Mặc dù đã 90 tuổi nhưng giọng nói vẫn hào sảng, tinh thần và khí thế vẫn như thời tuổi trẻ cách đây 70 năm, Lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã được người chiến sĩ này hô vang trong chương trình “Ký ức Hà Nội-Mùa đông năm 1946”, như tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ ngày nay trên con đường xây dựng Tổ quốc. Chương trình “Ký ức Hà Nội-Mùa đông năm 1946” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15-12, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tổ chức.

Với khí thế của những người con “Sống chết với Thủ đô”¸sẵn sàng chiến đấu, hy sinh anh dũng trong những ngày đầu kháng chiến, Trung đội trưởng Vũ Tâm khi đó cùng với đồng đội luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội lên trên hết.

leftcenterrightdel
 

leftcenterrightdel
 Các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình.

Ngày hôm nay, khi nhắc đến không khí Hà Nội mùa đông năm 1946, không thể không nhắc đến Lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh mà Trung đội trưởng Vũ Tâm đã thực hiện cách đây 70 năm.

“Vốn là 1 chiến sĩ tham gia 60 ngày đêm năm xưa nên tôi có rất nhiều cảm xúc khi nhớ về những ngày này. Tôi rất nhớ những đồng đội đã cùng chiến hào, cùng chiến đấu với mình. Cuộc sống thanh niên thời đó, đặc biệt là đội chúng tôi dù cái chết luôn cận kề nhưng ai cũng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thủ đô”, Đại tá Vũ Tâm kể.

Đại tá Vũ Tâm nhớ lại: “Thời gian đó, Tiểu đoàn của chúng tôi còn 150 người và Trung đội giữ chợ Đồng Xuân còn 15 người. Với quân số ít nhưng để động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội, Trung đoàn đã tổ chức buổi lễ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh tại phố Hàng Bạc. Hôm đó, trước bàn thờ Tổ quốc, khói trầm hương nghi ngút, có lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ. Ngoài ra, còn có cả những vũ khí thô sơ như: Lựu đạn, đòn gánh…Đồng chí Vũ Lăng, lúc đó là Tiểu đoàn phó thay mặt Trung đoàn đọc Tuyên thệ như sau: Hôm nay chúng ta làm lễ khai sinh ra đội quân quyết tử, chúng ta thề sống chết bảo vệ Thủ đô, chúng ta còn, Thủ đô không bao giờ mất, xin thề, xin thề, xin thề !”.

leftcenterrightdel
  Đại tá Vũ Tâm.
Buổi lễ tuyên thệ hôm đó gồm có 4 người, trong đó có một nữ chiến sĩ, đó là chị Hà Nhật. Sau buổi lễ, chị đã viết thư gửi cho mẹ và Đại tá Vũ Tâm khi đó đã được chị đọc cho nghe bức thư, trong đó có đoạn: “Mẹ ơi, hôm nay con đã là chiến sĩ quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô rồi. Con vừa được dự buổi lễ tuyên thệ, nghe các anh chỉ huy đọc, đến giờ con vẫn rất xúc động. Có ai ở Hà Nội được ở lại như con để được nghe những lời hồn thiêng sông núi như thế. Con hứa với mẹ, con sẽ thực hiện lời thề và lời Bác Hồ kêu gọi, sẽ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Kể về một tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ Hà Nội, Đại tá Vũ Tâm nhớ lại: Trong trận đánh Trường Ke, anh Dương Trung Hậu, ở số nhà 23 Ngõ Gạch đã anh dũng hy sinh để lại người vợ đang mang thai được 3 tháng. Lúc đó là sáng 19-12, anh Dương Trung Hậu đưa vợ về Thanh Oai để tản cư và đi về Hà Nội để thực hiện Lời Bác Hồ kêu gọi bảo vệ Thủ đô. Ngày 30-12, anh Dương Trung Hậu hy sinh. Người vợ của anh đã nén nỗi đau trong lòng và mang thi thể anh về chôn tại Ngõ Gạch. Trước khi đưa chồng về cõi vĩnh hằng, vợ chiến sĩ Dương Trung Hậu nói rằng: Em sinh con để sau này xây dựng Tổ quốc. Người con của chiến sĩ cảm tử đó chính là nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam.

Tuổi trẻ và nhân dân Thủ đô luôn trân trọng và ý thức sâu sắc về truyền thống lịch sử vẻ vang, nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất được đổi bằng xương máu, tuổi xuân, cuộc đời, hạnh phúc của biết bao lớp người đi trước. Do vậy, trách nhiệm của những người tiếp bước cha anh hôm nay phải ra sức gìn giữ những thành quả vĩ đại của cách mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ Thủ đô phải xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực, sống, học tập, lao động, rèn luyện, cống hiến sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, xứng đáng với lời dạy của Bác: Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước.

Thay mặt thế hệ tuổi trẻ Thủ đô, em Lê Mạnh Cường, sinh viên Học viện Ngân hàng bày tỏ: Tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động khi được lắng nghe những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử và như được sống trong thời khắc của những Ngày Toàn quốc kháng chiến. Thế hệ ngày nay luôn biết ơn sự hy sinh của cha ông để cho chúng tôi có cuộc sống thanh bình như hôm nay. Tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” sẽ lan tỏa trong thế hệ thanh niên Thủ đô.

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, song tuổi trẻ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô hôm nay luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự trân trọng đối với những người con ưu tú của dân tộc đã cống hiến cả cuộc đời để tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN