Càng vui hơn khi chúng tôi thấy quyết tâm dám nghĩ, dám làm của những cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Với chủ trương đúng đắn và sự sâu sát, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nên đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt, tập tục chăn nuôi vốn rất tự nhiên của đồng bào, đưa Kim Nọi trở thành điểm sáng “Dân vận khéo” của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi Sùng A Sàng nắm tình hình đời sống của nhân dân tại bản Dào Xa.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi, ông Sùng A Sàng nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải nhiều năm, vừa được điều động về xã từ giữa năm 2016. Trong gần 2 năm đảm trách nhiệm vụ mới, đồng chí Sùng A Sàng đã cùng đội ngũ cán bộ địa phương vận động, thuyết phục người dân ăn ở vệ sinh, nuôi nhốt gia súc, không kết hôn cận huyết thống và tảo hôn.

“Để thay đổi được tập tục và thói quen sinh hoạt của đồng bào Mông là điều cực kỳ vất vả”, Bí thư Sàng chia sẻ. Ông nhớ lại: Khi tôi mới lên nhận nhiệm vụ ở Kim Nọi, cả xã chỉ có 62 hộ có nhà vệ sinh, trong đó có 10 nhà vệ sinh không sử dụng được. Người dân chưa có ý thức dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở. Gần như không có gia đình nào quan tâm việc làm nhà tắm, nhà vệ sinh, do thói quen sinh hoạt. Tình trạng thả rông gia súc rất phổ biến.

Cái nghèo, cái thiếu của dân thì chẳng thể ngày một ngày hai mong thay đổi, nhưng nề nếp, thái độ phục vụ nhân dân và ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ giao là điều đầu tiên Bí thư Sàng quyết tâm chấn chỉnh. Ông lập lại kỷ cương nơi công sở, chế độ sinh hoạt Đảng, giờ giấc làm việc; thắt chặt kỷ luật để lập lại sự nghiêm minh trong thực hiện các quy định của địa phương và pháp luật của nhà nước. Ông luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, ai không làm được việc thì kiên quyết cho nghỉ. “Muốn làm được những việc thiết thực cho dân thì trước hết cán bộ phải thực sự nghiêm túc và trách nhiệm, phải làm việc thực chất, thậm chí còn phải biết hy sinh lợi ích của mình cho dân để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương ”, ông Sàng tâm sự.

Đến nay, hầu hết các gia đình đồng bào Mông ở Kim Nọi đã làm được công trình vệ sinh, nhà tắm phục vụ sinh hoạt.   

Là người Mông nên ông Sàng hiểu hơn ai hết phong tục tập quán, văn hóa và tâm lý của đồng bào. Nghị quyết của Đảng ủy xã được ban hành. Trong đó điểm nhấn là thực hiện các mô hình dân vận khéo: Mô hình “5 không 3 sạch” tại bản Dào Xa do Hội Phụ nữ đảm trách; vận động nhân dân vệ sinh môi trường, sạch nhà sạch bản gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) tại bản Kháo Giống, bản Háng Đang Dê do Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã thực hiện; Hội Cựu chiến binh và Mặt trận Tổ quốc xã thì triển khai mô hình vận động nhân dân không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn, không sinh con thứ 3 tại bản La Phu Khơ và bản Háng Chú.

Xã đã xây dựng 2 điển hình phát triển kinh tế hộ tiêu biểu là mô hình nuôi dê của ông Giàng Pàng Nù, bản Dào Xa và ông Chang A Sử, bản La Phư Khơ. Đây cũng là 5 nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm ngay, vì vậy Đảng ủy xã đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân ký cam kết thực hiện mô hình này; đồng thời phân công cá nhân từng đồng chí cấp ủy trực tiếp chỉ đạo bản phụ trách, hằng tuần đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các phần việc.

Vẫn còn hộ gia đình chưa thực hiện tốt việc dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở.

Bí thư Sùng A Sàng bộc bạch: Việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ được xem là chuẩn mực, là thước đo đánh giá hiệu quả làm việc và năng lực của cán bộ nên các ban, ngành, đoàn thể và từng cán bộ đều phải cố gắng trong công việc. Quan điểm đã làm là phải đồng bộ, không thể bản này làm, bản kia không làm, dân nhìn nhau bì tị, vận động thuyết phục khó thành công”.  

Có quyết tâm, có giải pháp, có cách làm cụ thể, cán bộ xã kiên trì đi từng nhà vận động, giải thích, thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân đồng lòng thực hiện thắng lợi chủ trương của địa phương. Nhiều cách làm linh hoạt đã được vận dụng để vận động nhân dân, chẳng hạn như xã đã ứng trước tiền mua thiết bị vệ sinh cho gần 50 hộ có điều kiện khó khăn. Phó bí thư Đảng ủy xã Cứ A Lừ tâm sự: Hiểu tâm lý đồng bào mình như người thân trong gia đình rồi nhưng có những hộ, cán bộ xã phải đi mòn dép mới vận động được dân làm. Đôi khi muốn làm được việc lớn, muốn làm cho dân hiểu thì cán bộ mình cũng phải biết hy sinh lợi ích bản thân. Cái được là rất lớn, đó là được phong trào. Giờ cả xã hầu như nhà nào cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm. Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn, làm thay đổi về tập quán quán sinh hoạt của đồng bào ở Kim Nọi”.

Đến nay, xã Kim Nọi đã có 309/339 hộ, chiếm 91,1% tổng số hộ dân đã làm được nhà vệ sinh. Trong đó, bản La Phư Khơ có 90/95 hộ, chiếm 94,7%; bản Háng Chú có 36/37 hộ, chiếm 97,3%; bản Háng Đăng Dê có 33/39 hộ, chiếm 84,6; bản Tà Chơ có 57/62 hộ, chiếm 91,9 %... Đây quả là chuyện vui, chuyện chưa từng có đối với đồng bào người Mông ở huyện vùng cao vẫn còn đói nghèo và lạc hậu như Mù Cang Chải.

Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở bản Dào Xa, Bí thư Sùng A Sàng kể: Trước kia đến khu này không có chỗ mà đặt chân, bởi chỗ nào cũng là phân gia súc, thậm chí là cả phân người, nhưng giờ thì khác hoàn toàn rồi. Nhà nào ở khu này cũng có nhà vệ sinh, nhà tắm gần nhà. Gia súc được làm chuồng trại nuôi nhốt, có hố để xử lý phân và rác thải, sạch sẽ chẳng kém gì các khu dân cư nông thôn ở vùng thấp.

Chị Hảng Thị Mảy, bản Dào Xa cho biết: 2 năm nay, xã vận động mọi nhà cùng thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường nên bản nào cũng sạch sẽ, nhà nào cũng tự giác giữ gìn vệ sinh nhà mình. Nếu để gia súc thả rông, dân bản phát hiện báo cho trưởng bản biết là hộ đó còn bị phạt tiền 150.000 đồng/1 lần để gia súc thả rông. Tiền phạt xã không thu mà giao lại cho bí thư chi bộ dùng vào việc của bản. Dân được được phổ biến thế nên không có nhà nào để gia súc thả rông, các hộ thực hiện nuôi nhốt hoàn toàn.

Vận động, tuyền truyền có khi là mềm mỏng, nhưng cũng có lúc phải cương quyết. Riêng đối với 6 hộ nhất quyết không thực hiện làm nhà vệ sinh, nhiều lần trực tiếp Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy xã xuống vận động thuyết, phục không thành, xã cho mời lên trụ sở để làm việc. Lấy cái tình cái lý của người Mông mà giảng giải, lấy cái gương mẫu chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước của các hộ dân trong xã mà thuyết phục, cuối cùng thì các hộ này đã đổi ý thuận theo nếp sống mới, phong trào chung của địa phương. Đó là thành công lớn của Kim Nọi, Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Sàng cho biết thêm.

Các mô hình dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Kim Nọi đều hướng tới một mục tiêu thực chất, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ và sự đồng lòng, tích cực hưởng ứng tham gia của đồng bào, chúng ta hy vọng rằng, Kim Nọi sẽ sớm trở thành xã nông thôn mới của huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Bài, ảnh: PHẠM HÀ