Tại Hội nghị quân sự toàn quốc (19-10-1946), Đảng ta nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp”(1). Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang (LLVT) thủ đô Hà Nội “Phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao độ, không được bị động để địch đánh úp”(2). Theo quyết định của Trung ương, Khu 11 (Hà Nội) được thành lập (11-1946). Ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ huy Mặt trận Khu 11 nghiên cứu kế hoạch tác chiến nhằm mục đích giam chân và tiêu hao sinh lực địch trong thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Cùng với việc chuẩn bị về tổ chức và phương án tác chiến, Ban chỉ huy mặt trận đã xây dựng và tăng cường các đơn vị vũ trang trong thành phố, phát triển lực lượng dân quân, tự vệ nội và ngoại thành. Chỉ trong thời gian ngắn, ngoài các lực lượng chủ lực, Hà Nội đã huy động và tổ chức được thêm 8.500 tự vệ thành và khoảng 2 vạn du kích ở ngoại thành SSCĐ và phục vụ chiến đấu. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển lực lượng, Ủy ban Kháng chiến Hà Nội đã quyết định sáp nhập các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong của Liên khu 1 cùng một số lực lượng bổ sung thành Trung đoàn Liên khu 1 (Trung đoàn Thủ Đô), quân số lên đến 5.000 người. Sau đó, các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu ở các cửa ô cũng được tổ chức thành các trung đoàn: 48, 52, lực lượng mỗi đơn vị khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Đây là điều kiện để Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trên giao.
Tự vệ thành Hà Nội sẵn sàng đánh địch. Ảnh tư liệu.
Bám sát nhiệm vụ Trung ương giao, Bộ chỉ huy Khu 11 do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng đã nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta, địa hình Hà Nội; cân nhắc, đề xuất các phương án tác chiến. Kế hoạch được lựa chọn là “trong đánh, ngoài vây”; LLVT tổ chức thành nhiều tổ chiến đấu bố trí ở khắp nơi trong thành phố, khi có lệnh thì đồng loạt nổ súng đánh vào các vị trí của địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng. Sau đó, một số bộ phận chốt giữ những vị trí ở trung tâm thành phố, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố trong khi các bộ phận khác tỏa ra chặn đánh, giữ các cửa ô, “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, tiêu hao, vây hãm, giam chân quân Pháp. Triệt để dùng du kích vận động chiến, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, nhằm vào nơi hiểm yếu của địch, không đánh dàn trận, không đương đầu với quân đội có hỏa lực mạnh. Cách đánh phổ biến là: Quấy rối, bắn tỉa, tập kích, phục kích quy mô nhỏ; sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố, đánh địch bằng mọi hình thức, gây khó khăn và ghìm chân địch trong thành phố. Mục tiêu của ta là giam chân địch trong thành phố càng dài ngày càng tốt; ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào chiến tranh.
Chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong điều kiện tương quan so sánh lực lượng quá chênh lệch, điểm sáng tạo của ta là bố trí lực lượng tác chiến không theo kiểu dàn trận và đối mặt với quân Pháp, đồng thời không thủ hiểm ở chỗ nào lâu. Trước ngày 19-12-1946, Mặt trận Hà Nội đã sử dụng các tiểu đoàn: 77, 212, 145, 523 của Liên khu 2 và Liên khu 3, bố trí án ngữ tại các cửa ô cùng Tiểu đoàn 101 và các lực lượng tự vệ, công an Liên khu 1 trong nội thành hình thành thế trận bao vây chia cắt quân địch(3). Để tạo lập thế trận phòng thủ, phòng ngự vững chắc, hiểm hóc, thế tiến công linh hoạt, thực hiện trong đánh ngoài vây, ta còn bố trí các lực lượng nhỏ (tổ, nhóm) cài xen ở những nơi địch sơ hở. Vệ quốc quân, tự vệ, nhân dân trong các khu phố tổ chức đào hầm, đắp chiến lũy, chặt cây, ngả cột điện, giăng bàn ghế, sập, tủ, giường, bao cát… ra đường làm chướng ngại vật; công nhân xe lửa, xe điện đẩy các toa tàu, chặn các ngã tư, ngã năm… ngăn bước quân thù.
Do dự báo được âm mưu và kế hoạch đánh úp Hà Nội của Pháp, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Hà Nội SSCĐ, sẵn sàng hành động. Theo Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Vương Thừa Vũ được giao giữ chức Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, có nhiệm vụ cùng Bộ chỉ huy nghiên cứu phương án tác chiến của Hà Nội, xây dựng kế hoạch tác chiến thông qua đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy và đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, hoàn thành kế hoạch tác chiến “trong đánh ngoài vây”, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy phê duyệt. Công tác hiệp đồng, phối hợp tác chiến cũng được chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức thực hiện chặt chẽ ở tất cả các cấp trong suốt quá trình tác chiến. Cùng với các lực lượng chiến đấu trong nội thành, cuộc chiến đấu của quân, dân Hà Nội ở các cửa ô cũng được các địa phương, đơn vị phối hợp hiệp đồng chiến đấu. Các trung đoàn Vệ quốc quân, các tỉnh: Sơn Tây, Hà Đông, Thái Nguyên, Phúc Yên lần lượt đưa lực lượng về chi viện cho Hà Nội...
60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội là một điển hình của chiến tranh nhân dân về tiến công địch trong thành phố, để lại những kinh nghiệm quý báu cần nghiên cứu bổ sung, phát triển, vận dụng phù hợp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thiếu tướng, PGS, TS ĐỖ VIẾT TOẢN
Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1.
(1) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.133.
(2) - Thành ủy Hà Nội, Quân khu Thủ đô, Tổng kết 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp của quân và dân thủ đô Hà Nội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.89.
(3) - Bộ tư lệnh Quân khu 3 và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu 3 (1945-1955), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.121.