Đại tá Nguyễn Trọng Hàm giới thiệu lịch sử chiếc phù hiệu đặc biệt của đơn vị.
Với chiếc phù hiệu đeo trang trọng bên tay áo phải, cùng các loại huân, huy chương, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 102 khu Đông thành, Trung đoàn Thủ đô, Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ Quyết tử Liên khu I Hà Nội cùng chúng tôi trở lại khu phố cổ năm nào giờ khác xưa khá nhiều. Thế nhưng, dù đã bước sang tuổi 95, vượt cả tuổi xưa nay hiếm nhiều năm, nhưng ông vẫn nhớ rành rọt từng con đường, góc phố nơi ông và đồng đội từng chiến đấu quyết tử, giam chân địch tại Hà Nội. Ông kể lại cho tôi bối cảnh những ngày tháng chiến đấu ác liệt và sự ra đời của chiếc phù hiệu đặc biệt.
Sau khi chính thức nổ súng, quân ta tập kích một số vị trí của địch, trụ lại ở 3 khu phố Đồng Xuân - Đông Thành - Đông Kinh Nghĩa Thục và một phần còn lại của khu Hoàn Kiếm. Tại cuộc họp kiểm điểm 10 ngày tác chiến có Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái dự, đã đánh giá, tuy còn nhiều nhược điểm, thiếu sót, nhưng đánh địch như vậy là một thành tích lớn. Ta có thể đánh dài ngày hơn. Lúc này, ranh giới giữa ta và địch cơ bản đã được phân định.
Phía Nam từ ngã tư Hàng Bông - Hàng Da - Quán Sứ trở về dọc phố Hàng Gai - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Dầu đến phố Hàng Thùng, địch chiếm bên dãy số lẻ gồm hiệu sách Tân Dân - nhà Asia, hiệu thuốc Noóc Man, hiệu buôn Chí Lợi, hiệu thuốc Mai Lĩnh, Sở Thủy lâm (Sở Văn hóa-thông tin hiện nay), Nhà Giao thông Công chính.
Phía Bắc là phố Hàng Đậu, địch đóng quân ở đầu phố Phan Đình Phùng đến ga đầu cầu Long Biên. Phía Tây, từ Hàng Da qua Hàng Điếu, Hàng Gà lên Hàng Cót, địch đóng ở Nhà thờ Tin lành dọc phố Phùng Hưng đến đầu phố Phan Đình Phùng.
Phù hiệu của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong 60 ngày đêm quyết tử.
Phía Đông là đường đê sông Hồng, hai đoạn phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải, địch đóng chốt ga đầu cầu Long Biên và Nhà Giao thông Công chính. Từ bến Phà Đen và từ cầu Long Biên, địch đã kiểm soát các khu Hồng Hà và Long Biên. Ta bỏ trống khu Long Biên, nhưng tự vệ vẫn bám sát ở Yên Phụ, khu Hồng Hà, Phúc Xá và bãi giữa sông Hồng.
Tại thời điểm này, để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, Trung đoàn Liên khu I được thành lập vào ngày 6-1-1947 và là trung đoàn đầu tiên được thành lập ở Thủ đô trong lửa đạn của cuộc kháng chiến. Khoảng một tuần sau đó, ngày 12-1-1947, Hội nghị Quân sự toàn quốc họp tại Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) quyết định tặng trung đoàn danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Nằm trong vòng vây của địch, cảm tử quân Liên khu 1 cùng với chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vẫn kiên trì chiến đấu quyết liệt. Dù chỉ có những vũ khí thô sơ, nhưng họ kiên cường bám từng góc phố, căn nhà chống trả, tấn công địch. Nhiều người ôm bom ba càng, quyết tử đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hy sinh.
Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, chính bởi tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ quyết tử đã khiến cho quân Pháp e ngại. Chúng không từ một thủ đoạn nào hòng làm lung lay ý chí của các chiến sĩ. Trong đó, việc gài thám báo, Việt gian trà trộn vào đội hình của ta là một thủ đoạn nguy hiểm của địch. Trước tình hình đó, Mặt trận Hà Nội giao cho trung đoàn làm gấp phù hiệu đặc biệt giao cho từng chiến sĩ của trung đoàn. Chiếc phù hiệu làm bằng đồng, có in hình tháp Rùa, hai cành tùng hai bên và dòng chữ “VNVQĐ ĐOÀN THỦ ĐÔ” (Việt Nam Vệ quốc đoàn Đoàn Thủ đô) gắn trên tấm vải đỏ thay cho lá cờ Tổ quốc. Khi chiến đấu, các chiến sĩ đeo phù hiệu trên tay để nhận ra nhau.
Sau hai tháng kìm chân địch, theo lệnh của trên, trung đoàn đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược “thần kỳ”, an toàn rời khỏi Hà Nội trong sự ngỡ ngàng của quân địch. Ngay sau đó, trung đoàn tiếp tục bước vào những cuộc chiến đấu mới. Các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô thôi không đeo chiếc phù hiệu này nữa. Người thì giao cho người thân cất giữ hộ, người thì mang bên mình làm kỷ niệm. Với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, ông coi chiếc phù hiệu như vật báu, cất giữ cẩn thận trong ba lô đi khắp các chiến dịch lớn, nhỏ. Ông kể: “Trừ khoảng thời gian từ năm 1966-1975 vào chiến đấu trên chiến trường miền Nam, buộc phải để lại chứ lúc nào tôi cũng mang theo chiếc phù hiệu này. Nó là minh chứng cho một thời tuổi trẻ của chúng tôi với lý tưởng, và tinh thần xả thân vì sự nghiệp chung của đất nước”.
Bài, ảnh: SONG THANH