Pháo đài có ba khẩu pháo 75mm (một khẩu bị hỏng, hai khẩu còn hoạt động). Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm pháo đài. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, quân ta tiếp nhận và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật sử dụng pháo.

leftcenterrightdel
 Một khẩu đội pháo tại trận địa Pháo đài Láng tháng 12-1946 (Ảnh tư liệu).
Các pháo thủ được huấn luyện cấp tốc về tính năng, tác dụng, cấu tạo của pháo cao xạ 75mm. Tài liệu vũ khí được dịch sang Tiếng Việt để huấn luyện cho bộ đội. Các bộ phận của pháo cũng được “Việt hóa” để các pháo thủ dễ nhớ, dễ học như: Chỗ pháo thủ đứng bắn gọi là “mâm” hoặc “bệ pháo”, then đóng mở buồng đạn gọi là “then chốt” hoặc “cơ bẩm”, vành máy tầm gọi là “răng lược”... Đồng chí Trần Đại Nghĩa đã trực tiếp đến hướng dẫn những nội dung cơ bản về kỹ thuật, giúp các chiến sĩ nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, chiến thuật của pháo. Theo lệnh của đồng chí Vương Thừa Vũ, trung đội đã sáng tạo “cải hoán” thành công hai khẩu pháo cao xạ thành pháo mặt đất. Không có phương tiện đo đạc, tính toán, anh em đã khắc phục bằng cách vẽ một vòng tròn chia độ vào một tấm bìa rồi đặt vào bản đồ lấy hướng bắn...

Sau khi bắn những phát đạn đầu tiên trong đêm 19-12-1946, Trung đội Pháo đài Láng vẫn kiên cường, dũng cảm chiến đấu, lập công xuất sắc trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Điển hình là các trận bắn vào phố Trần Hưng Đạo và phố Ngô Quyền, ngày 20-12, ngăn chặn địch tiến công về Bắc Bộ Phủ; bắn cháy máy bay địch ngày 22-12-1946; chế áp các vị trí của địch ở trong Thành, Dinh Toàn quyền... Quá trình chiến đấu, các chiến sĩ Trung đội pháo đài Láng còn lập trận địa giả, dùng bù nhìn bằng rơm làm người giả, bôi đen thân cây chuối, cây cau và tấm cót cuộn tròn làm giả nòng pháo, sau đó buộc vào cối xay thóc để có thể quay tròn...

Ngày 10-1-1947, Bộ chỉ huy mặt trận cho pháo đài cơ động rút về Hà Đông. Đến tháng 6-1947, Trung đội Pháo đài Láng được lệnh rút lên Việt Bắc tiếp tục tham gia kháng chiến trường kỳ.

HOÀNG ÂN