư Đảng ủy xã (2005-2010), ông trăn trở về việc học của các em nhỏ. Ông giao kế hoạch cho các thôn về bảo đảm số lượng học sinh đi học, từ bậc mẫu giáo đến cấp THCS. Nếu em nào bỏ học, từ giáo viên, công an viên đến trưởng thôn đều phải vào cuộc. Những học sinh khó vận động đến lớp nhất, có hoàn cảnh khó khăn nhất, ông nhận về mình. Cảm động nhất là một hôm từ sáng sớm tinh sương, trước giờ truy bài, ông đã bàn giao cho tôi một học sinh nghèo bỏ học. Trong câu chuyện, ông cho biết vừa mua tặng em đôi dép và sẽ tiếp tục quan tâm để gia đình em bớt khó khăn, để em được đến lớp.

 Ông Giàng Seo Hòa hướng dẫn học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lầu Thí Ngài tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương tại thư viện ngoài trời.

Trước đây, trường tiểu học và THCS chưa tách; cơ sở vật chất rất thiếu thốn; đặc biệt, việc giải phóng, mở rộng mặt bằng để tách trường hết sức khó khăn. Ông bàn bạc cùng Đảng ủy xã đưa vào nghị quyết lãnh đạo và không quản ngày đêm đi vận động bà con hiến đất làm trường. Ban đầu, bà con chưa hiểu, chưa thấy tầm quan trọng của giáo dục, các gia đình sợ mất đất, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập. Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Hòa kiên trì vận động từng gia đình, từng dòng họ; phân tích cái được, cái mất của việc hiến đất xây trường, nhưng cái được lớn hơn. “Mưa dầm thấm lâu”, khi đã hiểu, các hộ nông dân: Vàng Seo Phần A, Vàng Seo Phần B, Lý Thìn Lẻng, Giàng Seo Dìn đã tự nguyện hiến hơn 4.100m2 đất xây Trường THCS xã Lầu Thí Ngài mà không đòi hỏi đền bù. Năm 2004, UBND huyện ra quyết định thành lập Trường THCS Lầu Thí Ngài. Chủ tịch UBND, Phó bí thư Đảng ủy xã Giàng Seo Hòa luôn quán triệt trong Đảng ủy và Ban Thường vụ: “Phải bắt đầu từ dân, thấu hiểu đời sống của dân, chỉ có nhân dân góp sức chung tay mới có thể xây dựng quê hương giàu đẹp”.

 Thời bao cấp, thực hiện Chương trình 167, xã được xây dựng cây cầu treo kết nối giữa ba thôn bên này và ba thôn bên kia suối, nhưng đường nối giữa thôn Lử Chồ 1 và Lử Chồ 2 đến với cầu vẫn là đường mòn, dốc trượt. Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Hòa đã kêu gọi nhân dân tự nguyện làm đường, nhưng con đường vẫn nhỏ, xe tải không đi vào được. Không né tránh thực tại, không vì thành tích, với tấm lòng thương dân, vì dân, ông đã thẳng thắn trả lời các phóng viên khi về tác nghiệp tại địa phương và đưa ra ý nguyện của nhân dân. Sau đó, bài báo “Có cầu nhưng không có đường” được đăng trên Báo Lào Cai. Huyện ủy Bắc Hà vào cuộc. Sau khi khảo sát và thi công, con đường nối từ thôn Lử Chồ 1 với cây cầu treo được mở rộng; xe cộ đi lại dễ dàng, hàng hóa thông thương, bà con rất phấn khởi. Đến nay, các tuyến đường liên thôn vào các thôn trên đã được bê tông hóa, nhà văn hóa đã được xây dựng, sửa sang; các hộ gia đình đều được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, làm chuồng gia súc xa nơi ở…; bà con tích cực tham gia hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; bộ mặt quê hương đổi thay rõ rệt. Kết quả đó cũng là sự đúc rút kinh nghiệm, luôn hết lòng vì dân, phát huy sức mạnh nhân dân của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Giàng Seo Hòa.

