Dạo bước cùng ông trên những ngõ phố của Thủ đô Hà Nội trong sắc cờ hoa lung linh, rực rỡ, đón chào kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi thấy ánh mắt người cựu chiến binh chăm chú ngắm nhìn từng bờ tường, từng ngôi nhà mái ngói rêu phong, như muốn tìm lại hình dáng cậu bé liên lạc Phùng Đệ năm xưa của Đại đội 15, Tiểu đoàn 13 của Trung đoàn Thủ Đô, nhanh nhẹn xuyên tường, vượt lửa đạn trong những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phùng Đệ, nguyên chiến sĩ liên lạc Đại đội 15, Trung đoàn Thủ đô ngày toàn quốc kháng chiến. 
Cựu chiến binh Phùng Đệ sinh năm 1923, tại làng Bưởi (Hà Nội). Năm 10 tuổi, ông được gia đình gửi đến ở nhà người cô ruột tại bãi Phúc Tân. Những cơ cực, đau thương của đất nước dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, đã sớm hình thành lòng căm thù giặc trong ông nói riêng cũng như nhân dân Hà Nội và toàn quốc nói chung. Chậm rãi cùng tản bộ, bác Phùng Đệ kể với chúng tôi: “Trước ngày toàn quốc kháng chiến, ở Hà Nội cảnh quang tiêu điều lắm, không điện, không nước nhưng khí thế đánh giặc rất sục sôi. Cây cối, cột điện được cưa đổ hoặc khoét rỗng, đặt thuốc nổ vào để sẵn sàng đánh đổ ngăn cản cơ giới địch. Bãi Phúc Xá, Phúc Tân đêm đêm như ngày hội vì thanh niên trai tráng hăng say tập luyện võ thuật, rèn luyện thể lực chuẩn bị cho ngày đánh giặc”.

Cách đây 70 năm, đêm 19-12-1946, khi tiếng súng vang lên theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bãi Phúc Tân, Phúc Xá chìm ngập trong lửa khói. Theo dòng người chạy loạn, cậu bé Phùng Đệ cùng người cô chạy vào ngôi đền trong ngõ Phất Lộc để trú ẩn. Khi cô đã vào trong đền, Đệ liền lẻn ra ngoài với mong muốn muốn theo các chú, các anh đánh Tây. Lúc qua phố Cầu Gỗ (bây giờ), Đệ gặp các chiến sĩ quyết tử và anh Thái (gọi là Thái Nhật, vì anh đeo kiếm Nhật) của Trung đoàn Thủ đô. Đệ nói với anh Thái: Em lạc gia đình, em muốn theo cách mạng đánh Tây. Anh Thái hỏi: “Em có sợ Tây không?”, Đệ trả lời: “Không sợ”. Khi biết Đệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh Thái bảo: Em là thiếu nhi Hà Nội, người Hà Nội phải dũng cảm, chiến đấu đến cùng không để mất thủ đô, vì mất thủ đô là mất nước. Nếu bị địch bắt thì thà chết chứ không làm tay sai cho địch”. “Vâng ạ!” - Đệ trả lời dứt khoát và cảm thấy khí huyết đang sục sôi tâm can.

Ngày 20-12-1946, Đệ được Phó tiểu đoàn trưởng Đỗ Đức Liêm (sau này là Thượng tướng Vũ Lăng) gọi lên và hỏi: “Em có biết Sở Thủy Lâm (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) không?”. “Có ạ!” - Đệ trả lời. “Đêm nay, em đến đó xem có bao nhiêu Tây và nó bố trí lực lượng như thế nào?”. Đêm đó, lợi dụng trời tối và các chướng ngại vật che khuất, Đệ cũng đến được Sở Thủy Lâm. Bên ngoài cửa đóng im ỉm, chỉ có tiếng mấy người Tây xì xà, xì xồ vọng ra. Đệ bèn quay về báo cáo với chú Liêm tình hình sự việc. Từ đây, cậu bé Đệ mới 13 tuổi, chính thức trở thành chiến sĩ liên lạc cho Đại đội 15 với nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh và thông tin tình hình chiến sự giữa các trung đội với chỉ huy đại đội.

60 ngày đêm sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cậu bé Đệ ngày ấy cùng hơn 170 các chiến sĩ thiếu niên làm liên lạc khoảng từ 10 đến 15 tuổi thông tỏ từng lối thông qua các ngôi nhà, ngõ phố. Ngoài việc truyền mệnh lệnh và thông tin, Đệ cùng các bạn đưa cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đến từng địa điểm chiến đấu hay lùng sục từng ngôi nhà vừa kiếm lương thực, thực phẩm của nhân dân để lại, vừa kiếm tìm và đánh dấu các nguồn nước (giếng nước) sạch phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt. Nhiều khi, trong những cuộc đấu súng, gặp hỏa lực địch tập kích dữ dội, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chỉ kịp vươn tay, túm cổ áo, nắm lấy các chiến sĩ nhí đang thoăn thoắt chạy như con thoi này dúi xuống công sự chiến đấu để tránh đạn. Nguy hiểm là vậy nhưng không ai thấy Đệ và các bạn chiến sĩ nhí có vẻ sợ hãi hay mệt mỏi.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phùng Đệ (hàng trên, thứ hai từ phải qua) cùng các cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô nhân ngày họp mặt truyền thống. 
Cựu chiến binh Phùng Đệ kể tiếp: Có một tối, tôi và một chiến sĩ liên lạc khác đang nằm ngủ trên gác 2 một căn nhà ở phố Hàng Bạc thì pháo địch tập kích. Quả đạn pháo tuy nổ bên ngoài nhưng sức công phá làm đổ bức tường đè lên chiếc giường chúng tôi nằm. Mọi người thấy vậy liền hò nhau khuân gạch đổ nát và ai cũng nghĩ chúng tôi đã hy sinh. Nhưng rất may, thành giường rất chắc chắn đã chống đỡ hết mảng tường đổ. Khi thấy hai chúng tôi lọ mọ chui ra, mọi người ôm chầm lấy tức tưởi khóc vì vừa lo, vừa mừng.

Đêm 17-2-1947, cậu bé Đệ cùng các chiến sĩ liên lạc, trong đội hình của Trung đoàn Thủ đô bí mật rút khỏi thành phố Hà Nội về chiến khu Việt Bắc theo lệnh của cấp trên. Sau thời gian dài hành quân, khi Trung đoàn đi ngang địa bàn tỉnh Phú Thọ, người cô ruột vui mừng, phấn khởi khi gặp đứa cháu trai thất lạc trước đó và ngậm ngùi chia tay trước ý chí một lòng đi theo đơn vị để đánh giặc cứu nước của cháu mình.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