Điển hình vượt khó làm kinh tế giỏi

Chúng tôi phải qua mấy lần đò nhỏ mới tìm được đến nhà ông Nguyễn Văn Đỏi, sinh năm 1945 (người dân nơi đây thường gọi là ông Bảy Đỏi), để tìm hiểu về những gì mà nhiều người thường nhắc đến với sự trân trọng, biết ơn. Tiếp chuyện tôi là vợ chồng ông Bảy Đỏi với cái “chất” của người dân miền sông nước, thật thà và chất phác. Ông Bảy mặc trên người bộ quần áo đã cũ kỹ và còn lấm lem bùn. Mở đầu câu chuyện là nụ cười nhân hậu, chất giọng sang sảng của ông.

Nhớ về những năm trước, ông Bảy cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Trước kia, ông sinh ra ở vùng Tam Nông (Đồng Tháp), bố mẹ không có ruộng đất, không nghề nghiệp, phải đi làm thuê. Khi lên 10 tuổi, ông đã phải theo ba mẹ làm đủ thứ việc như giăng câu, giăng lưới, đào đất để kiếm cơm hằng ngày. Chính từ những khó khăn đó mà ông Bảy Đỏi dễ cảm thông, chia sẻ và luôn tìm mọi cách để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ông Bảy Đỏi cùng vợ nhiều năm qua luôn giàu lòng nhân ái, làm nhiều việc thiện nguyện giúp người nghèo khó.

Sau này, ông Bảy cùng cha mẹ, anh chị em về sống ở xứ cồn Châu Ma, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nhờ chăm chỉ, cần kiệm nên cha ông cũng có một ít của cải để lại cho con sau này. Với gia tài 2 công đất rẫy mà cha để lại, ông Bảy đã nối nghiệp cha làm rẫy, cần cù chịu khó, “làm đâu, trúng đó”, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, huyện, tỉnh nhiều năm liền.

Khi tôi hỏi vì sao ông lại có nghị lực phi thường đến thế, ông Bảy cười và chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn thì bản thân càng phải nỗ lực gấp nhiều lần để thoát nghèo”. Bà Huỳnh Thị Cúc, vợ ông Bảy Đỏi, cũng rất chịu thương, chịu khó, là hậu phương vững chắc để ông có thể thực hiện nhiều việc làm “trượng nghĩa” của mình. Với mô hình sản xuất rau muống và bắp lai lấy hạt, gia đình ông Bảy thu lợi nhuận cao, là một trong những cá nhân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện (2000 - 2001), từ đó, phong trào được phát triển rộng khắp, ở địa phương xuất hiện nhiều nông dân điển hình vượt khó nuôi con ăn học thành tài, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Học Bác từ những việc làm bình dị thường ngày

Từ khi có cuộc sống ổn định, vợ chồng ông Bảy bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp đỡ người nghèo khó, theo gương Bác Hồ vĩ đại. Có gì giúp nấy, chẳng sợ khó khăn vất vả, đó là cách nghĩ, cách làm mà nhiều năm qua vợ chồng ông Bảy đã và đang thực hiện. Đầu năm 2000, ông Bảy bắt đầu “bén duyên” với việc làm từ thiện bởi phong trào “lá lành đùm lá rách”, giúp người dân nhà dột nát có được những tấm lá để lợp nhà. Thời bấy giờ, việc làm từ thiện gặp rất nhiều khó khăn, phải tìm đến từng gia đình, tìm hiểu từng hoàn cảnh và trình bày rõ ràng với chính quyền địa phương mới có thể bắt tay thực hiện. Mỗi hoàn cảnh được ông Bảy giúp đỡ là những câu chuyện nghèo, khốn khó. Giúp được gì cho bà con nghèo là ông giúp, việc nào giúp được thì làm, khó thì nhờ anh em, bạn bè, mạnh thường quân gần xa chia sẻ.

Năm 2004, ông Bảy có “duyên” gặp được một mạnh thường quân tại TP Hồ Chí Minh, đó là bà Phạm Thị Kim Châu, chủ một doanh nghiệp vàng. Sau khi gặp và trao đổi với ông Bảy, bà Châu đã quyết định bỏ tiền ra trao tặng 20 căn nhà tình thương tại ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, sau khi đi thực tế kiểm tra. Có lẽ chính vì lòng nhân ái, sự thật thà và chất phác của người nông dân chân lấm tay bùn, mà ông Bảy đã lấy được cảm tình của mạnh thường quân trước đó ông chưa từng quen biết. Cũng chính từ cái làm “thật”, thật ở hoàn cảnh, thật ở cách trình bày và thực hiện việc “trung gian” hỗ trợ, nên những việc làm của ông Bảy luôn được bà Châu rất tin tưởng.

Ông Bảy đưa chúng tôi đi trên con đường nhỏ của ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B tìm đến nhà em Phạm Văn Minh- người được ông giúp đỡ, nhưng em không có em ở nhà vì phải đi làm ăn xa. Trò chuyện với gia đình, tôi được biết, cách đây hơn 10 năm, em Minh bị căn bệnh nan y, phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Ông Bảy đã đề xuất với bà Kim Châu và bà đã quyết định hỗ trợ Minh điều trị lành bệnh, ông cũng không biết bà đã giúp em bao nhiêu tiền, nhưng với ông, đó là một kỷ niệm khó quên.

 Đến cụm tuyến dân cư ấp Phú Trung, nơi tập trung gần 300 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề của sạt lở và mưa lũ, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thức (52 tuổi). Gia đình cho biết, chị đi khám lại bệnh tim. Tiếp chuyện tôi là chồng chị - anh Nguyễn Kim Lân. Anh tâm sự, trước kia vợ chồng làm phụ hồ cho các công trình ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Khi phát hiện vợ bị bệnh tim, vợ chồng anh rơi vào bế tắc, vì không có đất ở, không có của cải và 2 con nhỏ còn đang tuổi ăn tuổi học. Về lại quê hương, sống cạnh mẹ vợ, tưởng như cuộc sống sẽ đi vào ngõ cụt. Thế nhưng “phép màu” đã xuất hiện khi có người giới thiệu anh đến với ông Bảy. Căn bệnh tim có thể lấy đi tính mạng của chị Thức bất cứ lúc nào. Hiểu điều đó, ông Bảy đã tìm mọi cách để giúp đỡ gia đình. Số tiền hơn 90 triệu đồng mà mạnh thường quân giúp đỡ đã giúp chị Thức thoát cơn nguy hiểm. Mặc dù hiện nay, vợ anh vẫn phải đi tái khám hằng tháng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng nữa, cuộc sống vợ chồng hiện tại cũng đỡ vất vả hơn, có thể lo cho các con ăn học.

Biết tôi muốn tìm hiểu những hoàn cảnh khác, ông Bảy tình nguyện làm “hướng dẫn viên”, giúp tôi tìm đến nhà cụ Võ Thị Dưa, năm nay đã 73 tuổi, đang sống với người con trai là anh Trần Văn Tú đã hơn 40 tuổi, nhưng đôi mắt của anh bị mù. Bà Dưa kể, trước kia gia đình có 3 công đất rẫy, nhưng do sạt lở, giờ không còn gì, 2 mẹ con sống nhờ sự giúp đỡ hằng tháng của ông Bảy, căn nhà gỗ cũng được ông Bảy vận động hỗ trợ xây cất. Ông Bảy quan tâm đến mọi người của xứ cồn Châu Ma này như các thành viên trong gia đình.

Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm hoàn cảnh khó khăn mà ông Bảy đã “giang tay nghĩa hiệp” giúp đỡ họ. Với ông, việc học tập Bác đã được cụ thể hóa bằng những việc làm bình dị trong cuộc sống.

Những đóng góp lớn cho địa phương

Hơn 20 năm tận tụy với công tác từ thiện, ông Bảy đã đóng góp to lớn cho xã Phú Thuận B nói riêng, huyện Hồng Ngự nói chung và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hơn 500 hộ nghèo ở các huyện Hồng Ngự, Thị xã Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã được ông giúp đỡ với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, để trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, người già neo đơn... Không những thế, đến nay, ông Bảy đã giúp đỡ hơn 7.000 ca mổ mắt miễn phí cho bà con gần xa; mỗi tháng từ 1 - 2 lần; mỗi lần hơn 30 người được tài trợ phẫu thuật miễn phí 100% chi phí đi lại, ăn uống, viện phí, bình quân mỗi ca phẫu thuật từ 1,5 - 2 triệu đồng. Chương trình mổ mắt từ thiện được ông Bảy thực hiện trong suốt hơn 15 năm qua. Việc “tìm lại ánh sáng” cho người nghèo là việc làm hết sức ý nghĩa và giúp cho nhiều hoàn cảnh có thể tự chăm sóc bản thân và giúp ích cho gia đình. Bà Cúc - vợ ông không những ủng hộ, mà còn phụ ông làm những việc thiện khác. Theo bà, nếu không làm hậu phương vững chắc thì ông Bảy không thể yên tâm để lo cho việc từ thiện. Những lúc ông Bảy đi làm từ thiện thì bà phải lo chăm sóc con, cháu; đảm đương công việc ruộng rẫy. Nhiều lúc cũng khó khăn lắm, nhưng với bà điều đó là niềm vui, là động lực để ông Bảy làm được việc mình muốn. Dù khó khăn, dù vất vả nhưng chưa lần nào mà bà trách việc ông Bảy làm, bởi với bà điều đó không phải ai cũng có thể làm được, giúp được nhiều người.

Thấy đường sá chật hẹp đi lại khó khăn, vợ chồng ông Bảy quyết định hiến gần 1.000m2 đất để làm đường nông thôn tại xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình. Ông Bảy còn hiến 1.000m2 đất để trồng các loại cây thuốc nam phục vụ bà con gần xa. Hằng năm, có hàng chục ngôi nhà tình thương được xây cất giúp nhiều hoàn cảnh có nhà cửa ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Công tác khuyến học khuyến tài cũng được ông Bảy quan tâm, 2 năm gần đây, ông đã vận động quyên góp được hơn 30.000 quyển tập, sách, nhiều quần áo để tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường.

Nói về ông Bảy Đỏi, bà Nguyễn Thị Diễm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận B cho biết, ông Bảy là gương sáng về công tác từ thiện ở địa phương, đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, gia đình khó khăn trong và ngoài xã. Những việc làm của ông đã thật sự mang lại nhiều ý nghĩa và là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Với trái tim nhân hậu, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, giàu lòng nhân ái, ông Nguyễn Văn Đỏi luôn có mặt trong các lần vinh danh điển hình tiên tiến từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới; Bằng khen của UBND tỉnh về học tập làm theo gương Bác. Gần đây, ông là một trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: CHÍ TRUNG