Cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng trên Mặt trận Hà Nội thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Bộ Tổng chỉ huy, Khu ủy Chiến khu 11 và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội, trong đó nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến trong thành phố.
Chiến sĩ quyết tử Thủ đô với bom ba càng diệt xe tăng địch (12-1946). Ảnh tư liệu.
Xét tương quan lực lượng, địch chiếm ưu thế hơn ta cả về quân số và vũ khí trang bị, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội xác định phương châm tác chiến là: Bố trí lực lượng cơ động, sẵn sàng nổ súng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ngay từ đầu, sau đó nhanh chóng tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận bí mật nằm ngay trong lòng địch, xen kẽ với địch đánh ra; một bộ phận bố trí ở ngoài vòng vây của địch đánh vào, thực hiện “trong ngoài cùng đánh”.
20 giờ 3 phút ngày 19-12, khi tín hiệu đèn điện toàn thành phố vụt tắt, pháo binh ta ở Pháo đài Láng bắn vào sở chỉ huy địch, chính là hiệu lệnh chiến đấu mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội. Kế tiếp đó, bộ đội ta chủ động mở cuộc tiến công vào 30 vị trí trong số 50 vị trí lớn nhỏ và 60 trong số hàng trăm ổ chiến đấu độc lập của địch. Quân ta không dàn lực lượng đánh đối mặt với địch, mà vận dụng cách đánh thích hợp. Bộ chỉ huy Mặt trận chỉ đạo các đơn vị không đánh trận lớn, mà phân tán lực lượng thành những phân đội nhỏ, bí mật cơ động luồn lách, tạo yếu tố bất ngờ để đánh các trận nhỏ kế tiếp nhau, gây cho địch nhiều khó khăn. Trong số hơn 100 trận đánh diễn ra ở khu vực nội thành, quân Pháp chỉ tiến công gần 30 trận, còn lại đều do ta chủ động tiến công địch. Chúng phải vất vả đối phó với những đội quân nhỏ của ta thoắt ẩn, thoắt hiện khắp nơi trong thành phố và chịu nhiều thiệt hại.
Nét nổi bật trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô (từ ngày 19-12-1946 đến 17-2-1947) là Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực của Chiến khu 11 phối hợp với công an xung phong, tự vệ chiến đấu vận dụng cách đánh của thế trận chiến tranh nhân dân trong thành phố, trong đó tổ chức vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến, điển hình là tác chiến tiến công và phòng ngự.
Trong tác chiến tiến công, quân ta vận dụng hai hình thức tập kích và phục kích. Đối với các trận tập kích, ta tổ chức lực lượng quy mô nhỏ, bí mật luồn lách, áp sát từng vị trí địch rồi bất ngờ dùng súng bắn thẳng và lựu đạn diệt bộ binh, phá hủy hoặc đốt xe quân sự, xe tăng, sau đó nhanh chóng rút ra an toàn. Thời gian mỗi trận đánh hầu như chỉ diễn ra khoảng 10 phút, có trận hơn 20 phút, khiến địch ở các vị trí lân cận không kịp chi viện ứng cứu, hoặc bao vây truy kích ta. Với những trận đánh phục kích, ta thường ém sẵn quân ở hai bên dãy phố nội thành, hoặc trên bờ đê sông Hồng chờ khi địch tiến công, ta chống cự một lúc rồi giả vờ thua chạy để quân địch truy đuổi, dẫn đến sa vào trận địa ta mai phục, bất ngờ tiến công dồn dập, gây cho địch thiệt hại nặng.
Trong tác chiến phòng ngự, dựa vào hệ thống kiến trúc cổ ở nội thành, Bộ chỉ huy Mặt trận chỉ đạo bộ đội ta tổ chức hai loại trận địa: Một là, ta huy động nhiều đồ vật đặt làm chướng ngại dọc theo từng trục đường phố, tạo thành các chiến lũy kế tiếp nhau để ngăn chặn xe tăng, xe thiết giáp, cơ giới, bộ binh của địch; đồng thời bí mật bố trí các hố bắn, tuyến bắn liền kề nhau ở hai bên dãy phố để diệt xe cơ giới, tiêu diệt bộ binh địch. Hai là, ta tổ chức 1 trung đội, có nơi 1 đại đội phòng thủ ở những vị trí trên nhà cao tầng để phát huy hỏa lực tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau một thời gian, ta bố trí một tổ ở lại đánh ngăn chặn, nghi binh địch để phần lớn lực lượng bí mật rút ra ngoài tiếp tục đánh địch. Trong các trận tổ chức phòng ngự ở Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở, phố Đội Cấn, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, lúc đầu quân ta gặp khó khăn do địch tiến công hướng chính diện kết hợp với vu hồi, nhưng chỉ sau đó một thời gian, ta kịp thời nắm tình hình, chủ động đánh quân địch vu hồi, gây cho chúng một số thiệt hại. Để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, từ đêm 17 đến sáng ngày 18-2-1947, toàn bộ Trung đoàn Thủ đô (hơn 1.000 người) đã bí mật vượt qua vòng vây của địch qua sông Hồng, sau đó lên vùng Phúc Yên an toàn.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Hà Nội đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài” và vận dụng cách đánh phù hợp, hiệu quả. Nhờ tổ chức vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến, trong đó chủ yếu là tập kích, phục kích và chủ động phòng ngự, tích cực tiến công, quân và dân Hà Nội đánh hơn trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giam chân chúng trong nội thành vượt thời gian dự kiến ban đầu nhiều lần, đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước di chuyển ra vùng căn cứ an toàn, tạo thuận lợi cho quân và dân cả nước nhanh chóng chuyển vào thời chiến, xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng để kháng chiến lâu dài, giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng.
TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP