Sáu thất bại, “cõng” nợ 300 triệu đồng

Được ví như “ngọn nến cong” luôn tỏa sáng, chàng trai Nguyễn Hữu Chuyền luôn là người truyền động lực cho những mảnh đời bất hạnh. Anh đã sáng lập ra Công ty cổ phần Nghị lực Việt chuyên về lĩnh vực sửa chữa máy tính và Trung tâm Nghị lực Việt với tâm huyết đào tạo nghề, kỹ năng sống cho những người cùng cảnh ngộ.

Anh Nguyễn Hữu Chuyền hướng dẫn học viên kỹ thuật sửa chữa máy tính tại Trung tâm Nghị lực Việt.

Nguyễn Hữu Chuyền gây ấn tượng với chúng tôi bởi đôi mắt sáng, thông minh và cách nói chuyện hóm hỉnh. Dù đôi chân bị bại liệt, nhưng đổi lại anh có sức sống mãnh liệt như cây xương rồng giữa sa mạc. Cơn sốt bại liệt năm một tuổi khiến anh bị tổn thương não, tủy sống và hai chân teo hoàn toàn. Bố mẹ anh bỏ việc đồng áng, vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho con suốt 17 năm ròng rã, nhưng không thành. Chính việc tin sẽ chữa khỏi bệnh cho con, khiến mẹ anh mắc bệnh trầm cảm.

Nguyễn Hữu Chuyền gọi hành trình từ quê xuống Thủ đô tìm cơ hội của mình bằng hai từ “bỏ nhà”. Bởi lẽ, bố mẹ anh không đồng ý để đứa con tật nguyền, đau ốm, không người thân thích bon chen nơi đất khách, quê người. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, anh khát khao khẳng định giá trị bản thân. Con đường khởi nghiệp của anh cũng đặc biệt bởi sự thất bại liên tiếp và tinh thần sẵn sàng đương đầu thử thách. Khi mới xuống Hà Nội, anh theo học lớp lập trình do một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người khuyết tật. Kết thúc khóa học, anh được một công ty nhận vào làm việc. Sau một thời gian, anh xin nghỉ việc vì phát hiện mình thực sự đam mê là sửa chữa máy tính. Rồi anh lăn lộn làm việc tại nhiều công ty sửa chữa máy tính, tiếp cận với những kỹ thuật viên tay nghề cao để thích ứng với sự biến đổi từng ngày của công nghệ.

Năm 2010, Nguyễn Hữu Chuyền mở cửa hàng sửa chữa máy tính tại đường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Vốn khởi nghiệp ban đầu của anh là 8 chỉ vàng vay mượn của anh em, bạn bè. Những ngày đầu khởi nghiệp của anh là cả trăm sự khó, bởi cửa hàng nằm trên khu đất trũng, thường xuyên bị ngập. Nhiều lần anh “lỗ nặng” do phải đền cả bộ máy tính cho khách hàng vì nước mưa làm hỏng. Bốn tháng sau, anh chuyển cửa hàng sang phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân với hy vọng làm ăn khấm khá hơn. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, anh lại phải đóng cửa cửa hàng. Không nản chí, Nguyễn Hữu Chuyền tiếp tục theo học để nâng cao tay nghề, nhất là sửa chữa laptop. Học xong, anh đầu quân vào một công ty chuyên sửa chữa laptop. Mặc dù là “lính mới”, nhưng anh được hưởng mức lương cao nhất bởi khả năng thiên phú trong lĩnh vực điện tử.

Một năm sau, anh lại mở cửa hàng thứ 3 tại phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai bà Trưng. Khi ấy, tổng dư nợ ngân hàng, bạn bè, người thân, thầy cô…của anh lên tới 60 triệu đồng. Đúng sáu tháng sau, cửa hàng lại đóng cửa do làm ăn thua lỗ và tổng dư nợ lên tới 80 triệu đồng. Không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục mở ba cửa hàng sửa chữa máy tính, nhưng rồi lần lượt cũng phải đóng cửa. “Tổng số nợ và lãi từ trước tới thời điểm đó lên tới 300 triệu đồng. Cõng số nợ chồng cao hơn người, mình bắt đầu đóng cửa hàng, thanh lý hết máy móc, linh kiện, giải tán nhân viên để… đi làm thuê trả nợ. Sau sáu lần thất bại, mình đúc rút được những bài học khởi nghiệp xương máu”-Nguyễn Hữu Chuyền chia sẻ.

