1. Lần này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Huy Thắng ở nhà riêng. Ông bảo lần này về Việt Nam có một việc quan trọng. Tối 8-5 vừa qua, ông tới nhà người thân của liệt sĩ Trương Thanh Lâm ở Tân Mai (Hà Nội) để thắp hương cho đồng đội. Đó là ngày mà cách đây 46 năm ông Lâm hy sinh trong trận đánh đồn Vạn Tường (Quảng Ngãi) năm 1972.
Nói đến đây, giọng nói ông Thắng nghẹn lại. Là người từng trải qua bao trận đánh ác liệt như trận Gò Hồng, Vạn Tường, Dốc Phú năm 1972, vậy mà mỗi khi nhắc tới đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc, ông lại khóc. Ông kể: Hôm đó, ông Lâm được lệnh dẫn đơn vị vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu trước trận đánh đồn Vạn Tường. Không may, ông Lâm bị thương nặng và hy sinh trước giờ nổ súng. Trước lúc hy sinh, ông Lâm vẫn kịp dặn dò: “Lâm có cái đài tặng Mệnh (chính trị viên đại đội) để nghe. Còn chiếc áo lành thì để anh em mặc chung. Cái đồng hồ, Thắng dùng để đo mạch cho anh em. Nếu ai còn sống thì tìm vợ con tôi ở cây số 5, thị xã Yên Bái. Vợ là Lê Thị Điểm, con trai là Chung, con gái là Thủy”. Và ông Lâm hy sinh trong vòng tay của đồng đội vào đêm 8-5-1972.
Do trận đánh sắp bắt đầu nên được sự đồng ý của cấp trên, ông Thắng cùng hai chiến sĩ đã chôn cất ông Lâm ngay tại trận địa. "Chúng tôi lợi dụng một công sự của quân địch để đưa anh Lâm xuống an táng. Nhưng do công sự đó là một lỗ tròn, đất đá lại quá cứng và giờ tác chiến thì cận kề, nên chúng tôi buộc phải an táng anh Lâm trong tư thế ngồi ôm gối. Đó là nỗi ám ảnh theo tôi suốt đời", ông Thắng nghẹn ngào nói.
Đã bao năm qua, kể từ khi sang Đức (năm 1988), ông Thắng luôn nghĩ về các đồng đội đã hy sinh và được chính tay ông chôn cất. Ngoài liệt sĩ Trương Thanh Lâm còn có nữ y tá Nguyễn Thị Thùy-người lao ra trận tuyến để đưa thương binh về tuyến sau, bị trúng mảnh đạn pháo bay mất bên ngực trái và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó còn là liệt sĩ Trịnh Mệnh, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 107, hy sinh trong trận đánh Dốc Phú (Quảng Ngãi) tháng 8-1972...
Năm 2000, ông Thắng trở về Việt Nam. Việc đầu tiên là ông đi tìm phần mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh. Ông tìm về quê của liệt sĩ ở thôn Đông, xã Tiên Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng) với hy vọng sẽ tìm được phần mộ, nhưng thực tế mọi chuyện không như vậy. Theo ông Trịnh Lệnh (em trai của liệt sĩ Trịnh Mệnh), gia đình chỉ biết liệt sĩ được chôn cất ở Quảng Ngãi nhưng chưa có điều kiện để đưa liệt sĩ về quê nhà.
Vậy là ông Thắng cùng ông Lệnh hối hả vào Quảng Ngãi, lặn lội tìm gặp những người từng tham gia trận đánh Dốc Phú năm xưa để có thêm thông tin. Sau một tuần ở Quảng Ngãi mà không thu được kết quả, ông Thắng trở về Đức với tâm trạng bứt rứt không yên.
Một thời gian sau, ông Thắng được biết, khoảng năm 1978, chính quyền địa phương đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa, đi tìm và quy tập mộ liệt sĩ. Có thể mộ liệt sĩ Trịnh Mệnh đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Nhưng khi đến đây, ông lại thêm một lần thất vọng.
Không bỏ cuộc, ông vẫn kiên trì đi-về giữa Đức và Việt Nam, lúc đi một mình, lúc đi cùng vợ con, lúc lại cùng những người đồng đội năm xưa đến từng nhà người dân đã tham gia quy tập các ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên ở Quảng Ngãi. Những nỗ lực của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 2008, ông tìm được phần mộ liệt sĩ Trịnh Mệnh (ngôi mộ số 168) trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Hiệp.
Phần mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh đã được tìm thấy, nhưng hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của ông Thắng chưa kết thúc. Nỗi ám ảnh về sự hy sinh của liệt sĩ Trương Thanh Lâm vẫn thôi thúc ông trở về Việt Nam hằng năm. Nhớ lời dặn của liệt sĩ trước khi hy sinh, ông Thắng tìm về Yên Bái. Không biết bao lần đi từ Đức về Việt Nam, từ Hà Nội lên Yên Bái, nhưng ông Thắng lại tìm được gia đình của liệt sĩ Trương Thanh Lâm ở Tân Mai (Hà Nội) một cách rất tình cờ.
Niềm vui vừa tới song nỗi buồn cũng đi theo khi ông Thắng được gia đình cho biết “liệt sĩ Lâm chưa về nhà”. Vậy là ông lại cùng thân nhân liệt sĩ khăn gói vào Quảng Ngãi. Nhưng mảnh đất từng bị bom đạn Mỹ cày nát năm xưa giờ đây đã khác nhiều, gây khó khăn cho việc xác định đúng vị trí chôn cất liệt sĩ Lâm. Khó khăn không làm ông Thắng nản lòng, bởi “tìm mộ đồng đội như tìm lại một phần của cuộc đời”. Ngày nào còn điều kiện và sức khỏe, ông sẽ còn lên đường.
