Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, hoạt động chủ yếu của đồng chí Văn Tiến Dũng liên quan đến công tác chính trị. Những chuyển biến quan trọng về chất lượng chính trị trong quân đội đã chứng tỏ một tài năng chính trị gắn liền với tên tuổi của ông. Nhưng ở đồng chí Văn Tiến Dũng, tài năng về chính trị luôn gắn với tài năng về quân sự. Biểu hiện rõ nhất là từ khi đồng chí giữ chức Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320. Sau Chiến thắng Biên giới năm 1950, trước yêu cầu mới của chiến trường cần tổ chức một số đại đoàn chủ lực, có sức cơ động tác chiến lớn trên chiến trường chính Bắc Bộ, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới, giao nhiệm vụ cho Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 3 thành lập Đại đoàn 320. Trên tinh thần đó, đến năm 1951, Đại đoàn 320 được thành lập, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn.

Dưới sự chỉ huy sắc sảo, nhạy bén và mưu lược của đồng chí Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã liên tục chiến đấu, lập công xuất sắc, góp phần to lớn vào phát triển chiến tranh du kích, xây dựng LLVT nhân dân, củng cố và phát triển căn cứ địa... góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đánh giá tài năng quân sự của đồng chí Văn Tiến Dũng thời kỳ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến trường đồng bằng và Đại đoàn 320 là nơi đồng chí Văn Tiến Dũng phát triển tài năng quân sự xuất sắc của mình, chỉ huy bộ đội đánh bại nhiều cuộc càn lớn của binh đoàn cơ động Pháp, cùng các LLVT địa phương phát triển phong trào du kích chiến tranh, huy động nhân tài, vật lực của đồng bằng đóng góp cho kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh đánh giá cao phong trào du kích chiến tranh ở đồng bằng, đánh giá cao hoạt động của Đại đoàn 320 và Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng”(1).

leftcenterrightdel
Đại tướng Văn Tiến Dũng kiểm tra sân bay Cát Bi tháng 12-1976. Ảnh tư liệu. 
Khi là Chính ủy Đại đoàn, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chú về đồng bằng, trong mọi hành động cần nhớ rằng chính trị ngang quân sự”, đồng chí đã để lại dấu ấn quan trọng trong xây dựng Đại đoàn 320 vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến ngày càng khó khăn, gian khổ. Nổi bật là qua những cuộc chỉnh huấn lớn, đồng chí đã chăm lo xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ đại đoàn có bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân, xây dựng tinh thần tích cực công kích địch, giáo dục lòng căm thù giặc và lòng yêu thương, gắn bó với nhân dân, làm cơ sở cho mọi hoạt động chiến đấu và xây dựng của đại đoàn.

Đặc biệt, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của đại đoàn đã được đồng chí triển khai một cách toàn diện, bảo đảm quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tới cán bộ, chiến sĩ kịp thời. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 320 luôn có ý chí chiến đấu rất cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của điều kiện sống và chiến đấu, tiến lên giành những thắng lợi quan trọng, góp phần làm xoay chuyển cục diện tình hình ở Đồng bằng Bắc Bộ có lợi cho ta, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từng bước đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau thắng lợi trong việc đánh bại cuộc hành binh Hải Âu của địch, tháng 11-1953, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập về Việt Bắc, giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Đảm nhiệm cương vị mới trong tình hình cuộc kháng chiến có nhiều chuyển biến, phát huy tài năng quân sự và chính trị của mình, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh nhanh chóng bắt tay vào triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954.

Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh giúp Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời huy động sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch của Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp đi Khu 3, Khu 4 tổ chức tại chỗ chi viện cho mặt trận. Với sự chi viện đắc lực và kịp thời của nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp to lớn của Khu 3, Khu 4, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi trọn vẹn, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng ghi nhận một chặng đường chiến đấu và công tác đầy thành tích của đồng chí Văn Tiến Dũng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Quân ủy Trung ương(2), đồng chí Văn Tiến Dũng cùng Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, tập trung tích cực vào việc chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc XHCN trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào miền Nam.

