Mục tiêu của Hội BSTN là “Đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn”, giúp người nghèo có điều kiện được chăm sóc y tế. Hoạt động của Hội BSTN được thực hiện thông qua sự đóng góp tài chính, vật chất và sức lực tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, Hội BSTN cũng chủ động nguồn tài chính nhằm đảm bảo chất lượng cho các hoạt động của mình thông qua nguồn thu từ quán cà phê Mơ Phố.
Quên cả việc nhà
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh là một trong những thành viên kíp mổ ghép đa tạng xuyên Việt được phối hợp thực hiện thành công giữa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Cách đây hai năm, anh cũng cùng đồng nghiệp thực hiện ca mổ tim “dã chiến” ngay trên cáng cấp cứu cho bệnh nhân bị vật nhọn đâm xuyên tim. Chuyên môn tốt và đam mê làm công tác xã hội nhưng Bác sĩ Ngô Tuấn Anh - Hội trưởng Hội BSTN là người không muốn nói nhiều về mình. Vì điều đó mà trong suốt những chương trình có dịp cùng đi với Hội BSTN, tôi chú ý khai thác thông tin qua những kênh gián tiếp, đôi lúc nhờ vào câu chuyện ngẫu nhiên.
 |
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại chương trình "Chung sức vì sức khỏe cộng đồng" số 26 tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tháng 8-2018. |
Sau giờ làm việc ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, anh lại về quán cà phê Mơ Phố - trụ sở của Hội BSTN - tại số 54, Ngách 82/15, Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội, nơi thực hiện hoạt động gây quỹ và các hoạt động xã hội khác của Hội BSTN. Vì thế, thời gian dành cho gia đình của anh không còn bao nhiêu. Để có đủ tâm trí và thời gian cho công tác chuyên môn và hoạt động xã hội, Hội trưởng Hội BSTN Ngô Tuấn Anh phải có một hậu phương vững chắc. Mọi việc ở nhà thường do một tay vợ anh, chị Hạnh, lo lắng. Có những ngày bận rộn, hai đứa con đi học muộn, chị Hạnh đón con xong lại đưa hai đứa tới Mơ Phố; khi về đến nhà thì đã nửa đêm. Có lần chị tâm sự: “Cũng vất vả em ạ, nhưng còn có ông, bà trợ giúp”.
Trong đêm lửa trại giao lưu tại Trường Tiểu học Lóng Phiêng, ngồi bên bếp lửa bập bùng, trong một phút trầm lắng ít thấy, tôi đã được nghe lời tâm sự của anh: “Hôm nay, cả anh và chị đều đi vắng. Bạn thân của anh vừa đón hai đứa về”. Lời tâm sự đó lúc nào cũng canh cánh trong tôi. Sự hy sinh là lớn, nhưng tôi tin rằng hai đứa nhỏ nhà anh sẽ sớm có một tấm lòng nhân ái bao la. Không rõ vì men rượu vùng cao hay vì lời tâm sự của anh, tôi thấy cay mắt! Tôi bật Facebook, post hình ảnh bếp lửa và dòng tâm trạng: “Hơi rượu còn nồng nàn!” mà chẳng biết nó có lên mạng được hay không (vì lúc đó không có mạng).
Sau này, khi có dịp qua lại nhiều lần cùng Mơ Phố, tiếp xúc với nhiều người ở Hội BSTN, tôi được biết nhiều hơn về những con người có tấm lòng nhân ái và việc làm ý nghĩa của họ. Họ là những người không làm cùng một cơ quan, từ nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng đã gặp nhau ở một điểm chung là Mơ Phố, góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào “vùng trũng y tế”. Để tập hợp được những con người đó, khả năng truyền cảm hứng là chưa đủ, người Hội trưởng phải biết xây dựng kế hoạch hoạt động, điều phối lực lượng, duy trì đoàn kết và kỷ luật trong Hội. Chỉ khi những hoạt động của Hội được thực hiện thông suốt mới tạo được tính chuyên nghiệp, đủ sức nuôi dưỡng lòng nhân ái và tinh thần tình nguyện của mọi người. Điều này đã được minh chứng ở 26 chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” cùng các hoạt động tích cực của Mơ Phố trong tư vấn sức khỏe cộng đồng, khuyến đọc, khuyến học.
