Sự kiện Toàn quốc kháng chiến nổ ra được ít ngày, bà Ngô Thị Huệ, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, từ Hà Nội trở về Sài Gòn, công tác trong Ban Thường vụ Thành ủy. Bà tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng ủng hộ Chính phủ cách mạng, kết nối với các tỉnh lân cận để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến. Bà Huệ nhớ lại: Thực dân Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự hòng tiêu diệt lực lượng của ta trong thời gian ngắn ở Sài Gòn-Gia Định, Biên Hòa, Tân Uyên… Tại Biên Hòa, sau khi đã chiếm được một số vị trí xung yếu để đặt sở chỉ huy, quân Pháp tiến hành hàng loạt cuộc càn quét với quy mô lớn, dồn đẩy cơ quan kháng chiến và LLVT cách mạng vào sâu trong các căn cứ xa dân, không có nguồn tiếp tế cung ứng hậu cần. Cùng thời gian này, chúng tập trung đánh chiếm Tân Uyên, Chiến khu Đ của ta mới xây dựng tháng 2-1946. Do vậy, để bảo toàn lực lượng, Xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo Tỉnh ủy Biên Hòa tiếp tục thực hiện tiêu thổ kháng chiến, ngăn chặn quân địch ở khắp nơi; đồng thời vận động thanh niên tham gia tòng quân đánh giặc.
Bà Ngô Thị Huệ (thứ hai, từ trái sang) trong một lần gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 1-1947, khí thế kháng chiến ở Biên Hòa được đẩy lên thành cao trào. Các lực lượng liên tiếp tổ chức tiến công địch nhỏ lẻ, phát huy cao độ uy thế của kháng chiến khiến quân địch hoang mang.
Ở Sài Gòn-Gia Định, địch huy động lữ đoàn lê dương số 13 đóng tại ngã 3 Thành Quan Năm (Hóc Môn), có pháo binh yểm trợ và máy bay trinh sát dẫn đường, mở cuộc càn quét vào hai xã Trung Lập và An Nhơn Tây (nay thuộc huyện Củ Chi) nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến đóng tại đây. Các đại đội thuộc Chi đội 6 và Chi đội 12 thuộc LLVT thành phố tổ chức chống trả quyết liệt với quân địch đông tới 4 tiểu đoàn, gấp hơn 3 lần quân ta, lại được trang bị hiện đại. Bà Ngô Thị Huệ kể tiếp: Trước tình thế gấp rút, Thành ủy Sài Gòn triển khai họp gấp, một mặt chỉ đạo Chi đội 6 và Chi đội 12 quyết tâm kìm chân địch; một mặt liên hệ nhờ Chi đội 11 Tây Ninh chi viện. Lực lượng của ta hình thành 3 mũi đánh vòng bọc phía sau quân địch tại địa bàn xã Trung Hưng, buộc chúng phải rút chạy… Sau thắng lợi đó, Thành ủy chỉ đạo củng cố các tổ chức đoàn thể, công đoàn cứu quốc, thanh niên, phụ nữ, nông dân...; xây dựng các cơ sở địch vận để hỗ trợ phong trào cách mạng…
Hướng về kháng chiến, các tầng lớp nhân dân Nam Bộ tích cực đóng góp tiền bạc, mua sắm các vật dụng cần thiết như lương thực, thực phẩm, thuốc men, máy đánh chữ, văn phòng phẩm gửi ra chiến khu. Nhiều người đã không quản hiểm nguy, giả làm người đi buôn chuyến, bỏ mối hàng, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của giặc để đem hàng hóa đến tận chiến khu phục vụ kháng chiến… “Đó là sức mạnh của tinh thần đoàn kết xung quanh Chính phủ, hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm tin mãnh liệt và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc”-bà Ngô Thị Huệ nhấn mạnh.
Bài và ảnh: YẾN LONG