Đam mê với nghề sửa chữa

Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tân sinh năm 1981, tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Năm 2000, học hết THPT, Tân tình nguyện nhập ngũ tại Trung tâm Huấn luyện (Bộ Tham mưu- Tổng cục Hậu cần). Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Tân được giữ lại để huấn luyện đào tạo tiểu đội trưởng. Tuy nhiên, do đam mê nghiên cứu về máy móc, cơ khí, sửa chữa nên năm 2001, anh xin chỉ huy tự ôn thi và đỗ vào Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung, ngành Sửa chữa ô tô. Năm 2003, Tân ra trường và được điều về công tác tại Tiểu đoàn 679, đơn vị "chủ lực" của Lữ đoàn 971 (Cục Vận tải).

Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tân kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe đặc chủng Zil 133.

Khi mới về công tác, Tân gặp nhiều khó khăn do trong trường anh chỉ được học và thực hành trên các loại xe đời cũ. Trong khi đó, do là đơn vị vận tải chiến lược nên Tiểu đoàn 679 được biên chế nhiều chủng loại xe mới, hiện đại Tân chưa được học qua. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tân vừa làm vừa mày mò tự nghiên cứu và đọc thêm tài liệu, kết hợp với học hỏi từ chỉ huy, từ những người đi trước nhiều kinh nghiệm. Hầu như thời gian chính của anh là ở dưới nhà xe, khu kỹ thuật. Với sự cần cù, ham học hỏi, chỉ trong thời gian ngắn, Tân có thể sửa chữa được hết các "bệnh" cơ bản của các dòng xe từ cũ đến mới của đơn vị, kể cả những loại xe đặc chủng như xe Maz, Kamaz, Nơ-rôn...

Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, Tân nhận thấy, nhiều chủng loại xe khi nhập từ nước ngoài về thường không có vật tư, phụ tùng đi kèm nên khi hỏng hóc rất khó xử lý, nhất là với những sự cố phải thay thế phụ tùng. Để khắc phục tình trạng trên, Tân xin chỉ huy đơn vị tạo điều kiện đi học Khoa cơ khí chế tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên vào thời gian cuối tuần, kinh phí do anh tự chi trả, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, con nhỏ.

Sau 4 năm nỗ lực, cần mẫn học tập, Tân ra trường và đem những kiến thức học được áp dụng rất hiệu quả vào công tác kỹ thuật của đơn vị. Cũng từ đây, cái tên Tân "sáng chế" được mọi người gán cho anh khi thấy Tân liên tục làm ra các phụ tùng, thiết bị dựa trên vật liệu cũ, đã hỏng hóc để thay thế, giúp phương tiện hoạt động trở lại bình thường. Có những phụ tùng, sau khi đã làm xong, Tân phải lắp vào tháo ra để chỉnh sửa tới 5 lần mới thành công.

Những kỷ niệm khó quên

Quá trình công tác tại đơn vị, Tân đã từng gặp và xử trí rất nhiều sự cố, tình huống khác nhau. Song, kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên của Tân khi về đơn vị đó là lần xe xi-téc chở dầu khi đi qua đoạn Hải Dương thì bị lọt nước gioăng ống thông nên chết máy. Lúc đó khoảng 19 giờ, Tân được chỉ huy giao nhiệm vụ đến địa điểm trên để sửa chữa phương tiện. Dù đã cẩn thận mang theo khá nhiều đồ nghề, nhưng khi bắt đầu "bổ" máy để bắt bệnh và xử lý, Tân mới thấy thiếu thốn nhiều dụng cụ. Trong điều kiện ban ngày, tại khu kỹ thuật đơn vị, để xử lý hỏng hóc trên, cũng phải mất thời gian cả ngày. Vậy nhưng, với sự sáng tạo, say sưa của mình, Tân đã soi đèn làm cả đêm không nghỉ. Khi trời vừa sáng, cũng là lúc Tân khắc phục xong sự cố.

Một kỷ niệm khó quên khác là lần đội xe của đơn vị được giao nhiệm vụ chở khối nữ chiến sĩ quân y tập luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ A70 (năm 2015). Khi đoàn xe đang chạy thì có một chiếc bị lọt nước chết máy, nằm tại chỗ. Dù có thợ kỹ thuật đi cùng và mang theo vật tư dự phòng, song lúc thay thế mới phát hiện ra vật tư mang theo không vừa, khác chủng loại. Không còn cách nào khác, trong đêm tối, Tân phải nhanh chóng đo đạc, tính toán chi tiết các thông số kỹ thuật rồi dùng khoan để chế lại vật tư. Thức suốt đêm đo đạc, tính toán, chỉnh sửa, cuối cùng, đến gần sáng, Tân đã khắc phục xong sự cố, trước sự trầm trồ, thán phục của mọi người trong đoàn.

Ngoài các sáng chế kể trên, trong quá trình làm nhiệm vụ, Tân còn có nhiều sáng chế khác, áp dụng hiệu quả vào việc sửa chữa, thay thế vật tư, phụ tùng, nhất là đối với dòng xe Nơ-zôn, loại xe đặc chủng, không có vật tư thay thế bán ngoài thị trường. Điển hình như sáng chế mang vật tư đầu láp xe Nơ–zôn đang dùng bi đũa, chuyển sang dùng bi bạc để tiện cho việc thay thế. Hay sáng chế tiện, gia công, thu nhỏ lại lốc kê trong hệ thống phanh của xe Nơ-zôn để giúp dễ dàng thay thế, lắp lại. Hiện nay, toàn bộ hệ thống xe Nơ-zôn của đơn vị đã được thay thế bằng loại vật tư do Tân sáng chế ra. Hoặc sáng chế được chỉ huy đơn vị đánh giá cao, đó là chế ra hệ thống cao su bi treo trên xe Zil 133, là loại xe cẩu đặc chủng. Loại xe này đơn vị chỉ có duy nhất một chiếc, dùng để cẩu xếp, dỡ hàng hóa tại các ga, nếu bị hỏng không có phương tiện khác thay thế.

Khi hệ thống cao su bi treo (là giá đỡ trung gian cho trục chuyền) bị hỏng, bên ngoài không có bán để thay thế, mặc dù chưa từng nghiên cứu qua về thiết bị này, song khi được giao nhiệm vụ, Tân vẫn tự tin nhận. Anh đã đi đến các trung tâm sửa chữa lớn, chuyên về cao su, cần cẩu, trục chuyền để tìm hiểu các thiết bị có nguyên lý hoạt động tương ứng. Vô tình bắt gặp một cơ sở có thể cắt lốp cao su chế tác thành các thiết bị, Tân đã nảy ra sáng kiến mua phôi cao su đường kính lớn để chế thành thiết bị cao su bi treo. Sau khi tính toán kích thước, thông số kỹ thuật, anh đã mua phôi cao su rồi trực tiếp mang ra xưởng cùng thợ chế tạo. Hơn một ngày sau, sản phẩm chế tác đã hoàn thành trước sự vui mừng của chỉ huy và các đồng nghiệp.

Không chỉ tự mình chế tác ra các vật tư, thiết bị thay thế, Tân còn tích cực tham gia sửa chữa, hỗ trợ các đơn vị bạn trong lữ đoàn. Nhiều nhiệm vụ vận chuyển đặc biệt của Lữ đoàn, Tân đều được tin tưởng giao đi cùng đội hình xe để trực tiếp xử trí các sự cố. Ngoài ra, Tân còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp lữ đoàn. Điển hình như, anh đã tham gia cùng tổ thợ nghiên cứu, sản xuất thành công Mô hình hệ thống phanh khí nén xe Huyndai HD170, loại phương tiện Lữ đoàn 971 vừa được trang bị đồng bộ. Để hoàn thành mô hình này, Tân đã mất hơn một tháng tìm kiếm vật tư, sau đó tính toán thông số chế tác và cùng đồng đội lắp ráp, chỉnh sửa, hoàn thiện. Mô hình thành công đã giúp Lữ đoàn 971 nâng cao chất lượng huấn luyện cho đội ngũ lái xe và thợ kỹ thuật trong toàn đơn vị. Sản phẩm đã được Tổng cục Hậu cần trao giải Nhất và đạt giải Ba toàn quân trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện năm 2016.

Nhận xét về Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Tân, Thiếu tá Nguyễn Thái Bình, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 679, người nhiều lần trực tiếp chỉ huy đội hình vận chuyển có Tân tham gia tự hào cho biết: "Không chỉ thông minh, sáng tạo, ham học hỏi, Tân còn được mọi người quý mến vì tính tự giác, chủ động và tinh thần trách nhiệm rất cao. Bất cứ khi nào, chỉ huy giao nhiệm vụ, đồng chí đều sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc. Chính vì vậy, từ khi về công tác đến nay, Tân đã 7 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều lần được tặng Bằng khen của thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Giấy khen của thủ trưởng Cục Vận tải. Có anh ấy, đơn vị rất yên tâm, vì nhiều phương tiện, trang bị kỹ thuật hỏng hóc anh đều sửa chữa thành công".

Bài, ảnh: VĂN CHIỂN