Vậy là thêm một lần nữa tôi được tham gia hành trình khám bệnh, cấp thuốc không phí của Hội BSTN. Chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” số 26 tổ chức ngày 25 đến 26-8 mới đây tại xã Chiềng Sung, Mai Sơn, Sơn La đã thành công ngoài mong đợi. Điều duy nhất băn khoăn trước chương trình có lẽ là thời tiết. Trước đó, một vùng thấp đã ảnh hưởng tới toàn bộ các tỉnh khu vực Tây Bắc, gây sạt lở một số cung đường. Ngày 24-8, khi Hội BSTN tới thị trấn Hát Lót, trời đã lất phất mưa và cơn mưa như trút đêm đó đã khiến đường vào Chiềng Sung trở nên gập ghềnh, khó đi hơn. Nhưng thật may mắn là trong suốt quá trình khám bệnh, cấp thuốc và tổ chức các chương trình giao lưu sau đó, nắng đã lên rực rỡ. Lần đầu tiên Hội BSTN khám và cấp thuốc cho số lượng bệnh nhân lớn như vậy: Khám cho 2.878 lượt người và cấp 1.604 đơn thuốc, tương đương sức làm việc của một bệnh viện cỡ lớn. Thời tiết và hành trình tương đối thuận lợi của chương trình số 26 khiến tôi không khỏi nhớ tới những chuyến đi không ít khó khăn trước đó của Hội BSTN, trong đó có chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” số 18 tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, chương trình đầu tiên tôi tham gia.

Mưa lớn khiến đường vào Chiềng Sung trở nên lầy lội, khó đi.

Một chiều tháng 11 năm 2017, cái rét Hà Nội chưa bao giờ “ngọt” đến thế. Nhiệt độ đã xuống dưới 10oC. Nghe nói ở “trên đó”, nơi chỉ cách biên giới với nước bạn Lào quãng hơn chục cây số, nhiệt độ về đêm có thể xuống 4oC, tôi cho thêm một chiếc áo len vào ba lô, phòng khi dùng đến. Tập trung bên ngoài Trung tâm thương mại The Garden, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, chúng tôi lần lượt được xếp lên 3 chiếc xe 29 chỗ. Một chiếc xe tải 1,5 tấn vận chuyển thuốc và máy móc, thiết bị đã đi trước đó. Cuộc hành trình bắt đầu. Những con người phần nhiều còn xa lạ, chưa biết nhiều về nhau giờ đây cùng chung một mục đích: Mang thuốc, mang sách tới Lóng Phiêng.

Hội trưởng Hội BSTN Ngô Tuấn Anh tặng quà cho các học sinh Trường Trung học Chiềng Sung.

Trong phần lớn hành trình, xe di chuyển thuận lợi theo cung đường đã định. Sau này, khi tham gia thêm một vài chương trình nữa, tôi hiểu rằng để cho tất cả các chương trình được thông suốt, theo đúng kế hoạch thì trước đó Hội BSTN đã tiến hành đi tiền trạm, khảo sát hướng di chuyển, địa điểm tổ chức và làm việc với địa phương, cơ sở liên quan. Đó là chuyện sau này, còn tại thời điểm đó, tôi chỉ biết rằng không có gì thay đổi thì chúng tôi sẽ có mặt tại điểm trường chính của trường Tiểu học Lóng Phiêng A vào chiều muộn trong ngày. Thế nhưng khi chỉ còn cách điểm trường cỡ hơn chục cây số và con đường đang ngày càng nhỏ lại, nhiều dốc hơn, thì một sự cố không mong muốn xảy ra, khiến chúng tôi chỉ đến được điểm trường vào lúc gần 9 giờ tối.

Khi xe của Hội BSTN đang nối đuôi nhau thận trọng tiến vào điểm hẹn thì ở con dốc gập tay áo trước mặt xuất hiện một chiếc xe tải chở ngô đang xuống dốc. Đoàn xe Hội BSTN dừng lại, nhường đường cho chiếc xe tải, nhưng ngay khi vào khúc cua, thùng xe và đầu kéo như hai đầu chiếc vỏ đỗ, vặn xoắn lại. Toàn bộ số ngô trên xe tải đổ ập xuống. Con đường bị hàng tấn ngô lấp kín. Chỉ sớm hơn vài giây, xe chúng tôi sẽ hứng trọn những bao ngô kia. Nhưng cũng chỉ sớm hơn vài phút thôi, xe chúng tôi đã vượt qua đoạn đường này, nhưng giờ thì điều đó là không thể. Hội trưởng Hội BSTN Ngô Tuấn Anh quyết định nhanh: Tất cả thành viên trong đoàn rời xe, đi bộ qua điểm tai nạn; tài xế đưa xe về nghỉ ở địa điểm gần nhất, hai ngày sau vào đón đoàn.

Xe tải chở ngô bị lật ngang dốc trên đường vào Trường Tiểu học Lóng Phiêng A.

Đêm cuối tháng dần buông; trời tối đen như mực. Tất cả mọi người đeo ba lô, bật đèn điện thoại dò dẫm. Thi thoảng lại có một căn nhà bên đường rọi ra ánh sáng yếu ớt. Có lẽ ai cũng băn khoăn không hiểu điểm trường còn xa hay không. Bạn Ngô Thành Tuấn, một tình nguyện viên trong đoàn, bảo tôi: “Hôm trước em đi tiền trạm, thấy chỗ này quen lắm. Chắc sắp đến rồi”. Ừ, chắc sẽ nhanh thôi! Ở phía sau tiếng cười rôm rả. Nhưng chúng tôi càng đi lại càng thấy “quen lắm, nhưng không phải…” như lời Tuấn nói. Tiếng cười đã pha thêm tiếng thở. Nhà nối tiếp nhà, bóng đêm nối tiếp bóng đêm. Người thì đã nóng rực lên bất chấp cái lạnh miền núi. Hội trưởng Ngô Tuấn Anh thi thoảng lại lia đèn pin lên phía trước, về phía sau để kiểm tra và gọi loa nhắc nhở các nhóm bám sát nhau để không lạc đường. Sự cẩn trọng của anh là cần thiết, bởi chúng tôi đang đi tiến vào khu vực biên giới, nơi nạn buôn người và vận chuyện ma túy đang hoành hành. Tôi chỉ e những bước chân con gái chưa quen đường trường; những bước chân con trai chưa bao giờ đi bộ xa đến thế sẽ khó có thể đi xa thêm nữa. Nhưng không phải vậy! Cả đoàn không ai dừng bước! Họ vừa đi vừa hát cho đến khi Đồn Biên phòng 465 (Chiềng Tương) đưa xe ra đón. Khi chúng tôi đến điểm trường chính của trường Tiểu học Lóng Phiêng thì đã gần 9 giờ tối. Khi đó chẳng ai biết rằng 2 ngày sau, chúng tôi sẽ lại tiếp tục hành quân bộ trên cung đường ấy, vẫn dưới cái lạnh 4oC, chỉ khác là có thêm cơn mưa, để tới nơi chiếc xe ngô vẫn nằm chắn ngang đường.

Các tình nguyện viên đợi xe bốc dỡ hàng tại điểm trường chính Trường Tiểu học Lóng Phiêng.
Tình nguyện viên hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Lóng Phiêng rửa tay đúng cách.

Lần đầu tiên cùng Hội BSTN đến một trong những “vùng trũng y tế” khám bệnh, cấp thuốc không phí, thực hiện chương trình “Giáo dục sức khỏe” và “Sách cho em” của tôi đã diễn ra như thế. Lóng Phiêng những ngày tháng 11 rất lạnh; đường vào cũng nhiều khó khăn, nhưng tất cả đều không ngăn được những bước chân tình nguyện. Hoạt động khám bệnh, cấp thuốc, giao lưu và tặng quà đồn Biên Phòng 465 vẫn diễn ra đúng kế hoạch. Đã có 900 đơn thuốc được phát ra và 1.542 lượt người dân địa phương được khám và tư vấn các chuyên khoa. Những hoạt động của chương trình đã diễn ra một cách khẩn trương, nhịp nhàng nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và rất nhiều cảm xúc. Tất cả đều mới mẻ nhưng đã khiến tôi thay đổi cách nhìn về ý nghĩa cuộc sống.

Những chuyến đi nhiều ý nghĩa như vậy thực ra đã được tổ chức thường xuyên từ năm 2015 với sự ra đời của Hội BSTN, thu hút được sự tham gia của hàng trăm y, bác sĩ, điều dưỡng, và tình nguyện viên. Chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội BSTN đã vượt qua nhiều khó khăn, góp phần chia sẻ gánh nặng với chính quyền và người dân ở những “vùng trũng y tế”. Điều đó có được là nhờ sự đóng góp, nỗ lực của tất cả mọi thành viên trong Hội, nhưng vai trò quyết định là ở “người truyền cảm hứng”, có khả năng kết nối, tập hợp mọi người, khơi gợi tinh thần tình nguyện và sức trẻ trong mỗi hội viên. Người đó là Thiếu tá Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Hội trưởng Hội BSTN.

Bài 2: Người truyền cảm hứng tình nguyện

HỮU DƯƠNG