QĐND Online – Trường Đại học Chính trị được cán bộ, chiến sĩ toàn quân yêu mến đặt cho danh xưng “trường Đảng trong quân đội”. Đây là cái nôi đào tạo cán bộ theo “mục tiêu kép”, học viên tốt nghiệp đảm nhiệm chức danh ban đầu là cán bộ chính trị cấp phân đội đồng thời có đủ năng lực, uy tín để được bầu làm bí thư chi bộ. Trong những năm gần đây, nhà trường tiếp tục triển khai nhiều chủ trương, biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2015), Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ, Chính ủy Trường Đại học Chính trị đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử cuộc trò chuyện xoay quanh nội dung này…
 |
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, được biết, trong những năm gần đây, đối tượng đào tạo của Đại học Chính trị từng bước được mở rộng, đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Nhằm xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong những năm qua, đối tượng đào tạo của Đại học Chính trị từng bước được mở rộng. Hiện, nhà trường đang có 9 chuyên ngành đào tạo, đó là: Đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội; giáo viên khoa học xã hội nhân văn quân sự; hoàn thiện đại học; chuyển loại cán bộ chính trị; đào tạo văn bằng 2; đào tạo giáo viên quốc phòng-an ninh cho các trường dân sự; đào tạo học viên công an hệ đại học và cao đẳng; đào tạo sau đại học; đào tạo cán bộ chính trị cho quân đội nước bạn.
PV: So với các trường đào tạo sĩ quan khác, mục tiêu đào tạo của nhà trường đặt ra yêu cầu cao hơn về chính trị, đồng chí có thể phân tích rõ hơn mô hình, mục tiêu đào tạo của nhà trường?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Một trong các mục tiêu của nhà trường, đồng thời là mục tiêu cơ bản nhất là đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân. Như các đồng chí đã biết, thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, người cán bộ chính trị vừa là người chủ trì về CTĐ, CTCT, vừa chủ trì về chính trị. Nội hàm chủ trì về chính trị rộng lớn hơn, bao quát hơn, đòi hỏi người chính trị viên phải có đủ năng lực, uy tín, sự gương mẫu để được bầu và hoàn thành tốt trách nhiệm bí thư cấp ủy. Do vậy, người học không chỉ tốt nghiệp về kiến thức của bậc đại học, mà còn phải trở thành đảng viên. Chúng tôi gọi đó là “tốt nghiệp kép”. Để có thể hoàn thành trọng trách cán bộ chủ trì CTĐ, CTCT cấp phân đội, học viên phải có kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có kiến thức toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; có năng lực lãnh đạo, chỉ huy, năng lực tiến hành CTĐ, CTCT và giảng dạy theo chức trách, nhiệm vụ được phân công.
PV: Mục tiêu đào tạo được nhà trường được đặt ra đã rất rõ ràng. Việc gắn đào tạo với thực tiễn, nhà trường với đơn vị được thực hiện ra sao, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Chúng tôi thường xuyên tiến hành khảo sát chất lượng cán bộ chính trị do nhà trường đào tạo tại một số quân khu, quân đoàn. Kết quả khảo sát cho thấy, về cơ bản đội ngũ cán bộ chính trị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi. Điểm nổi bật của anh em là bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp, tác phong công tác tốt. Phần lớn cán bộ sau khi về đơn vị một thời gian ngắn đã khẳng định được mình, hòa nhập tốt với đơn vị, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáng chú ý trong số đó có những đồng chí sớm phát triển lên vị trí cao hơn.
Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn đánh giá là còn có những tồn tại nhất định ở đội ngũ cán bộ chính trị mới ra trường, như kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Ngoài ra, để có thể thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người chủ trì về CTĐ, CTCT, đòi hỏi cán bộ chính trị phải có kiến thức toàn diện. Ví dụ: Chức danh ban đầu đảm nhiệm là chính trị viên phó đại đội, đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ quân sự tương đối vững; hay phải có thể lực tốt để bám sát được bộ đội trong huấn luyện, diễn tập. Khi trở thành người chủ trì về chính trị thì yêu cầu còn cao hơn nữa, vì lúc đó anh là cán bộ lãnh đạo, vừa đòi hỏi trình độ bao quát, vừa đòi hỏi kỹ năng cụ thể. Đơn cử những việc chi tiết, như cán bộ phải bắn súng tốt, am hiểu quy trình, quy tắc cơ bản trong huấn luyện bắn súng thì mới có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện bắn súng được…Tuy nhiên, không phải tất cả cán bộ chính trị mới ra trường đều có thể làm tốt những nội dung này ngay lập tức.
 |
Bất kể ngày thường hay Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp đến, học viên Đại học Chính trị vẫn tích cực huấn luyện ngoại khóa nâng cao thể lực. |
PV: Từ thực tế trên, nhà trường có những điều chỉnh như thế nào về nội dung, chương trình đào tạo để học viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngay sau khi ra trường?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Trước khi trả lời câu hỏi này, xin nói thêm là việc điều chỉnh, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường không chỉ dựa vào khảo sát, đánh giá chất lượng cán bộ chính trị tại các đơn vị, mà chúng tôi còn dựa trên nhiều “kênh” khác, như lắng nghe, phân tích, đánh giá phản hồi từ phía người học; lấy ý kiến từ khối giáo viên, để xem chương trình, nội dung đào tạo đã khoa học, phù hợp hay chưa? Đặc biệt, hằng năm nhà trường đều có cán bộ, học viên đi thực tế ở các đơn vị trong toàn quân trên các cương vị khác nhau. Sau khi các đối tượng này trở về, nhà trường đều tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến để điều chỉnh chương trình đảm bảo cho chương trình đào tạo của nhà trường ngày càng sát hơn với thực tiễn đơn vị.
Trong đổi mới công tác giáo dục-đào tạo, nhà trường đã tăng tính thực tiễn trong các bài giảng và trong từng hoạt động, đảm bảo hướng sát đến điều kiện đơn vị cơ sở, mà trọng tâm là điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo theo hướng tăng thời gian thực hành, thực tập cho học viên. Ví dụ, để học viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn, từ năm 2014, nhà trường đã bố trí thêm một đợt thực tập trung đội trưởng cho học viên tại các đơn vị cơ sở. Hay như việc tổ chức mỗi tiểu đội học viên cuối khóa thành một chi bộ, để học viên đảm nhiệm chức danh bí thư, phó bí thư chi bộ cũng chính là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nhà trường cũng tăng cường chỉ đạo tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng tay nghề cho học viên như tổ chức hội thi, hội thao, giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hoạt động câu lạc bộ. Chúng tôi cũng chủ động đưa học viên tham gia và tổ chức các hoạt động thực tiễn tại nhà trường như hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân vận, kết nghĩa…
 |
Cán bộ Tiểu đoàn 6, Đại học Chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT cho học viên. |
PV: Đại học Chính trị được coi là cái nôi đào tạo ra những cán bộ chính trị mẫu mực về lý tưởng, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác. Vậy quá trình đào tạo được nhà trường tiến hành như thế nào để học viên hội tụ đủ những phẩm chất ấy?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đủ: Bác Hồ đã dạy: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như người chị, công bình như người anh và hiểu biết như người bạn”. Lời dạy của Bác là hình mẫu lý tưởng về người cán bộ chính trị trong quân đội, đồng thời cũng là mục tiêu mà mỗi học viên nhà trường luôn ghi nhớ, phấn đấu, hoàn thiện. Những người thực hiện tốt lời dạy của Bác chính là người cán bộ chính trị tiêu biểu, được đồng đội và đơn vị trân trọng, tôn vinh, học tập và làm theo.
Theo mục tiêu đó, nhà trường luôn xác định, giáo dục lý tưởng, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác là nội dung quan trọng, mang tính then chốt trong việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách học viên theo mục tiêu đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Đây là nhiệm vụ được các tổ chức, các lực lượng, các cấp của nhà trường quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp.
Chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, thế giới quan và phương pháp luận Mác-Lênin cho học viên, để học viên nhận thức sâu sắc rằng, lý tưởng, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác là những yếu tố quyết định đến nhân cách cũng như khả năng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ chính trị, bởi nó làm nên sức lôi cuốn, thuyết phục của người cán bộ chính trị, nó cũng định hướng hành động cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Việc giáo dục hướng đến mục tiêu là học viên tự thấy việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác trở thành nhu cầu và đi vào ý thức tự giác. Nhà trường cũng coi đây là những tiêu chí để đánh giá, phân loại học viên.
Cùng với đặt ra yêu cầu đối với học viên, chúng tôi cũng luôn đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trước học viên; đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến và phát huy vai trò tự giáo dục và rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự nói chung, môi trường sư phạm lành mạnh nói riêng để tạo ra môi trường giáo dục học viên ngày càng hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HỒNG HẢI - HOÀNG HÀ (thực hiện)