Đam mê lịch sử, văn hóa và kỳ tích trồng rừng

Khi đương chức, Bí thư Giàng Seo Hòa luôn trăn trở: Mảnh đất này đã sản sinh ra bao câu dân ca; nhiều địa danh của xã gắn với dấu mốc lịch sử đáng tự hào của quê hương cách mạng. Vậy là trong ông nung nấu ý nguyện và đam mê nghiên cứu, sưu tầm dư địa chí địa phương. Ông đưa ra bàn bạc, được Đảng ủy xã biểu quyết; rồi ông phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Gần một năm sau, cuốn dư địa chí xã Lầu Thí Ngài ra đời. Trên đà thắng lợi, ông lại say sưa cùng một số cán bộ viết cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Lầu Thí Ngài" (giai đoạn 1950-2015), sau khi phát hành trở thành “cẩm nang” tuyên truyền trong Đảng bộ và các nhà trường trong xã; qua đó, giáo viên, học sinh thêm tự hào, yêu quê hương mình. Ông bảo: Công tác dân vận là gần dân, hiểu dân và cũng để nhân dân thêm hiểu về lịch sử nơi mình sinh ra, trưởng thành.

Ông cũng luôn nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo cần tổ chức thêm buổi học ngoại khóa để sưu tầm những câu ca dao, dân ca. Ca dao, dân ca đã đi vào cuốn dư địa chí của xã và đi vào từng trường, lớp học, nhờ đó, học sinh có kiến thức và tự hào về quê hương cách mạng Dì Thào Ván; hiểu thêm về tên núi, tên làng và ý nghĩa của những tên gọi ấy. Năm học 2015-2016, đề tài nghiên cứu khoa học “Đưa ca dao, dân ca vào giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lầu Thí Ngài” đã được phổ biến, nhân rộng tại tỉnh Lào Cai, là minh chứng sinh động về phát huy bản sắc của địa phương, dân tộc, trong đó có sự đóng góp tích cực của ông Giàng Seo Hòa.

Từ năm 1995, ông Giàng Seo Hòa nhận trồng, chăm sóc hàng chục héc-ta rừng. Riêng năm 1996, ông tham gia trồng rừng phòng hộ với Lâm trường Bắc Hà theo Chương trình 327 với diện tích 18,8ha, rừng trồng thuần loài cây sa mộc, thuộc địa bàn thôn Là Dì Thàng, xã Tả Van Chư. Cánh rừng ông nhận trồng và chăm sóc chạy dọc theo tuyến đường 153, nối từ Lầu Thí Ngài qua Lùng Phìn, sang Tả Van Chư, với màu xanh ngút ngàn. Hơn 60ha rừng, mỗi héc-ta trồng 1.200 cây; cả khu rừng với 72.000 cây thông từ hơn 10 đến hơn 20 năm tuổi được người đảng viên 66 tuổi Giàng Seo Hòa cần mẫn, kiên trì tay phát cỏ, vai đeo túi dết bám rừng. Có thể nói, đó là kỳ tích trồng rừng phòng hộ. Nguồn nước trong vắt từ rừng, những cung ruộng bậc thang dưới cánh rừng… trở thành nơi thu hút du khách đến với Lầu Thí Ngài. Rừng che phủ đồi trọc, giữ nguồn nước và góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Giàng Seo Hòa hiểu rõ đặc tính của từng loại cây. Đất, đá, cỏ cây như ngấm vào ông. Với ông, rừng như người mẹ chở che cho đứa con. Ông cũng rất xót xa với những cánh rừng bị tàn phá. Tôi đã chứng kiến nỗi đau của ông trước một cây sa mu bị chặt trộm, nhựa ứa ra đặc quánh. Ông lấy cuốn sổ tay ra ghi chép. Dù việc này ông đã lường trước nhưng bọn lâm tặc lợi dụng chặt cây lúc nửa đêm. Tối hôm ấy, ông bỏ cơm và chỉ uống một chén rượu suông.

Kiên trì ở rừng, ăn ngủ tại lều trên nương, ông luôn tin tưởng vào sự đổi thay của quê hương. Ở tuổi 66, ông vẫn ham làm, ham việc. Đến nay, gia đình ông nhận chăm sóc, trồng và bảo vệ hơn 60ha rừng sa mu-nơi đã trở thành “mái nhà”, “lá phổi” của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương. Ông không kể về mình, nhưng công việc đã kể về ông. Đảng viên Giàng Seo Hòa với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, có nhiều cống hiến cho xã nhà, góp phần dệt nên màu xanh cho quê hương, nhân lên ngọn lửa khát vọng đổi mới, để người dân địa phương, nhất là lớp trẻ, học tập, noi theo.

Bài và ảnh: ĐỖ VĂN DINH