Tấm lòng sưởi ấm những thân phận cơ hàn
Xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào tháng 10-2017. Tuy nhiều tháng đã qua, mặc dù đã có sự vào cuộc, chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương, nhưng cuộc sống của nhân dân xã Yên Hòa vẫn còn muôn vàn khó khăn. Nhiều đoạn đường nứt toác vì sạt lở, những ngôi nhà xiêu vẹo, sửa sang tạm bợ cùng ánh mắt đượm buồn của người dân địa phương.
Hơn 3 tấn gạo, 50 tải quần áo và 300 suất quà... là tấm lòng của các thành viên ban liên lạc mang đến tặng các hộ gia đình gặp khó khăn. Sự xúc động trào dâng qua nụ cười, giọt nước mắt, qua từng cái bắt tay thật chặt, thật ấm tình người. Đồng chí Lương Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: "Trận mưa lũ tháng 10-2017 đã cuốn trôi 1 người dân, làm hư hỏng 4km đường cùng hàng chục ngôi nhà và tài sản, vật dụng sinh hoạt, gia súc, gia cầm; vùi lấp, làm thiệt hại hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu của người dân. Mưa lũ gây kiệt quệ xã nghèo, làm xáo trộn, gây khó khăn lớn đối với đời sống dân sinh".
Biết thông tin trên, bà Mão đã xây dựng kế hoạch và vận động thành viên ban liên lạc để tổ chức hành trình hỗ trợ nhân dân xã Yên Hòa. Cựu chiến binh (CCB) Lê Văn An, năm nay 76 tuổi, thành viên ban liên lạc tâm tình: "Để có được chuyến đi này, công sức của chị Mão là rất lớn. Chị cùng gia đình tài trợ toàn bộ chi phí đi lại và hơn 50% chi phí tiền quà. Từ trước tới nay, lòng hảo tâm của chị đã đóng góp phần lớn để ban liên lạc tổ chức được các chuyến đi nghĩa tình vì đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa".
 |
Bà Nguyễn Thị Mão và các thành viên Ban liên lạc nghĩa tình đồng đội Quân khu Trị Thiên tặng quà các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ ở xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: HÀ VIỆT |
"Đi xa thế này bà có mệt lắm không ạ?"- tôi hỏi. Nở nụ cười tươi, bà Mão nói: “Chuyến đi này đã thấm vào đâu? Năm vừa rồi, chúng tôi tặng áo ấm các học sinh ở điểm Khe Kim, Làng Cò, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hay ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An... Đường dốc, quanh co, có đoạn các thành viên trong đoàn phải hò nhau xuống đẩy xe lên dốc, hoặc phải đi bộ nhiều cây số. Vậy mà không hiểu vì sao, cứ nghĩ đến những đôi mắt trẻ thơ đen nhánh, vui mừng được nhận quần áo ấm là tôi và các thành viên như quên hết mệt nhọc, vượt đèo, dốc, suối sâu để trao quà tận tay các em”.
Chúng tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc tràn ngập qua nụ cười và sự thân mật, ân cần khi bà Mão trao quà tặng những gia đình gặp khó khăn sau bão lũ. Bà Mão sinh năm 1947, hiện đang sinh sống tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tuổi cao, nhiều người thường chọn thú điền viên với con cháu, nhưng bà Mão lại lấy việc thiện nguyện là lẽ sống.
Sát cánh cùng chồng làm việc nghĩa
Sau lần đi tặng quà tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi tìm đến gia đình bà. Khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, bà sống trong căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp. Sẵn sàng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng vì việc nghĩa mỗi năm, nhưng bà vẫn chưa xây dựng cho mình một cơ ngơi khang trang. Bởi theo bà: Nhà cao cửa rộng thấy không quan trọng mà điều quan trọng là căn nhà ấy có ấm cúng, hạnh phúc hay không?
