Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, Nguyễn Thị Yến không được cùng chúng bạn học tiếp những năm cấp III, mà phải làm thêm để phụ giúp gia đình. Năm 18 tuổi, chị Yến xây dựng gia đình với anh Nguyễn Văn Luân. Vì chồng không có việc làm ổn định, nên chị phải bươn chải kiếm sống bằng buôn bán nhỏ để cùng chồng nuôi hai con ăn học. Mặc dù tất bật với công việc bán buôn ngoài chợ, nhưng chị vẫn kiên nhẫn chăm sóc chu đáo mẹ chồng 9 năm lâm bệnh.
 |
Chị Nguyễn Thị Yến tặng quà người dân xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La bị thiệt hại do bão lũ.
|
Năm 2010, mặc dù đứa con gái đầu mới 16 tuổi, đứa trai út mới 10 tuổi, lại phải chăm sóc mẹ chồng ốm đau, nhưng chị vẫn tham gia Hội Phụ nữ xã Sài Sơn. Sau 6 năm tham gia, chị được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Chị hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Năm Trại, xã Sài Sơn. Để không phụ lòng tin của bà con, chị hoạt động rất tích cực, xông xáo, linh hoạt, nhất là trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, chị tích cực giúp đỡ cháu Nguyễn Đình Huy, 10 tuổi, là người trong xã bị bệnh ung thư gan, gia đình cháu gặp hoàn cảnh quá khó khăn, bi đát: Mẹ cũng mắc bệnh ung thư, bố bị bệnh tâm thần. Để chia sẽ nỗi đau thương của gia đình, góp phần giúp cháu huy vượt qua khó khăn, ngoài việc chị hỗ trợ cho cháu Huy 1 triệu đồng, chị còn vận động chị em trong thôn quyên góp được 16.500.000 đồng giúp cháu Huy.
Năm 2017, chị Nguyễn Thị Hằng, 35 tuổi, ở thôn Đại Thành, xã Sài Sơn bị phát hiện bệnh ung thư vòm họng. Hoàn cảnh gia đình chị Hằng gặp khó khăn; chồng làm ruộng lại hay ốm, gia đình chị có 3 con, cháu lớn nhất mới 6 tuổi, cháu nhỏ nhất mới 16 tháng. Để chia sẽ khó khăn, động viên gia đình, chị Yến thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ 1 triệu đồng.
 |
Chị Nguyễn Thị Yến (thứ 4 từ trái sang) cùng cán bộ Bảo Việt Nhân thọ huyện Quốc Oai, Hà Nội trao 3 chiếc xe đạp tặng 3 cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
|
Cũng trong năm 2017, cơn bão số 6 gây thiệt hại lớn về người và tài sản của bà con ở một số xã thuộc tỉnh Sơn La. Với tinh thần “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chị đã họp chị em trong thôn, nói rõ sự thiệt hại của bà con ở một số xã của tỉnh Sơn La và kêu gọi mọi gia đình cùng “nhường cơm , sẻ áo” ; với tinh thần ai có gì ủng hộ nấy, ủng hộ với sự tự nguyện, bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, góp phần chia sẻ tổn thất, khó khăn của đồng bào vùng bị bão, lũ; động viên bà con khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Đáp lời kêu gọi của chị Yến, bà con trong thôn đã quyên góp gạo, mỳ tôm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, cuốc, xẻng…Đoàn đã chở 3 xe tải đầy hàng đến xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cùng với 300 suất quà , mỗi suất trị giá 400.000 đồng, kịp thời ủng hộ, giúp đỡ bà con vùng bị thiệt hại bão lũ. Không những làm tròn trách nhiệm của một Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn trong việc chăm sóc, nâng cao đời sống tinh thần cho chị em, hằng năm qua việc tổ chức cho chị em đi tham quan du lịch, đến các danh lam thắng cảnh của đất nước tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các chị em với nhau và nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của chị em đối với chi hội; chị Yến còn tham gia làm cộng tác viên dân số và gia đình của huyện, tích cực tuyên truyền, vận động chị em áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trong thôn ít xảy ra. Hằng năm, thôn Năm Trại, xã Sài Sơn đều được khen thưởng thực hiện tốt chương trình dân số- kế hoạch hóa gia đình. Để giúp chị em gắn bó với hội phụ nữ, chị Yến cùng tập thể đã tư vấn, hỗ trợ về thủ tục, giúp 59 gia đình chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng số vốn được vay trên 2 tỷ đồng.
 |
Chị Nguyễn Thị Yến thăm hỏi và hỗ trợ 1 triệu đồng tặng bệnh nhân Nguyễn Thị Hằng.
|
Cuối năm 2017, chị Nguyễn Thị Yến đã liên hệ với Bảo Việt Nhân thọ huyện Quốc Oai, Hà Nội để vận động và được cơ quan bảo hiểm giúp thực hiện ý nguyện của chị là trao tặng 3 chiếc xe đạp cho 3 cháu có hoàn cảnh gia đình nghèo khó khăn, nhưng vươn lên học giỏi. Đó là các cháu: Nguyễn Đình Huy học sinh lớp 6, Nguyễn Thị Thị Thơ học sinh lớp 7 và Nguyễn Thị Hòa học sinh lớp 9, Trường THCS Sài Sơn.
Ngoài việc tích cực hoạt động công tác xã hội, chị Nguyễn Thị Yến đã tranh thủ thời gian buổi tối học thêm văn hóa và ngành nghề. Nhờ đó, chị đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông tại trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện và hiện đang theo học năm cuối của Trường Trung cấp Kinh tế Phan Chu Trinh, Hà Nội. Chúng tôi hỏi: “Năm nay chị đã 43 tuổi rồi học làm gì nữa cho mệt? “. Chị cười và chia sẻ: “Văn hóa là “chìa khóa” mà, nhất là thời đại hiện nay, khoa học công nghệ- thông tin đang phát triển mạnh, đòi hỏi mỗi người phải học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết và nắm bắt khoa học, có như vậy mới tuyên truyền đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mới làm cho chị em hiểu, tin và thực hiện đúng”.
Thấy chồng chị việc làm không ổn định, mấy năm trước chị còn nuôi 2 đứa con ăn học, chúng tôi không khỏi băn khoăn, hỏi chị: “ Mấy năm trước, gia đình chị cũng còn khó khăn, sao chị vẫn sẵn lòng giúp đỡ các bệnh nhân nghèo? ”. Chị cười và nói: “Tuy gia đình tôi còn khó khăn, nhưng tôi không thể cam lòng thấy hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình bệnh nhân. Tôi biết, tuy món quà của gia đình tôi còn nhỏ, nhưng nó chứa cả tấm lòng, cả tình thương của của gia đình đối với bệnh nhân nghèo, đồng thời có ý nghĩa tích cực trong việc động viên người bệnh khắc phục khó khăn, chiến thắng bệnh tật. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác” .
Nhấp ngụm nước trà nóng, chị Yến nói tiếp: Hiện nay, cả nước ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo Bác. Theo tôi học Bác, làm theo Bác là phải từ những việc nhỏ hằng ngày...Chia tay chị, thấy kết quả những việc làm mang tính nhân văn sâu sắc của chị, trong lòng chúng tôi thấy thêm vui và ấm áp nghĩa tình.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH - NGUYỄN TUYÊN