Nỗi trăn trở về việc điều trị chấn thương không đúng cách
Ấn tượng ban đầu của tôi về Iizuka Kazuhiro là anh hiền lành, hay cười và nhiệt tình. Iizuka năm nay 29 tuổi, tới Việt Nam làm tình nguyện viên từ ngày 27-3-2017 với nhiệm kỳ 2 năm. Iizuka có 7 năm làm việc tại Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Nishijima, Nhật Bản) trước khi sang Việt Nam. Iizuka tham gia chương trình tình nguyện viên của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), làm kỹ thuật viên hoạt động trị liệu tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa. Tuy thời gian chưa dài, nhưng Iizuka đã có nhiều đóng góp giúp cải thiện hoạt động trị liệu tại đây.
Chia sẻ lý do tham gia chương trình tình nguyện tại Việt Nam, Iizuka tâm sự: “Quyết định được bắt nguồn từ chuyến tôi đi du lịch tới Campuchia. Ở đó, tôi chứng kiến những phương pháp sơ cứu người bị tai nạn giao thông sơ sài, không đúng cách. Tôi thấy nhiều người khuyết tật trên đường phố phải sống phụ thuộc vào người khác. Nếu được phục hồi chức năng đúng cách thì cuộc sống của họ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Lý do đó thôi thúc tôi muốn tìm hiểu tình hình y tế và phục hồi chức năng ở những nước đang phát triển”.
 |
Anh Iizuka Kazuhiro đang hướng dẫn chị Nguyễn Thị Mai cách luyện tập với dụng cụ phục hồi chức năng cho con gái là cháu Trịnh Thu Hằng. Ảnh: HƯƠNG THU |
Công việc hằng ngày của Iizuka tại Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa là điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, sau chấn thương và bệnh nhi sau phẫu thuật. Theo đó, Iizuka trực tiếp hướng dẫn người bệnh luyện tập phục hồi chức năng, thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo…); lắng nghe những tâm sự của bệnh nhân và hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân.
Chúng tôi đến gặp Iizuka tại bệnh viện, khi anh hướng dẫn cháu Trịnh Thu Hằng (13 tuổi, ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) phục hồi chức năng. Chị Nguyễn Thị Mai, mẹ của cháu Hằng tâm sự: “Con tôi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, liệt nửa người, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người thân. Qua tìm hiểu, tôi đưa cháu đến Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa. May mắn, con gái tôi được luyện tập cùng anh Iizuka. Sau 2 tháng, hiện cháu đã cử động được bàn tay và ngón tay. Dưới sự hướng dẫn của anh Iizuka, cháu đang tích cực tập luyện các động tác sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Từ ngày bị liệt, con tôi rất tự ti và thường có hành vi phản kháng. Nhưng, từ khi được anh Iizuka trực tiếp hướng dẫn và điều trị, cháu đã vui vẻ hơn, luyện tập tích cực hơn”. Còn bác Mai Thị Di, vợ của một bệnh nhân tai biến cũng đang được điều trị tại bệnh viện phấn khởi tâm sự: “Chồng tôi bị tai biến, liệt nửa người bên phải, tay chân co quắp, không nói chuyện được, khi đến bệnh viện phải dùng xe lăn. Vậy mà chỉ sau 2 tháng luyện tập cùng anh Iizuka, chồng tôi đã đưa tay lên được, nói được vài từ và đang tập đi”.
Nói về chuyên gia Iizuka, TS Cầm Bá Thức, Phó giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương Thanh Hóa cho biết: “Từ ngày anh Iizuka về bệnh viện công tác, số lượng bệnh nhân đến phục hồi chức năng nhiều hơn hẳn và được điều trị rất hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân, anh còn thường xuyên chia sẻ, truyền đạt tới các đồng nghiệp Việt Nam những kỹ thuật trị liệu của Nhật Bản. Cùng với đó, Iizuka tham gia rất hiệu quả việc đánh giá tình trạng bệnh nhân và thiết lập chế độ tập luyện dựa trên những đánh giá đó”. Theo TS Cầm Bá Thức, tại Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ cho kỹ thuật viên hoạt động trị liệu. Từ năm 2010, Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện mới có hai kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Kiến thức về hoạt động trị liệu của hai kỹ thuật viên này sau 3 tháng đào tạo ở Bệnh viện Bạch Mai mới dừng lại ở việc tập luyện cho bệnh nhân cử động khớp và hướng dẫn những động tác đơn giản. Do đó, sự có mặt của chuyên gia phục hồi chức năng Iizuka là vô cùng quan trọng đối với bệnh viện.
