QĐND - LTS: Năm 1988, NXB Presidio Press phát hành cuốn Việt Nam chiến sử 1946-1975 (Vietnam at war The History 1946-1975), của tướng Phi-líp Đa-vít-xơn (Phillip Davidson), hiện giảng dạy quân sự tại Học viện Oét Poi-tờ (West Point), Hoa Kỳ. Tạp chí Thư viện (Library Journal) đánh giá đây là cuốn sách ngang tầm với cuốn Việt Nam Vietnam: A History (Việt Nam: một thiên sử) của Stan-lây Kác-nao (Stanley Karnow)

Tạp chí Choice (Troi-xơ), chuyên bình sách mới phục vụ cho các thư viện học thuật đánh giá cuốn Việt Nam chiến sử 1946-1975:

“Sợi chỉ xuyên suốt của sách là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật lỗi lạc, dù không có học vị quân sự chính thức, đã đưa một đội du kích trang bị thô sơ lên thành một trong những quân đội hùng mạnh nhất của thế giới… Hiểu biết sâu sắc mà tác giả Phi-líp Đa-vít-xơn có được là nhờ thời kỳ ông là thủ trưởng quân báo Mỹ thời các Tư lệnh Oét-mo-len (Westmoreland) và A-bram (Abrams) (trong chiến tranh Việt Nam)…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1957. Ảnh: Mai Nam

Về những nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân và LLVT nhân dân, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Việt Nam, tác giả Phi-líp Đa-vít-xơn viết:

"Võ Nguyên Giáp, cũng như nhiều vị tướng giành chiến thắng trước đó trong lịch sử, nhận thức rõ rằng khi mũi tên, hòn đạn không còn bay nữa, các thách thức không biến đi, chúng chỉ chuyển biến thành dạng khác. Sau ngày tiếp quản Hà Nội, các vấn đề mới mà Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các lãnh tụ Việt Minh khác phải đối phó là công cuộc tái thiết lại miền Bắc. Trong khi các cơ sở công nghiệp nghèo nàn ở miền Bắc gần như không tránh được sự hủy hoại của cuộc chiến tranh vừa kết thúc, người Pháp và các phần tử thân Pháp còn tháo dỡ hầu hết các máy móc công nghiệp và chở vào Nam. Hệ thống dẫn nước cho ruộng đồng khá là thô sơ, nhưng cũng bị phá hủy ghê gớm trong chiến tranh, đòi hỏi phải khôi phục cấp thiết. Đường bộ và đường sắt, đặc biệt là vùng xung quanh Hà Nội và khu Việt Bắc hầu như bị phá hủy hoàn toàn.

Toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, bắt tay vào tái thiết miền Bắc Việt Nam, theo hướng công nghiệp hóa, có năng suất lao động cao và tự lực cánh sinh. Quân đội đi đầu trong các nỗ lực kiến thiết, xây dựng đường sá, sửa chữa đê điều, khôi phục các làng xóm và thu hoạch mùa màng. Bộ đội chống lũ lụt, giúp dân trong các tình huống hiểm nghèo khác. Duy trì mặt trận đấu tranh chính trị do Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp xây dựng, các quân nhân không ngừng vận động người dân ủng hộ chế độ Cộng sản và lý tưởng Mác-xít.

Năm 1958 các nhà lãnh đạo miền Bắc tăng cường thêm vai trò của quân đội trong kinh tế quốc dân. Một số đơn vị quân đội thiết lập và đưa vào hoạt động các nông trang tập thể. Cho đến năm 1959 đã có hơn 40 nông trang, nông trường như thế phát triển ở nhiều mức độ khác nhau. Một số đơn vị xây dựng các nhà máy, rồi làm việc trong đó, một số khác khai thác than trong hầm mỏ. Bề ngoài, Võ Nguyên Giáp ủng hộ việc sử dụng bộ đội trong kinh tế dân sự, nhưng về thực chất, ông luôn nhấn mạnh quan điểm rằng nhiệm vụ hàng đầu của quân đội trong thời bình là huấn luyện chiến đấu…