Vực dậy tinh thần sống bằng yêu thương

Trời không phụ người có tâm, sau một thời gian bươn trải, làm thuê anh đã có đủ hơn 300 triệu đồng để trả nợ và xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết bằng chính uy tín, trách nhiệm của mình. Cuối năm 2014, anh thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ Nghị lực Việt bằng tất cả thành công, thất bại của tuổi trẻ. Một thời gian sau, anh thành lập thêm Trung tâm Nghị lực Việt. Cái tên Nghị lực Việt đã nói lên tất cả tâm huyết của anh. Thông qua sự kết hợp giữa công ty và trung tâm Nguyễn Hữu Chuyền tạo thêm động lực, khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi người khuyết tật, giúp họ làm chủ cuộc sống và khẳng định giá trị bản thân.

Tính đến nay, Trung tâm Nghị lực Việt đã đào tạo được 32 người khuyết tật thành thạo nghề sửa chữa máy tính và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Anh chính là người trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc cho học viên. Chính nhờ vậy, kết thúc khóa học, nhiều học viên xuất sắc được chủ doanh nghiệp nhận vào làm việc hoặc mở cửa hàng sửa chữa máy tính, như: Hồ Quang Hiển (Nghệ An), Đào Duy Cường (Thái Bình), Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội), Kiều Quang Quỳnh (Hà Nam)…

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Ngọc Thanh (quê Phú Thọ) cho biết, anh từng có một công việc ổn định, thu nhập tốt. Tuy nhiên, tai nạn giao thông khiến anh mất đi chân phải và cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Sau bốn tháng học nghề tại Trung tâm Nghị lực Việt, Thanh đã lạc quan và tin tưởng hơn vào bản thân. Ngọc Thanh tâm sự: “Anh Chuyền không chỉ truyền nghề mà còn truyền nghị lực sống cho em. Anh ấy giúp em hiểu ra rằng, ngay cả khi mình không đi lại được, chỉ cần còn đôi bàn tay và khối óc cộng với sự kiên trì ắt sẽ thành công”.

Trong trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Hữu Chuyền luôn dành sự kính trọng đối với người thầy của mình là anh Nguyễn Tiến Dũng. Theo Chuyền, chính sự yêu thương, quan tâm của thầy, mà anh quyết định nhân lên yêu thương thông qua việc thành lập Trung tâm Nghị lực Việt. “Những ngày đầu đặt chân tới Hà Nội, thầy Dũng là người trao cho mình cơ hội. Không chỉ dạy nghề sửa chữa máy tính, thầy còn là điểm tựa tinh thần, niềm tin khi mình thất bại. Dù khó khăn nhưng mỗi tuần thầy Dũng đều cho mình một thùng mỳ tôm, cho sim điện thoại gọi về nhà để bố mẹ yên tâm. Mỗi buổi trước khi học, thầy thường bắt đến sớm ăn cơm, rồi mới học. Chính câu nói “Thầy xem em như con đẻ của mình” đã thôi thúc Chuyền cố gắng, dám đương đầu với mọi thử thách”-Nguyễn Hữu Chuyền tâm sự.

Khi nói về người học trò của mình, anh Nguyễn Tiến Dũng không giấu được tình cảm: “Xuất phát từ tình thương tôi mới nghiêm khắc để Chuyền có sức khỏe. Khi sức khỏe tốt em mới có ý chí vượt qua khó khăn, tìm kiếm tri thức. Ngoài vấn đề kỹ thuật, Chuyền đặt sự trung thực, uy tín lên hàng đầu trong làm nghề. Nhìn thấy Chuyền có những thành công nhất định, tôi cảm thấy rất ấm áp. Nhưng điều mừng nhất là tâm trí của Chuyền luôn hướng tới người khuyết tật, vực dậy tinh thần sống nơi họ”.

Được biết, tấm lòng thơm thảo của Nguyễn Hữu Chuyền không chỉ gói gọn ở trung tâm mà còn lan tỏa đến nhiều nơi. Anh thường xuyên có những buổi chia sẻ kinh nghiệm với người khuyết tật ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương… và tích cực kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức giúp đỡ, trao tặng dụng cụ học tập cho trẻ khuyết tật.

Ông Vũ Anh Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội người mù tỉnh Hải Dương cho biết: “Các em học sinh khiếm thị rất cần sự hỗ trợ của máy tính để học tập, hòa nhập với cộng đồng. Ở Hội người mù tỉnh Hải Dương có 60 học sinh, nhưng chỉ có 5 chiếc máy tính, nên trước kỳ thi học kỳ chúng tôi phải chia các em học thành từ 3 đến 4 ca/ngày. Ngoài việc huy động hỗ trợ 10 bộ máy tính, Chuyền còn trực tiếp đến tận nơi mang những máy tính hỏng về sửa chữa, nâng cấp để các em có cơ hội học tập tốt hơn. Chính nghị lực sống và nhân cách cao đẹp của Chuyền đã nhân lên niềm tin, bản lĩnh vượt qua số phận cho những người cùng cảnh ngộ”.

Bài và ảnh: PHAN HUYỀN