Nơi gặp gỡ những bước chân tình nguyện
Quán cà phê Mơ Phố từ lâu là nơi các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên của Hội BSTN gặp gỡ, trao đổi và xây dựng chương trình hoạt động cũng như tổ chức gây quỹ cho Hội. Quán được thiết kế với không gian âm nhạc, không gian sách, không gian ẩm thực và trưng bày các sản phẩm thủ công. Mơ Phố không chỉ là quán cà phê đơn thuần mà còn là nơi diễn ra các hoạt động khuyến học, khuyến đọc như giao lưu, trao đổi sách, tô màu tượng cho các em nhỏ, các hoạt động tư vấn sức khỏe… Tối thứ Sáu hằng tuần, Mơ Phố tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc nhằm kết nối các hoạt động hỗ trợ công tác tình nguyện.
 |
Thực hiện các đêm nhạc tại quán cà phê Mơ Phố để gây quỹ cho chương trình "Chung sức vì sức khỏe cộng đồng" số 26. |
Qua đó, Hội BSTN đã tập hợp được nhiều bác sĩ, dược sĩ đang công tác ở những bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Bệnh Viện Saint Paul… và các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện… tham gia công tác khám bệnh nhân đạo. Bên cạnh đó, Hội BSTN cũng thu hút được sự tham gia của một lực lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên Đại học Y, Dược và nhiều người công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Vì thế, các chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội BSTN đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của các thành viên cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, vì một mục đích chung là đem cuộc sống vệ sinh, an toàn và ý nghĩa hơn đến với những địa phương còn khó khăn. Các chương trình của Hội còn giúp lan tỏa lòng tương thân tương ái trong cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”.
Từ năm 2015 đến nay, Hội BSTN đã tổ chức khám bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tặng hàng nghìn suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách với tổng số kinh phí gần 3 tỷ VNĐ. Một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh tim, còn được Hội BSTN, trực tiếp là Bác sĩ Hội trưởng Ngô Tuấn Anh, đứng ra bảo trợ, phẫu thuật và chữa trị. Hoạt động của Hội BSTN không chỉ giúp đỡ người dân mà còn góp phần giảm nhẹ gánh nặng và hỗ trợ chuyên môn y tế cho địa phương.
Phương châm hoạt động
Bác sĩ Ngô Tuấn Anh cho biết: “Khó khăn lớn nhất không phải là tài chính mà thứ nhất là phải làm sao để Hội có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp. Thứ hai là phải có đủ cơ sở pháp lý (được cấp phép hoạt động của sở y tế các địa phương nơi Hội tới hoạt động). Muốn vậy thì hoạt động của Hội phải được tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc. Tính chuyên nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không có tính chuyên nghiệp, sớm hay muộn tổ chức cũng sẽ bị tan rã”. Theo anh, nhiều hội nhóm cũng hoạt động thiện nguyện nhưng theo phương thức “chia sẻ tình thương” mà không có cơ sở pháp lý, không đặt tính chuyên nghiệp lên trên. Do đó, hoạt động của những hội nhóm này chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ, không có được phạm vi ảnh hưởng lớn và chưa có tác động tích cực.
 |
Tính chuyên nghiệp luôn được Hội BSTN đặt lên hàng đầu. |
Anh nhấn mạnh rằng sự đoàn kết giữa các thành viên là lý do để các chương trình của Hội BSTN luôn thành công, đạt kết quả tốt. Để có thể duy trì được sự đoàn kết đó thì tính kỷ luật là mấu chốt. Trong thời gian tới, Hội BSTN vẫn sẽ tiếp tục làm những chương trình đã và đang duy trì, bao gồm chương trình khám bệnh nhân đạo, phát thuốc không phí, tặng quà cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo, “Sách cho em”, “Giáo dục sức khỏe”. Ngoài ra, khi điều kiện cho phép, Hội BSTN sẽ phối hợp giúp các vùng sâu, vùng xa xây trường, làm đường. Anh cho rằng: “Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, bởi đường tốt sẽ giúp người dân tiếp cận y tế tốt hơn và khi có phòng học tốt thì học sinh sẽ chăm đi học hơn, giúp nâng cao dân trí và có ý thức tự chăm sóc sức khỏe”.
Trong suốt quá trình hoạt động hơn 3 năm qua, Hội BSTN đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa, tạo được phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Những thành quả này là công sức của cả tập thể hội viên và tình nguyện viên của Hội BSTN, trong đó vai trò vận động, tổ chức, truyền cảm hứng của người đứng đầu – Thiếu tá, Bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – là yếu tố quyết định. Tôi tin rằng “người truyền cảm hứng” Ngô Tuấn Anh sẽ cùng Hội BSTN tiếp tục góp phần nâng cao sức khỏe, nâng cao dân trí cho người dân những “vùng trũng y tế” mà lâu nay anh vẫn nặng lòng.
Bài, ảnh: HỮU DƯƠNG