Đến gia đình Đại tá Phạm Duy Tín, ở phố Lò Đúc (Hà Nội) vào buổi chiều mùa đông, khi nhìn vào những vật dụng sinh hoạt cổ xưa, bình dị và bài trí đơn giản, chúng tôi không nghĩ rằng đây nơi cư trú của một cán bộ tiền khởi nghĩa, một Đại tá đã nghỉ hưu, một thanh niên Hà Nội gốc đã từng cầm súng chiến đấu với quân Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến lại bình dị, đơn sơ đến thế.
Đại tá Phạm Duy Tín, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc kể lại ký ức hào hùng trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Trò chuyện với ông, chúng tôi nhận ra rằng, không gian tĩnh lặng của căn phòng được ngăn cách với phố phường sôi động không phải là bức tường dày 30cm và cái cửa đóng mở có thời điểm. Mà cao hơn, đó là triết lý sống của một con người, một chiến sĩ cách mạng đã trải qua những năm kháng chiến gian khổ với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đó là tư duy cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Năm 1945, khi ông Phạm Duy Tín 15 tuổi, đang theo học Trường Bưởi (Trường Chu Văn An ngày nay) thì phong trào cách mạng tràn đến, sục sôi trong mọi tầng lớp nhân dân. Khí thế Cách mạng tháng Tám và ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa như làn gió mới giúp mọi người có điều kiện, nắm tay, đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ. Là học sinh lại tham gia phong trào hướng đạo sinh nên ông Tín đã nhanh chóng tiếp cận với tư tưởng mới và được giác ngộ cách mạng. Trước ngày 19-12-1946, ông đã là tự vệ Thành Hà Nội, cùng mọi người bảo vệ khu phố, nơi mảnh đất ông sinh ra và lớn lên.
Ông kể, ở thời điểm đó hay có những vụ lộn xộn do quân Pháp gây ra với nhân dân ta, nhằm tạo cớ để lật đổ chính quyền cách mạng, nhà nước non trẻ. Tại phố Lò Đúc (thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hiện nay) có một số nhà do Pháp kiều ở (số 19, 21, 23, 47, 4, 58). Đây là những ‘đối tượng” quan trọng quân ta phải chú ý mọi di, biến động 24/24. Vì nếu nổ ra đánh nhau, đây sẽ là những nơi bọn địch lợi dụng để lập các ổ đề kháng, làm bàn đạp ngăn chặn ta tiến công hoặc phát triển lực lượng đi giải tỏa, đánh quân ta, chiếm Hà Nội. Chỉ huy tự vệ khu phố giao cho ông Tín và các đồng đội khác nhiệm vụ quan sát, theo dõi tình hình tại các nhà do Pháp kiều ở, giữ gìn an ninh trật tự khu phố.
Đầu tháng 12-1946, tình hình an ninh, chính trị ở Hà Nội căng như dây đàn. Một số gia đình đã lặng lẽ tản cư, đề phòng chiến tranh nổ ra. Ở phố của ông, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ cũng ngừng hoạt động. Ngoài những con phố chính, tình hình ngày càng căng thẳng; quân Pháp đi lại nghênh ngang ngoài đường, cho xe ô tô, xe chở binh lính phóng vùn vụt trên đường, không tôn trọng sự có mặt bảo vệ trị an của tự vệ và các đơn vị Vệ Quốc Đoàn. Lúc đó, ông lại cùng anh em tự vệ đục tường các nhà trong khu phố tạo thành những đường hào bí mật thông nhau để tiện cơ động. Trung đội tự vệ 20 người của ông gồm đủ các thành phần, tầng lớp, nhưng chủ yếu vẫn là các nam, nữ thanh niên. Họ rất hăng hái, vừa đập tường, làm giao thông hào, lại vừa ca hát hết sức vui nhộn.
Tiếp đó, ông lại cùng các đồng chí khác ngả cây làm vật cản trên đường phố; xây dựng các ổ đề kháng. Vì lúc ấy, nhiều gia đình đã tản cư đi các nơi, đề phòng chiến tranh bùng phát nên lực lượng tự vệ chọn những ngôi nhà cao hai bên đường, vị trí có lợi để đặt vũ khí, khống chế khu vực xung quanh. Để có những vật cản, ngăn không cho phương tiện của quân Pháp cơ động trên đường, ông Tín đã cùng với các đồng chí trong đội tự vệ lấy nhiều cây gỗ ở xưởng mộc số 37 mang về, trong đó có những cây rất to.
Tối ngày 19-12-1946, ông Tín và 20 tự vệ khác được lệnh tập trung đông đủ ở trường Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc. Lúc đầu, ông Tín nghĩ đó là buổi tập trung bình thường. Sau khi nghe phổ biến tình hình và nhận lệnh hiệp đồng chiến đấu, ông Tín mới biết được ý nghĩa quan trọng của thời điểm đó. Ngay sau đó, ông Tín đã dẫn Trung đội Vệ Quốc Đoàn chiếm giữ ngã 5 Lò Đúc, áp sát, tiêu diệt nhà số 4 mà Pháp kiều ở. Lúc đó, do vũ khí của ta còn kém, lực lượng lại không nhiều, ở vào thế bất lợi, kinh nghiệm chiến đấu còn rất hạn chế, nên đến gần sáng thì lực lượng của ta không vào được ngôi nhà và rút ra ngoài. Chính bố ông Phạm Duy Tín, một y tá làm việc tại Sở y tế Hà Nội lúc ấy đã băng bó, sơ cứu cho một đồng chí chiến sĩ của Trung đội Vệ Quốc Đoàn bị thương kịp thời.
Những ngày sau đó, quân Pháp từ Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 hiện nay), cơ động dọc đường Trần Hưng Đạo để đánh lực lượng của ta ở các phố. Tuy nhiên, do tự vệ và các lực lượng vũ trang của ta đã chủ động dựng vật cản và xây dựng các ổ đề kháng chiến đấu trên đường phố nên địch không thể chiếm được các khu phố nhỏ nằm ngang đường Trần Hưng Đạo.
Đến ngày 22-12, theo lệnh của trên, ông Phạm Duy Tín được lệnh rút ra Ô Đông Mác rồi sau đó được giao làm liên lạc viên thuộc Ban liên lạc đặc biệt Bộ Tổng chỉ huy. Ở nhiệm vụ này, ông đã đi xe đạp đưa tài liệu của Ủy ban Hành chính kháng chiến (ở Mai Lĩnh, Hà Đông) đi các nơi. Từ đây,cuộc đời ông cuốn theo dòng chảy lịch sử của dân tộc. Rồi ông vào bộ đội, được đào tạo chuyên môn và trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội, giữ chức vụ Phó tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1991.
Tuy không được trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân Pháp ở Thành Hà Nội như các tự vệ khác trong suốt 60 ngày đêm oanh liệt, nhưng ông không thấy buồn. Ông tâm sự: Lúc đó, tinh thần của chiến sĩ tự vệ và Vệ Quốc Đoàn là rất cao. Tôi cũng không muốn rời vị trí chiến đấu, nhưng thực hiện nhiệm vụ khác là yêu cầu của cấp trên nên buộc phải đi. Ông chia sẻ thêm, thời đó, vận nước lâm nguy, nhiều thanh niên và mọi người trong xã hội đã thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ quốc mãnh liệt. Chính niềm tin vào chiến thắng, niềm tự hào dân tộc... đã là động lực giúp thế hệ ông có đủ sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách; vượt qua ranh giới sự sống và cái chết “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cuối câu chuyện với chúng tôi, ông chân thành phân tích: Tôi đã ở quân ngũ gần 40 năm, trong đó có hơn một nửa thời gian tham gia chiến tranh gian khổ, ác liệt nên đã quen với nếp sống trong quân ngũ, gọn gàng, tiết kiệm, giản dị.
Ông hóm hỉnh bảo với chúng tôi rằng, đó là “thời trang quý giá” của riêng ông cũng như rất nhiều đồng đội khác, giúp ông và đồng đội hoàn thành sứ mệnh lịch sử trao. Tôi hiểu, cái mà ông gọi là “thời trang” ấy không phải là bộ quần áo, hay những đồ vật đắt tiền trong ngôi nhà sang trọng mà là ý chí, suy nghĩ, cốt cách và trái tim rực lửa, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng sinh mạng vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
MẠNH THẮNG (ghi)