Những vật rẻ tiền cứu cả đời người
Nhiều người thấy lạ khi thấy Iizuka thường nhặt nhạnh chai nhựa bỏ đi, rồi không hiểu lý do gì anh mua thớt, mua kẹp quần áo và một số vật dụng khác. Đến khi anh mang những vật dụng này để người bệnh luyện tập, mọi người mới ngỡ ngàng bởi sự hiệu quả của nó. Với mỗi bệnh nhân, Iizuka đều cố gắng chế tạo một dụng cụ phục hồi chức năng phù hợp từ những đồ vật sẵn có. Iizuka tâm sự: “Tôi đã đi hỏi nhiều người thợ làm sắt để đặt hàng những dụng cụ phục vụ việc luyện tập chức năng của bệnh nhân nhưng quá đắt. Sẵn phòng chế tạo dụng cụ của bệnh viện, tôi xin phép lãnh đạo và nhờ có sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên ở đây, tôi đã làm được những dụng cụ vừa đơn giản, vừa hiệu quả để người bệnh luyện tập”. Ví dụ, miếng xốp để luyện cầm thìa dành cho bệnh nhân đột quỵ, chấn thương cột sống sử dụng luyện tập ăn uống, vận động khớp khuỷu tay. Hoặc dụng cụ để luyện bấm móng tay được áp dụng cho bệnh nhân đột quỵ, chấn thương cột sống, phẫu thuật chỉnh hình. Dụng cụ này dùng lòng bàn tay để bấm móng tay nên những bệnh nhân khó sử dụng ngón tay vẫn có thể làm được. Hoặc dụng cụ luyện tập mở nắp chai, được áp dụng cho bệnh nhân đột quỵ, phẫu thuật chỉnh hình (gãy xương) luyện cơ bắp từ khuỷu tay đến ngón tay. Các dụng cụ này khiến bệnh nhân rất hứng thú luyện tập, giá thành lại rẻ, dễ dàng chế tạo. Bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi chức năng có thể tự chuẩn bị để luyện tập, giúp giảm bớt căng thẳng, tạo tính chủ động cho bệnh nhân. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh, Iizuka cùng đồng nghiệp Việt Nam thiết kế các áp phích tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, y tế, cung cấp các kiến thức y học để phòng bệnh cho người nhà bệnh nhân.
Iizuka tâm sự, do vốn tiếng Việt của anh chưa được tốt nên thời gian đầu, anh chỉ truyền tải được 10% kiến thức về hoạt động trị liệu cho các đồng nghiệp tại bệnh viện. Điều đó làm anh rất trăn trở. Khắc phục điểm yếu đó, anh đã theo lớp dạy học tiếng Việt. Dần dần, đồng nghiệp hiểu anh hơn và đã làm theo chính xác những kỹ thuật anh hướng dẫn.
Theo Iizuka, ở Việt Nam, số người bị chấn thương sọ não hay phải phẫu thuật chỉnh hình vì tai nạn giao thông nhiều hơn so với Nhật Bản. Đặc biệt, có rất nhiều học sinh, sinh viên và những người trẻ độ tuổi 20-30 bị chấn thương sọ não rất nặng. Thế nhưng rất ít người có mục tiêu điều trị phục hồi chức năng để quay lại với công việc, tìm kiếm việc làm, làm việc nhà; hầu hết họ chỉ dừng lại ở massage hoặc luyện tập bẻ cong khớp. Vì thế, có rất nhiều người phải trở lại viện nhiều lần. Nhiều người trở nên nghèo đi vì phải chi trả viện phí. Iizuka chia sẻ: “Kỹ thuật hoạt động trị liệu ở Nhật Bản giúp hồi phục các chức năng nào đó của cơ thể. Chúng tôi ước định về khả năng phục hồi cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tối đa những chức năng còn lại của bản thân để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, tạo các dụng cụ hỗ trợ sinh hoạt. Ngoài ra, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu ở Nhật Bản đều được học các lớp tư vấn, các kiến thức về tâm lý nên có kỹ thuật tiếp xúc với bệnh nhân và lắng nghe các nhu cầu của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu không chỉ thấy những thay đổi cơ thể của bệnh nhân mà còn quan tâm đến cách sinh hoạt, làm việc của họ; môi trường sống, thể lực, kỹ thuật của người chăm sóc; tâm lý, ý chí của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị tốt nhất”.
Iizuka muốn giới thiệu những dụng cụ hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng lên mạng xã hội để giúp các bệnh viện ở địa phương hoặc những bệnh viện không có tình nguyện viên trong việc phục hồi chức năng, cứu cuộc đời cho những người bị chấn thương nặng trên khắp Việt Nam.
THU HƯƠNG