Trong 10 năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1964), đi cùng với chỉ đạo về mặt quân sự, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng cơ quan Bộ Tổng tham mưu vững mạnh toàn diện làm cơ sở cho việc chỉ đạo nâng cao sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Tham gia Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương), đồng chí Văn Tiến Dũng đã góp phần quan trọng cùng tập thể Tổng Quân ủy ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, điển hình như Nghị quyết về tổ chức Đảng ở các đại đoàn bộ và trung đoàn bộ (ngày 8-3-1955); thông qua Điều lệ Công tác chính trị của quân đội (tháng 11-1958) v.v.. Nhờ đó, quân đội không chỉ được củng cố kiện toàn về tổ chức, biên chế mà sức mạnh chiến đấu, đặc biệt là tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nhất trong đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và đầy gian khó này, tài năng quân sự của đồng chí Văn Tiến Dũng được tiếp tục phát huy cao độ. Nổi bật là, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, từ sự tham mưu trúng, đúng của Bộ Tổng tham mưu, đứng đầu là Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó chú trọng vào cách đánh mới là tổng công kích đồng loạt vào các trung tâm đầu não chính trị-quân sự của địch tại các thành phố và đô thị lớn trên toàn miền Nam để tiêu diệt quân thù. Qua đó, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn trong Xuân Mậu Thân, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

Thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là thắng lợi quyết định trong nghệ thuật “thắng từng bước” của Đảng tiến đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1975), trong đó thể hiện rất rõ vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Tài năng quân sự đó tiếp tục được đồng chí phát huy trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971). Với tài thao lược của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch tập trung lực lượng bẻ gẫy cánh quân phía Bắc, đánh thiệt hại cánh quân phía Nam, tiến tới tiêu diệt cụm quân địch ở Bản Đông rồi chuyển sang phản công trên toàn mặt trận, tiêu diệt quân địch rút chạy. Bước sang năm 1972, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược nhằm tạo ra bước chuyển căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh, đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đồng chí Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược chủ yếu - hướng Trị-Thiên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến dịch Trị-Thiên kết thúc thắng lợi, tạo đà quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1972, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Sau khi kiểm tra lần cuối, đồng chí đã phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho toàn quân chủng phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu vào ngày 3-12-1972. Nhờ đó, Quân chủng Phòng không-Không quân cùng với quân và dân miền Bắc bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần quyết thắng cao độ, lập nên chiến công hiển hách-chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Mùa Xuân năm 1975, là đại diện của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tại chiến trường Tây Nguyên, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị thực hiện thành công kế hoạch nghi binh lừa địch, táo bạo thọc sâu kết hợp với vu hồi và đột phá giòn giã quân thù, mở đầu cho những thất bại toàn diện về chính trị, quân sự không thể cứu vãn của địch.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với vai trò là Tư lệnh chiến dịch, đồng chí đã cùng Bộ tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc và thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: Thần tốc, táo bạo, chắc thắng; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải bảo đảm cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Với cách thức “nhanh gọn, táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp phá cầu cống, co cụm về Sài Gòn. Chọn đánh 5 mục tiêu cũng là 5 huyệt lớn phải chiếm: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Dùng bộ binh cơ giới đánh cả ban đêm và ban ngày, đột kích bằng cơ giới bỏ qua những mục tiêu không trọng tâm lao thẳng vào sào huyệt địch...”, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ huy các cánh quân nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, viết nên một “câu chuyện thần kỳ của thế kỷ 20”.

Cùng với những cống hiến xuất sắc về quân sự, trong những năm 1965-1975, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn trong xây dựng quân đội về chính trị, đặc biệt là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT; tăng cường hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho quân đội luôn có ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Những dấu ấn đó đã làm cho đồng chí Văn Tiến Dũng trở thành một trong những vị tướng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20, đúng như nhận xét của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Đồng chí Văn Tiến Dũng “...xứng đáng là Đại tướng anh hùng”(3).

---------------

(1) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50.

(2) Tháng 8-1959, đồng chí Văn Tiến Dũng được phong quân hàm Thượng tướng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1961, đồng chí giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

(3) Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng (Hồi ký), Sđd, tr.47.

Đại tá, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam