Để tăng cường lực lượng lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương mở đợt phát triển đảng viên "Lớp tháng Tám". Hàng nghìn công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và chiến sĩ ưu tú trong LLVT đã gia nhập hàng ngũ của Đảng; đến cuối năm 1947, tổng số đảng viên trong toàn quốc là hơn 70.000 đồng chí. LLVT được chăm lo xây dựng; bộ đội chủ lực phát triển nhanh, đưa quân số lên hơn 120.000 người (giữa năm 1947). Công tác đào tạo cán bộ quân sự được đẩy mạnh, bước đầu đáp ứng với yêu cầu thực tế của chiến trường; lực lượng dân quân tự vệ lên tới một triệu người.

Chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính..., nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia, dân tộc, nên đã tập hợp được đông đảo lực lượng, huy động cao nhất sức mạnh của nhân dân.

leftcenterrightdel
 Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Toàn quốc kháng chiến gặp mặt tại Hà Nội (tháng 12-2016). Ảnh: MINH ANH

Cùng với xây dựng ý chí, quyết tâm kháng chiến, Đảng ta đã tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dưới khẩu hiệu "Độc lập, tự do thật sự cho dân tộc"; trên cơ sở đó, củng cố chính quyền cách mạng - cơ quan chỉ đạo và tổ chức kháng chiến; xây dựng LLVT ba thứ quân và cô lập cao độ kẻ thù. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được tổ chức chặt chẽ, sâu rộng, gắn với các tổ chức chính trị của nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Ta đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, điều hành kháng chiến từ Trung ương đến địa phương một cách tập trung, thống nhất, chủ yếu dựa trên cơ sở chính quyền nhân dân các cấp tại các địa phương.

Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khắp nơi nhân dân ta hăng hái tham gia kháng chiến, tổ chức đánh địch. Sự tham gia tích cực của già trẻ, trai gái của các tầng lớp nhân dân, không chỉ đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, mà điều quan trọng là nhân dân đã thực sự tạo nên “bức tường thành” vững chắc trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “kháng chiến, kiến quốc”; phát động toàn dân hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm; tăng cường sản xuất thủ công nghiệp và công nghiệp, đáp ứng những yêu cầu cơ bản về công cụ sản xuất và những mặt hàng thiết yếu cho quân và dân… Các chủ trương, giải pháp trên đã động viên tinh thần yêu nước và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, góp phần lập nên chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta trong các chiến dịch quan trọng, trên các chiến trường: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Thượng Lào, cuối cùng là cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao, dẫn đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương.

Toàn quốc kháng chiến là một kỳ tích hội tụ sức mạnh dân tộc trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là niềm tự hào và bài học sâu sắc để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo, quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

HOÀNG THANH HẢI