leftcenterrightdel

Trung đội Quyết tử trong lễ tuyên thệ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Tại Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy, sau khi pháo binh bắn hiệu lệnh, các tiểu đoàn: 77, 101, 145, 212, 523 chủ lực Khu 11 phối hợp với công an xung phong, tự vệ chiến đấu đồng loạt tiến công địch. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bộ đội chủ lực Khu 11 phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận trong 60 ngày đêm, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch cùng nhiều vũ khí trang bị chiến tranh, làm cho địch bị tổn thất nặng, giam chân chúng trong thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ cùng nhân dân ra vùng tự do, rút lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn và giúp cho quân dân cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

 

Thị xã Hải Dương nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên Đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đêm 19-12, Trung đoàn 44 (Chiến khu 3) phối hợp với tự vệ, du kích tiến công tiêu diệt địch ở các khu vực Trường Nữ học, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu... Cuộc chiến đấu kéo dài hàng tuần, gây cho địch nhiều thiệt hại, ngăn chặn quân tiếp viện của Pháp từ Hà Nội đến Hải Phòng. Tại thị xã Bắc Giang và Bắc Ninh, 3 giờ ngày 20-12, Trung đoàn Bắc Bắc, Chiến khu 12 tiến công địch ở nhà Câu lạc bộ thị xã Phủ Lạng Thương, sân bay Hạ Vĩ, trại bảo an binh (thành Bắc Ninh). Sau hơn 10 ngày chiến đấu anh dũng, ta gây cho địch một số thiệt hại, buộc chúng phải rút quân khỏi Bắc Giang, Bắc Ninh về Hà Nội. Ở Nam Định, cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực có Trung đoàn 34 (Chiến khu 2) cùng với quân dân địa phương đã giam chân địch ở thành phố Nam Định trong 86 ngày, tạo điều kiện để toàn tỉnh cùng cả nước triển khai thế trận kháng chiến trường kỳ(1).

Tại thành phố Vinh (Nghệ An), chấp hành mệnh lệnh của Bộ, 23 giờ ngày 19-12, 1 đại đội bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 57 (Chiến khu 4) phối hợp với 1 đại đội tự vệ tiến công, bao vây 1 trung đội lính Pháp đóng ở Sở Canh nông, kho Đề-pô-ga. Bị đánh bất ngờ và trước sức mạnh áp đảo của bộ đội ta, đến 1 giờ ngày 20-12, toàn bộ quân địch buộc phải đầu hàng. Ở thành phố Huế, trải qua 50 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 8-2-1947), Trung đội Trần Cao Vân cùng một số đơn vị đã gây cho địch thiệt hại lớn, duy trì cuộc chiến đấu trong nội thành trong 50 ngày đêm. Tại Đà Nẵng, sau hơn một tháng chiến đấu dũng cảm (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 25-1-1947), các đơn vị chủ lực của ta đã gây cho địch thiệt hại nặng, sau đó chủ động rút ra ngoài thành phố để bảo toàn lực lượng(2)...

Phối hợp với thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16, bộ đội chủ lực cùng với tự vệ và nhân dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ liên tục tiến công vào các vị trí địch đóng giữ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá bình định, khiến chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Do đó, thực dân Pháp không thể huy động được quân ra Bắc ứng cứu cho lực lượng đang bị vây hãm dài ngày trong các thành phố. Cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực phối hợp với các lực lượng vũ trang, được sự hỗ trợ của nhân dân, đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của địch định đánh úp các cơ quan đầu não kháng chiến ở thủ đô Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta, tạo điều kiện cho Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, xây dựng thế và lực chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

DƯƠNG ĐÌNH

(1), (2): Theo "60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam", NXB QĐND, H.2014.