Ngày trước, cuộc sống của gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 1976, bà theo chồng là Đỗ Tuấn Đạt (bộ đội lái xe) vào Nam và làm việc ở Phòng Tài vụ, Xí nghiệp Xây dựng kinh tế mới Lâm Đồng-Hà Nội (ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Năm 2004, bà cùng gia đình chuyển về phường Thanh Xuân Trung sinh sống. Khi kinh tế gia đình cơ bản ổn định và các con đã yên bề gia thất, bà Mão dành thời gian làm việc thiện nhiều hơn.
Bà tâm sự: “Chồng tôi là ủy viên Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên. Cuối những năm 1990, sau khi nghỉ hưu, ông tìm đến nhà các đồng đội cũ. Sau hành trình, tôi thấy ông ấy có chuyện gì băn khoăn, day dứt. Hỏi mãi ông mới trải lòng: Gia đình nhiều đồng đội vẫn chưa tìm được hài cốt thân nhân là liệt sĩ để đưa về quê hương. Hiện tại, các gia đình cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Ông kể cho tôi nghe về những đồng đội hy sinh mà chính tay ông chôn cất. Ông ngỏ ý tâm nguyện, muốn hỗ trợ các gia đình để đưa đồng đội về quê hương. Tôi động viên và gom góp tiền để ông thực hiện chuyến đi. Cùng tham gia lễ an táng các liệt sĩ tại quê hương, thấy niềm hạnh phúc của gia đình và người thân các liệt sĩ, tôi cảm nhận ông đã làm được điều mong muốn trong cuộc sống”.
Từ đây, bà Mão là hậu phương vững chắc cho những chuyến hành trình của chồng thực hiện hỗ trợ gia đình và thân nhân tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Khi ông Đạt tự lái xe cá nhân đến nhiều địa bàn trong cả nước để cất bốc hài cốt, đưa đồng đội trở về quê thì bà ở nhà chu toàn công tác hậu cần, lo chỗ ăn, chỗ ở khi đoàn về và sắm sửa, chuẩn bị chu đáo cho Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên tổ chức lễ an táng hài cốt liệt sĩ. Nhờ vậy, lễ an táng nào cũng rất trang trọng, làm ấm lòng gia đình, người thân và anh linh các liệt sĩ. Thuận vợ, thuận chồng, nhiều liệt sĩ sau nhiều năm xa cách đã được trở về với quê hương, trong đó có sự giúp đỡ nhiệt thành của gia đình bà Mão. Ông Đạt vui vẻ cho biết: "Giữa tháng 3 vừa rồi, gia đình tôi đã đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Khuyên từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh về thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Gia đình liệt sĩ rất nghèo và toàn bộ chi phí chuyến đi đều được gia đình tôi ủng hộ".
Tấm lòng của bà được các thành viên Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên rất trân trọng. CCB, Đại tá Tô Xuân Đạo, Trưởng ban liên lạc Quân khu Trị Thiên khu vực Bắc sông Hồng cho biết: "Trước kia, mục đích của ban liên lạc là giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đưa các anh về quê hương và giúp đỡ, động viên các hội viên gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Khi tham gia ban liên lạc, cô Mão nhận thấy các CCB rất có tâm thiện nguyện vì đồng đội, vì người dân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng hoạt động còn mang tính cá nhân, đơn lẻ. Cô đã trao đổi tâm nguyện với chúng tôi là muốn thực hiện vận động, gắn kết, đưa các hoạt động thiện nguyện vào nền nếp, tạo sức lan tỏa và tăng giá trị cả về vật chất hỗ trợ cũng như động viên về tinh thần làm việc thiện trong các hội viên.
Tâm nguyện của bà Mão được các thành viên ban liên lạc ủng hộ. Nhờ vậy, ban liên lạc có thêm mục tiêu mới: Chung tay, góp sức, đồng lòng tổ chức các hành trình thiện nguyện, góp phần sưởi ấm các gia đình chính sách, đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những nơi gặp hỏa hoạn, thiên tai, những mảnh đời cơ nhỡ... Từ đó, những chuyến xe nghĩa tình quy tụ những tấm lòng vàng thường xuyên lăn bánh về mọi miền Tổ quốc...
VIỆT HÀ