Triển khai làm các ụ chắn, các chiến sĩ tự vệ Hoàng Diệu đã nhờ chủ xưởng gỗ ở số 25, phố Đoàn Thị Điểm cho gỗ dựng ụ chắn. Chiến sĩ ta đào 8 hố, mỗi hố chôn một cây to bằng người ôm. Những cây gỗ khác được nhét vào giữa 4 cái cột, khi xong tạo thành hai ụ nhỏ, cao quá đầu người. Khoảng cách giữa hai ụ đúng theo yêu cầu, tàu điện vẫn có thể chạy qua.

Trước mỗi ụ chắn, các chiến sĩ còn đào một hố rộng, sâu hơn 1m, lấy đất đắp lên ụ. Hai bên đường còn đào thêm hố chạy hết chiều rộng của hè phố (rộng hơn 2m, sâu hơn 1m). Đoạn đường còn lại giữa hai hố, các chiến sĩ đào sẵn một lỗ đặt mìn, khi nổ súng sẽ phá nốt. Như vậy, xe tăng địch có đến cũng khó vượt qua.

Trong thời gian này, quân Pháp liên tục gây hấn, khiêu khích nhưng các chiến sĩ tự vệ Hoàng Diệu vẫn chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, kiềm chế không mắc mưu của chúng. Tiếp đó, trong các ngày từ 19-12 đến 30-12-1946, tự vệ, vệ quốc đoàn đã kiên cường chiến đấu chặn bước quân thù. Theo sáng kiến của đồng chí Lưu Vân, đội "phá hoại" đêm 23-12, các chiến sĩ đã đem cả rổ rá, soong, chậu... úp đầy ngã tư Cát Linh. Anh em còn lấy cuốc chim, xà beng đào mặt đường như vừa chôn mìn. Quân địch kéo đến thấy thế chỉ dám đứng từ xa bắn vào nơi nghi ngờ có quân ta. Xe tăng địch đứng ở đầu phố Cát Linh bắn vào các ụ chắn nhưng không gây thiệt hại gì cho ta. Nhiều lần chúng tiến lên đều bị các chiến sĩ tự vệ dùng lựu đạn, chai xăng đánh trả buộc phải rút về...

Đến ngày 30-12, các chiến sĩ tự vệ Hoàng Diệu đã hoàn thành nhiệm vụ kìm chân, ngăn bước quân thù và được lệnh rút về Nam Đồng. Như vậy, chỉ với đoạn đường dài 400m từ đầu phố đến chướng ngại vật gần cuối phố Hàng Bột, địch đã phải mất tới 12 ngày mới vượt qua. Chiến công của quân và dân Hàng Bột đã góp phần vào chiến công chung của quân, dân Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.

VŨ HOÀNG