30 năm sống ở Đức, nhưng ông đã về Việt Nam hơn 30 lần, trong đó có 28 lần ông trở lại chiến trường xưa tìm mộ liệt sĩ.
 |
Ông Nguyễn Huy Thắng cùng các đồng đội thăm mộ phần liệt sĩ Trịnh Mệnh. Ảnh: Nguyễn Danh Nho. |
2. Chính nhờ hành trình đi tìm gia đình liệt sĩ Trương Thanh Lâm mà giờ đây mảnh đất Yên Bái đã gắn bó thân thiết với ông. Trong lần đưa một đối tác làm ăn ở Đức đến Việt Nam và thăm tỉnh Yên Bái, người này nói với ông Thắng rằng: “Yên Bái là vùng trồng chè rất tốt”. Lời động viên của nhà kinh doanh chè nổi tiếng nước Đức này trở thành động lực để ông Thắng quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chè tại Yên Bái.
Hiện nay, sản phẩm chè Shan Tuyết Nậm Búng do Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại và dịch vụ chè Vân Tiên của ông được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng đặt mua hết đến đó, vì thế không có hàng bán trong nước mà 100% dành để xuất khẩu đi các nước Trung Đông và châu Âu. Ông Thắng cho biết, hằng năm, công ty xuất khẩu hàng trăm tấn chè với mức tăng sản lượng bình quân của nhà máy từ 15 đến 20%, năm sau cao hơn năm trước... “Nhà máy ra đời đã giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho bà con ở Yên Bái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân”, ông Thắng cho biết thêm.
Đi lại “ngược xuôi” giữa Đức và Việt Nam, khi vì công việc kinh doanh, khi đi tìm mộ đồng đội, đôi khi người cựu chiến binh bị kiệt sức nhưng ông không quỵ ngã. Như những thước phim quay chậm, ông kể, ông sinh ra và lớn lên ở Ba Vì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Năm 17 tuổi, ông xung phong đi bộ đội và được điều vào chiến trường miền Nam, được phân về Đại đội 2, Tiểu đoàn 107. Do có trình độ văn hóa lớp 10 nên ông được cử làm chiến sĩ quân khí cho đơn vị, rồi làm liên lạc, y tá của đại đội. Trong những năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, ông bị thương vài lần. Sau chiến tranh, ông được xác định có tỷ lệ thương tật 61%, thương binh hạng 2/4. Rồi ông được cử đi học Trường Tuyên huấn Trung ương và trở thành trợ giảng Triết học ở Trường Nguyễn Văn Cừ tại tỉnh Quảng Ninh. Năm 1977, ông về làm việc tại Báo Quảng Ninh, đến năm 1983 chuyển về làm phóng viên Báo Hà Tây, trước khi sang Đức làm việc năm 1988.
Năm 2000, ông Thắng ốm nặng và phải nằm viện ở Đức suốt một năm trời. Lúc ấy, trải qua rất nhiều xét nghiệm, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời kỳ chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi.
3. Hôm mấy chú cháu gặp nhau, tôi được ông “giao nhiệm vụ” quay cảnh ông phỏng vấn hai nữ phóng viên Báo HàNộimới và ĐàiTiếng nói Việt Nam vừa có chuyến đi Trường Sa về. “Phỏng vấn những nhà báo trực tiếp đến Trường Sa để khán giả của Truyền hình Việt-Đức (VDTV) ở CHLB Đức theo dõi, biết thêm thông tin về biển, đảo quê hương, cũng như được thấy, được nghe những câu chuyện cảm động về hoạt động của đoàn kiều bào Đức trong hải trình thăm Trường Sa năm nay”, ông Thắng giải thích.
Với ông Nguyễn Huy Thắng, Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam. Trong hành trình đến với Trường Sa năm 2014, ông đã sáng tác bài hát “Hoàng Sa, Trường Sa ơi, chúng con đã về đây”. Bài hát này giờ đã phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam ở Đức, được hát trong các dịp lễ, tết, trong các cuộc vận động kêu gọi quyên góp vì biển đảo quê hương… Năm 2015, ông cùng ban tổ chức kêu gọi cộng đồng người Việt tại Đức quyên góp tiền và đóng một chiếc xuồng CQ gửi tặng bộ đội Trường Sa. Năm nay, đoàn kiều bào Đức cũng mang nhiều chiếc ô lớn tặng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Những chiếc ô sẽ thay những cây bàng, cây tra bị cơn bão Tembin tàn phá năm 2017 để che nắng, che mưa cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo.
Nhiệt tình với công việc của cộng đồng, giỏi trong làm ăn kinh doanh, nặng lòng với hoạt động tìm mộ liệt sĩ, song ông Nguyễn Huy Thắng lúc nào cũng tràn ngập sự lãng mạn. Ông thường làm thơ tặng những đồng đội đã hy sinh, tặng người vợ thảo hiền luôn ở bên ông những lúc khó khăn, bệnh tật… Ông còn là một nhà báo “đa di năng”, vừa làm tổng biên tập trang web, vừa là phóng viên, là nhà quay phim, chụp ảnh… “Trong ông luôn có chất lửa, hoa và thép. Lửa chính là sự nhiệt tình, lúc nào cũng sôi sục với công việc; hoa là tình yêu thương vợ con, đồng chí, đồng đội và cũng được nhiều người yêu mến; thép là ý chí để vượt qua nỗi đau đớn, bệnh tật, khó khăn vất vả để sống cho mình, cho gia đình, đồng đội và quê hương”, bà Đặng Thị Thu Hà-vợ ông Thắng-chia sẻ.
LINH OANH