Hội nghị quân sự Trung Giã tổ chức ngày 4-7-1954, tại Trung Giã, một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội giữa đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện quân đội Pháp, để giải quyết một số vấn đề quân sự nhằm thúc đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn.

Đồng chí Lê Minh Nghĩa, thành viên trong đoàn kể lại, sáng 4-7-1954, những chiếc xe Jeep của đoàn ta và xe mô-lô-tô-va chở đoàn nhà báo lên đường đến hội nghị lần lượt qua cầu phao bằng tre, nứa chạy vào Phố Nỉ giữa rừng người vẫy cờ hoa. Đoàn đến địa điểm họp vừa lúc đoàn nhà báo tới. Họ ào ào nhảy xuống đất chụp ảnh Thiếu tướng, trưởng đoàn Văn Tiến Dũng đi trên chiếc xe Jeep sơn dòng chữ: “Xe của tướng Đờ Ca-xtơ-ri, chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ”. Hội nghị bừng lên trong bài diễn văn khai mạc của Thiếu tướng Văn Tiến Dũng. Đối diện là những người bại trận, gương mặt gượng gạo, u buồn. Ngay sau buổi khai mạc, Đại tá Len-nuy-ơ (Lennuyeux)-trưởng đoàn Pháp gặp riêng Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và nói: ''Chúng ta đều là quân nhân, chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng của mình. Nhưng, đã ngồi vào đàm phán với nhau thì đừng làm nhục nhau. Đề nghị thiếu tướng cho thay chiếc xe của Thiếu tướng Đờ Ca-xtơ-ri''. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng mỉm cười nhân hậu. Buổi chiều, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng vẫn đi chiếc xe đó, nhưng dòng chữ được che bằng một câu khác. Đại tá Len-nuy-ơ cảm ơn Thiếu tướng Văn Tiến Dũng về cử chỉ lịch thiệp này...

leftcenterrightdel
Đồng chí Văn Tiến Dũng phát biểu tại buổi đàm phán hòa bình với Pháp (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu/getty images. 

Về cuộc hành quân vào chiến trường mùa Xuân 1975 toàn thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng kể: "Sau khi Trung ương đã xác định quyết tâm chiến lược và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, tôi được anh Ba cử thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh vào chiến trường để trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh B3 và các lực lượng cơ động của Bộ chuẩn bị chiến dịch này. Ngày 5-2-1975 (25 tháng chạp năm Giáp Dần) tôi đến chào anh Văn để lên đường.

Để giữ bí mật khi ở Tổng Hành dinh vị Tổng Tham mưu trưởng “bị mất hút”, các cơ quan ta đã có một kế hoạch đồng bộ, chặt chẽ để phong tỏa mọi tin tức, đồng thời tổ chức nghi binh thật khéo. Về phần mình, để đánh lạc hướng địch, trước khi vào Tây Nguyên, tôi vẫn giữ nếp cứ vào giáp Tết thường chuẩn bị quà và thư chúc Tết các gia đình cơ sở cách mạng đã từng giúp đỡ, che chở những tháng năm hoạt động bí mật trước cách mạng để gửi. Mọi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày ở cơ quan cũng như ở nhà, khi tôi đi gia đình vẫn duy trì bình thường. Kể cả chiếc xe Volga đen mang biển số xanh 29C-5288 thường nhật đưa đón làm việc ngày hai buổi, rồi đêm đêm đèn vẫn sáng trong phòng làm việc đến khuya như tôi thường làm việc ban đêm ở nhà. Trong hành trang, ngoài trang bị chiến đấu, sinh hoạt, còn có một số hàng Tết như mứt, kẹo, thuốc lá, rượu... và đặc biệt là kẹp tóc của phụ nữ nhà tôi mua gửi theo để tôi tặng chị em thanh niên xung phong và các chiến sĩ gái.  Hơn l0 giờ sáng hôm đó chiếc AN-24 đưa chúng tôi rời Hà Nội và trưa ấy hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Đoàn xe u-oát của Bộ Tư lệnh 559, có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh từ Quảng Trị ra đưa chúng tôi theo đường số l qua Lệ Thủy đến Hồ Xá. Xe đưa Đoàn đến bờ Bắc sông Bến Hải, ở đó đã có thuyền gắn máy cập mạn và đến xế chiều thì thuyền máy cũng vừa đến bến. Chúng tôi “đổ bộ”' lên bờ Nam, đoàn xe u-oát chờ sẵn lại đưa chúng tôi về một khu rừng kín phía tây huyện Gio Linh, đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Đoàn ở lại đây một ngày và sáng  7-2 tức 27 tháng Chạp, tiếp tục xuất phát vào B3. Để bảo đảm xe của Đoàn có thể vượt qua tất cả các đoàn xe khác đang rầm rập nối nhau chuyển hàng hậu cần ra mặt trận, trên mỗi xe của Đoàn đều gắn ký hiệu đặc biệt “TS 50” được quyền “ưu tiên số l”

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hai câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu cứ hằn lên trong tâm thức tôi và là khẩu liệu hành động của anh em công binh, bộ đội vận tải, thanh niên xung phong đang mở đường khắc lên vách núi, viết trên giấy dán lên các thành xe tải, xe tăng, súng, pháo lớn. Khi qua một đoạn dốc thoai thoải, ở đó toàn nữ thanh niên xung phong và chiến sĩ gái, thấy đoàn xe  đến, các cô reo hò ríu rít, vẫy chào và gọi với theo:

- Gần Tết rồi mà chúng em vẫn chưa nhận đưa thư nhà Thủ trưởng ơi!

Rồi tiếng của các lái xe chở hàng từ buồng lái thò đầu ra:

- Thủ trưởng ơi, Tết đến rồi mà anh em chưa có thuốc hút, chưa có tin gia đình ở hậu phương...

Tôi bảo anh em xe hậu cần đi theo dừng lại đưa đến các chị em cả chục hộp cặp tóc với mấy trăm chiếc và các cậu lái xe mấy tút thuốc lá Điện Biên để làm quà, còn thư nhà thì bảo các cô, các cậu hãy đợi đấy. Tiếng cười rộ hồn nhiên, thoải mái lại vang lên trên đường hành quân...".

Chuyện chiếc xe Jeep của tướng De Castries và cuộc hành trình trên đường ra trận Xuân năm 1975 còn nhiều điều đáng ghi nhớ, không sao kể hết… Trong hành trang Tổng Tham mưu trưởng mang đến hội nghị và ra trận, bên cạnh trí tuệ uyên thâm, kiến thức quân sự với những quyết sách cho trận đánh cuối cùng giành toàn thắng, còn thấy một trái tim đầy nhân ái, trái tim lớn với đồng chí, đồng đội... 

Đại tá, TS NGUYỄN THÀNH HỮU