Xung phong vào tự vệ chiến đấu khi tuổi xuân còn phơi phới

Nội dung buổi tọa đàm đã làm nổi bật những khó khăn trong việc củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh để huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Các câu chuyện của những nhân chứng lịch sử chủ yếu tập trung vào xuất phát điểm của chặng đường trường kỳ kháng chiến và quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc của quân và dân ta.

Qua lời kể của các nhân chứng, các nhà nghiên cứu lịch sử, thế hệ ngày nay hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về sự kiện Toàn quốc kháng chiến, một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Thủ đô.

Tham luận của các nhà khoa học đã phân tích sâu sắc ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn hóa của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Lời kêu gọi đã thể hiện được niềm tin mãnh liệt của Bác với nhân dân ta, tin vào sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Với tinh thần chiến đấu quật cường, cùng với sự khôn khéo, quyết tâm giành lại độc lập dân tộc, Thủ đô Hà Nội trở thành chiến trường khói lửa, phố phường thân yêu biến thành chiến lũy và mỗi người dân trở thành chiến sĩ. Từ những em nhỏ giao liên tuổi mới 13 như Trung tá Phùng Đệ; các cô gái chân yếu tay mềm như bà Lê Minh Thái, Lê Hồng Ngọc, Lê Phương Trâm đến các chàng trai vốn chỉ quen với đồng ruộng như ông Đỗ Văn Đa đều tham gia chiến đấu, giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố, giữ vững liên lạc giữa các đơn vị.

leftcenterrightdel
 Tọa đàm chuyên đề “Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946”. 
Biết bao chàng trai, cô gái phơi phới thanh xuân đã không ngần ngại ghi tên xung phong vào tự vệ chiến đấu, tình nguyện trở thành những cảm tử quân. Ý chí đánh giặc của cả dân tộc mạnh hơn sắt thép và vũ khí chiến tranh của kẻ thù.

Với tư thế sẵn sàng, ngay sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên ở Pháo đài Láng vào tối ngày 19-12-2016. Đã có rất nhiều những trận đánh ác liệt diễn ra trong nội thành Hà Nội, bởi địch tập trung sức mạnh vào đây để tiêu diệt lực lượng chủ chốt của ta, đồng thời đánh chiếm những vị trí đầu não quan trọng nhất ở Hà Nội.

Kể về trận đánh ở Pháo đài Láng, pháo thủ Đỗ Văn Đa-chiến sĩ tự vệ xã Yên Lãng, người trực tiếp nổ phát súng đầu tiên trong đêm 19-12-1946 nhớ lại: Tối mùa đông năm đó Hà Nội rét đậm, chúng tôi là những chàng trai ngoại thành Hà Nội chỉ quen trồng rau hơn cầm súng nhưng khi đã vào vị trí chiến đấu thì tinh thần của ai vậy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thủ đô. Đúng 20 giờ 3 phút, cả Hà Nội tối om, điện tắt, chúng tôi được lệnh hô “bắn”. Sau đó, loạt 6 viên đạn pháo liên tiếp lao đi. Trời rét căm căm mà chúng tôi ai cũng mồ hôi vã như tắm. Ngay sau đó, chúng tôi như những đứa trẻ nhảy lên sung sướng khi nghe tin trinh sát báo về, pháo đã bắn vào quân địch trong nội thành trúng đích.

Trong số 9 thanh niên làng Láng gia nhập đội tự vệ Pháo đài Láng ngày ấy có 2 người hy sinh trong kháng chiến, 6 người đã mất, giờ chỉ còn lại pháo thủ Đỗ Văn Đa.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Pháo đài Láng giờ đây đã trở thành di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993.

leftcenterrightdel
Pháo thủ Đỗ Văn Đa.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến có vị trí đặc biệt

Thiếu tướng, PGS,TS Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: Trường hợp ngày 19-12-1946, Việt Nam không theo quy luật của chiến tranh quy ước, mà là chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, cuộc kháng chiến chính nghĩa của người yếu chống kẻ mạnh, của người bị xâm lược chống xâm lược, tất yếu phải giành chủ động, biến thời gian, thời cơ thành lực lượng, thành thế lợi. Nếu thụ động, để kẻ địch ra tay trước, sẽ gánh hậu quả khôn lường, kháng chiến sẽ chịu nhiều khó khăn hơn nữa.

Theo PGS,TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong số các bức thư, lời kêu gọi, bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ sau khi Người về nước lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thì Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Người có một vị trí đặc biệt bởi bối cảnh tình hình lúc đó, bởi nó được viết từ chính tay một con Người suốt đời chỉ đấu tranh, hy sinh bản thân mình để mưu cầu độc lập, tự do, hòa bình cho quê hương, đất nước và đồng loại, nhưng buộc phải viết, phải kêu gọi cả nước đứng lên chiến đấu vì độc lập tự do khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút lực lượng địch, giam chân kẻ thù trong thành phố suốt 60 ngày đêm để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rút lui chiến lược thần kỳ từ Hà Nội về chiến khu Việt Bắc an toàn. Chiến công mở đầu của quân và dân Hà Nội mùa đông năm 46 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi và cổ vũ, động viên nhân dân cả nước kháng chiến lâu dài, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Buổi tọa đàm ngày hôm nay là một dịp để chúng ta khơi dậy tinh thần yêu nước và ôn lại những bài học sâu sắc của sự kiện lịch sử này, đồng thời vận dụng vào công cuộc đổi mới, xây dựng  và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay. Trước hết là truyền thống yêu nước, tinh thần ngoan cường của dân tộc Việt, trước đây là “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, còn ngày nay là “không chịu nghèo nàn và lạc hậu, không chịu tụt hậu về kinh tế, khoa học, công nghệ và phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

“Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946” là một buổi tọa đàm có ý nghĩa sâu sắc bởi có sự tham dự của đông đảo các học sinh, sinh viên. Thông qua lời kể của các nhân chứng, nhà nghiên cứu lịch sử, các em đã thấm nhuần hơn nữa tinh thần, ý chí, sức chiến đấu của cha ông ta thuở trước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN