Cũng theo lời kể của ông Hải, mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, nhưng đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đã chiến đấu rất anh dũng, giành giật với địch từng góc phố, căn nhà. Chiến công 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô thể hiện rõ lòng yêu nước, mưu trí, dũng cảm, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong nhiều trận đánh ác liệt tại khu vực Bắc Bộ Phủ, phố Hàng Bè, Lê Thạch, chợ Đồng Xuân…, ông Hải nhớ mãi trận đánh ở phố Hàng Bè, vì nếu để mất đoạn đầu phố thì sẽ mất cả con phố, nên ông cùng đồng đội quyết giữ bằng được. Khi ấy ta thủ ở trong nhà, đục cửa, đục tường, tạo thành những ô nhỏ để tấn công địch bằng súng và lựu đạn. Trước đó, quân ta đã phá hết cầu thang lên xuống giữa các tầng và đục thông nhà này sang nhà khác để linh hoạt tấn công cũng như rút lui. Khi địch xung phong tiến vào nhà, ta rút lên tầng 2 bằng thang tre, thang dây, rồi ném lựu đạn xuống tiêu diệt địch.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hải kể chuyện chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày Toàn quốc kháng chiến.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu, chiều 17-2-1947, đơn vị được lệnh chuẩn bị rút quân, mỗi người được phát một tấm huy hiệu Vệ quốc đoàn. Tối đó, Tiểu đoàn 3 tập trung ở Cột đồng hồ, rồi hành quân vượt đê sang bãi trồng ngô, khoai, đến mép nước sông Hồng thì men theo bờ sông qua gầm cầu Long Biên sang bãi bồi Phúc Xá, bãi Tứ Tổng, cuối cùng là tập kết ở làng Thượng Hội (huyện Đan Phượng).

Nhớ lại thời điểm rút quân, ông Hải cho biết: “Khi được lệnh chuẩn bị rút quân, nhiều anh em băn khoăn, không biết mình rút đi thì ai bảo vệ Thủ đô, sợ mình rút đi thì sẽ mất Thủ đô. Nhưng khi được biết, cuộc rút quân là để bảo toàn lực lượng chuẩn bị kháng chiến lâu dài, chúng tôi ai cũng vui mừng. Cuộc rút quân diễn ra trong đêm tối, dưới gầm cầu Long Biên, trong khi binh lính địch vẫn đứng gác trên cầu, nhưng vẫn diễn ra bí mật, an toàn”.

Bài và ảnh: ĐOÀN NAM