Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị thế và lực để quân và dân cả nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của tác chiến trong đô thị hồi đầu TQKC đã để lại một số kinh nghiệm quý báu đối với xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) và khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết là bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành xây dựng KVPT vững mạnh. Đây là vấn đề cơ bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của KVPT tỉnh, thành phố. Để lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến của cả nước, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống tổ chức cơ sở đảng, nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Theo đó, các tổ chức đảng đã cử đảng viên tham gia các tổ chức chính quyền, các hội. Đặc biệt, tháng 1-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập, với nhiệm vụ giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo quân đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Ban Chấp hành Trung ương phân công giữ chức Bí thư Quân ủy. Ngày 19-10-1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng họp, ra Nghị quyết về vấn đề thống nhất cơ quan chỉ huy của LLVT, định rõ trách nhiệm của Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng; khẳng định LLVT đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Cùng với đó, hệ thống tổ chức đảng trong quân đội ngày càng kiện toàn từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ ở các đại đội, bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu cho cuộc kháng chiến.
Từ kinh nghiệm TQKC, để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, trước hết đòi hỏi Đảng phải tiếp tục kiên trì lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam; kiên trì mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa; không ngừng xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt; lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Đảng kịp thời đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi quan điểm, chủ trương, chính sách về xây dựng KVPT, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX và khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng KVPT...
Hai là, nâng cao hiệu lực quản lý, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, của các cơ quan, ban, ngành, của chính quyền xây dựng KVPT tỉnh, thành phố vững mạnh về mọi mặt. Thực hiện chỉ đạo của Tổng chỉ huy, các địa phương, đơn vị trong cả nước tích cực chuẩn bị cho TQKC, tiến hành xây dựng căn cứ địa, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng LLVT, chú trọng chất lượng, nhấn mạnh hơn nữa xây dựng LLVT về chính trị, chỉnh đốn cơ quan chỉ huy, xây dựng các ngành quân giới, quân nhu, quân y... Tất cả công tác trên đã gia tăng sức mạnh của quân đội, bảo đảm chỉ huy thống nhất từ trên xuống dưới. Sự thống nhất về mặt chỉ huy đã bảo đảm cho công tác xây dựng phương án tác chiến, đánh địch trong thành phố được các địa phương chuẩn bị theo đúng chỉ đạo của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, góp phần giành thắng lợi trong những ngày TQKC.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành tham mưu giúp Đảng, Nhà nước những chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng KVPT vững mạnh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng phải tham mưu, giúp Đảng, Nhà nước kiện toàn cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT ở các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh mọi lực lượng, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng KVPT vững mạnh.
Cùng với thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch xây dựng KVPT, nhất là các kế hoạch đầu tư kinh phí để thực hiện đề án xây dựng thế trận quốc phòng; nâng cấp, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần và kỹ thuật, phương án tác chiến phòng thủ; quá trình thực hiện cần tuân thủ nghiêm pháp luật, quán triệt và thực hiện có hiệu quả việc kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN) bằng các kế hoạch, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Ba là, phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Ngay sau Hội nghị Quân sự toàn quốc (19-10-1946), các chiến khu - đơn vị hành chính quân sự được tổ chức, phân định lại. Cả nước được chia thành 12 chiến khu trực thuộc Trung ương, tạo thuận lợi cho quá trình chỉ đạo cho kháng chiến, đồng thời cũng phát huy tối đa khả năng huy động sức mạnh và độc lập tác chiến của từng địa phương.
Để bảo đảm cho các đơn vị tác chiến trong thành phố, các địa phương đều có phương án huy động nhân dân trong bảo đảm cung cấp hậu cần, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thương binh, bệnh binh và trực tiếp hỗ trợ chiến đấu. Trong 60 ngày đêm giam chân địch ở thủ đô Hà Nội, Hà Đông - Sơn Tây đã trở thành hậu phương trực tiếp cho Mặt trận Hà Nội; các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực (tỉnh Nam Định)... cũng là địa bàn bảo đảm cung cấp hậu cần, hỗ trợ lực lượng cho cuộc chiến đấu 86 ngày đêm giam chân địch ở thành Nam… Với sự chủ động của các khu, các tỉnh đội, chúng ta đã huy động tối đa sức người, sức của tạo nên lực lượng hùng hậu chiến đấu chống quân thù. Để tạo nên sức mạnh đông đảo, huy động được toàn dân tham gia kháng chiến, ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên khơi dậy tinh thần yêu nước, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu, bước đầu thế trận chiến tranh nhân dân được xác lập.
Đại hội XII của Đảng ta đã chỉ rõ: "Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền QPTD và ANND”.(1) Thực tế cho thấy, thế trận KVPT tỉnh, thành phố là thế trận toàn diện, trong đó trọng tâm là thế trận của LLVT thiết lập. Đó là thế trận QPTD gắn với thế trận ANND được hình thành từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và các mục tiêu trọng yếu do bộ đội chủ lực xây dựng, sẵn sàng được chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi tình huống chiến tranh xảy ra. Vì vậy, xây dựng KVPT vững mạnh, phải thực sự gắn liền với xây dựng thế trận QPTD vững chắc trước hết là “thế trận lòng dân” ngay từ cơ sở, từng địa phương và trên phạm vi cả nước nhằm mục đích huy động được sức mạnh của nhân dân.
Bốn là, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT nhân dân. Đây là nội dung cơ bản trong xây dựng KVPT vững chắc và cũng là một bài học kinh nghiệm quý của thắng lợi những ngày đầu TQKC để lại. Ngay từ tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã chủ trương “vũ trang toàn dân”, “mở rộng Quân giải phóng Việt Nam”. Tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải nhanh chóng chấn chỉnh và mở rộng Giải phóng quân. Đến cuối năm 1946, dân quân, tự vệ, du kích đã phát triển đến gần một triệu người. Cùng với việc phát triển về số lượng, chất lượng LLVT cũng được coi trọng và không ngừng nâng cao. Xác định đúng vị trí và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng LLVT, nên khi TQKC bùng nổ, chúng ta đã có lực lượng căn bản để đánh thắng địch ngay từ những ngày đầu.
Ngày nay, việc xây dựng bộ đội chủ lực, lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh toàn diện là vấn đề cơ bản, trọng yếu và cấp thiết trong xây dựng KVPT. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, quan tâm xây dựng lực lượng này luôn hùng hậu, bảo đảm về chất lượng, nhất là chất lượng về chính trị, chất lượng chuyên nghiệp quân sự. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý cả con người và phương tiện, trang bị; nâng cao chất lượng huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm; có kế hoạch động viên công nghiệp phù hợp, bảo đảm tận dụng được thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, cần thực hiện có hiệu quả phương châm “vững mạnh, rộng khắp”; có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, trước hết là chất lượng chính trị; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; trang bị, vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực, từng bước nâng cao khả năng chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương, cơ sở.
Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng KVPT và bảo đảm về QPAN. Xây dựng KVPT là sử dụng tổng hợp mọi lực lượng, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp chuẩn bị vào quá trình xây dựng các yếu tố về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các phương thức, hình thức, loại hình tác chiến, chiến đấu… nhằm bảo vệ khu vực tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn, chiến lược chống phá của kẻ thù.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, như phát động phong trào diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng đời sống mới... Để khắc phục khó khăn về tài chính, Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng”, kêu gọi nhân dân ủng hộ “Quỹ kháng chiến”, “Quỹ Nam Bộ”, “Quỹ Giải phóng quân”, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, “có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng”(2). Bên cạnh đó, để tự chủ về tài chính, Chính phủ đã phát hành giấy bạc Việt Nam, khắc phục được tình trạng độc quyền phát hành tiền tệ của các thế lực ngoại bang, tự chủ về mặt tài chính. Những chủ trương, chính sách trên đã huy động và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, do đó đã giúp Chính phủ vượt qua khó khăn, tạo tiềm lực ban đầu cho cả nước bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực tiễn cho thấy, sự phát triển kinh tế vững chắc có tác động trực tiếp đến chất lượng xây dựng KVPT, bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Việc kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố QPAN là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng tiềm lực và thế trận của KVPT, đòi hỏi trong phát triển kinh tế phải gắn chặt với yêu cầu bảo đảm QPAN và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ QPAN. Ngày nay, điều kiện kinh tế đất nước được nâng lên, có điều kiện để chăm lo tiềm lực quốc phòng về kinh tế, tuy nhiên quá trình xây dựng KVPT vẫn phải khai thác nguồn lực của nhân dân; chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm chuẩn bị cơ sở vật chất trong TQKC để xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong các thành phần kinh tế, tổ chức sản xuất vũ khí trang bị để vừa phục vụ cho bảo đảm nhu cầu đời sống nhân dân, đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi chiến tranh xảy ra.
70 năm đã qua, sự kiện cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho công tác xây dựng KVPT tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay. Những bài học đó vẫn nguyên giá trị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công nhiệm vụ “Tăng cường tiềm lực QPAN; xây dựng thế trận QPTD, thế trận ANND vững chắc”(3) để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định.
TS NGUYỄN VĂN LƯỢNG
(1) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.34.
(2) - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.188.
(3) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.33.