Một vấn đề quan trọng buộc Võ Nguyên Giáp phải quan tâm dĩ nhiên là thuần túy quân sự. Ông nhận thức rõ rằng cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Đông Dương chưa kết thúc, ông phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới, một cuộc xung đột không thể tránh khỏi. Ông nhận thấy bộ đội chủ lực của mình, cho dù vừa chiến thắng, đang bị ràng buộc vào những khiếm khuyết có thể biến thành tử huyệt trong cuộc đối đầu với kẻ thù hùng mạnh như quân Mỹ. Thứ nhất, khối sĩ quan của ông chưa có kiến thức đạt tới một phạm vi rộng hơn của nhà quân sự chuyên nghiệp. Do sự khẩn trương của cuộc chiến tranh vừa qua, họ chỉ được đào tạo để đảm đương được chức trách của cấp bậc, cương vị của mình. Kết quả là các kinh nghiệm chiến trường chỉ rèn giũa mỗi người sĩ quan trong một không gian chật hẹp của cương vị anh, và người thầy khắc nghiệt ấy (chiến tranh) cũng đóng khung người sĩ quan trong sự kém hiểu biết về các lĩnh vực rộng lớn của khoa học và nghệ thuật quân sự…

Dựa trên các kinh nghiệm chống Pháp, Võ Nguyên Giáp ấn định rằng tất cả các khóa đào tạo sĩ quan từ nay phải đưa các kiến thức về không quân và phòng không vào chương trình huấn luyện. Với tầm nhìn xa, Võ Nguyên Giáp gửi phi công đi học ở Trung Quốc. Trang bị của hải quân cũng không bị lơ là. Một trường huấn luyện Hải quân được thành lập…

Để khắc phục khiếm khuyết về huấn luyện chiến đấu, Võ Nguyên Giáp tiến hành các cuộc diễn tập nhỏ, và cả những cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng. Bởi vì các đơn vị Bắc Việt Nam chủ yếu là bộ binh, Võ Nguyên Giáp xây dựng nhiều trường bắn và đặt ra tiêu chuẩn cao về thiện xạ. Các trường bắn cho pháo binh cũng được xây dựng, và các sĩ quan pháo binh được huấn luyện về các phương pháp bắn gián tiếp và xạ kích hỏa lực tập trung…

Một số vũ khí của Liên Xô xuất hiện trong bảng thực lực trang bị: Xe tăng PT 76, một số pháo 122mm. Võ Nguyên Giáp buộc phải xử lý sự thiếu quy chuẩn của khối vật chất-trang bị hậu cần quân sự mà bộ đội của ông được trang bị, và đã tự chế trong cuộc chiến chống Pháp. Ông xây dựng hệ thống kho tàng thường trực, xây dựng thêm đường sá, cầu cảng, cải tiến hiệu quả của hệ thống thông tin liên lạc và điện báo quốc dân. Để hỗ trợ cho quân đội, ông thành lập các đơn vị xe tải, mở trường dạy lái xe, đào tạo đội ngũ nhân viên bảo trì trang bị kỹ thuật.

Từ giữa những năm 50 bắt đầu thực hiện quản trị hành chính trong quân đội: Vấn đề chính quy hóa quân đội, về chế độ đãi ngộ, về quân hàm…

Đầu năm 1962, Võ Nguyên Giáp và cơ quan tham mưu của ông in những sổ tay hướng dẫn bộ đội của họ cách chống lại các cuộc tiến công bằng chiến thuật trực thăng vận của Mỹ-Nam Việt Nam. Một cuốn như thế viết bằng một giọng thẳng thắn đến bất ngờ: “Kẻ địch ở một số nơi đã gây cho ta những thiệt hại đáng kể. Chúng ta phải tìm ra biện pháp để đối phó với chiến thuật đổ quân bằng trực thăng của chúng”.

Kết cục, Võ Nguyên Giáp và cơ quan tham mưu của ông đã triển khai được cách đối phó. Nếu bị bất ngờ, quân Giải phóng không chịu rút, mà trụ lại bắn trả trực thăng. Họ phục kích tại các bãi trực thăng đổ quân, đồng thời giấu quân ở các địa bàn rừng núi quá xa, hoặc quá phức tạp cho tiến hành chiến thuật trực thăng vận. Cho tới đầu năm 1963, quân Giải phóng đã bắt đầu vô hiệu hóa các chiến dịch trực thăng vận của Mỹ.

Võ Nguyên Giáp đã tăng cường một số hoạt động để hiện thực hóa quyết định của Hồ Chí Minh về tăng cường sự hỗ trợ cho Quân giải phóng. Thứ nhất, Võ Nguyên Giáp dốc toàn lực để nâng cấp vũ khí và quân dụng cho Quân giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara trong một lần bị vong lục ảm đạm của Lầu Năm Góc ngày 16-3-1964, bộc lộ: “Kể từ 1-7-1963, đã xuất hiện những hạng mục vũ khí trước kia chưa có trong trang bị của Việt Cộng: Súng không giật 75mm, đại liên, súng cối và súng phóng lựu 90mm do Trung cộng sản xuất…”.

Trong một nước cờ trọng yếu, Võ Nguyên Giáp quy chuẩn danh mục vũ khí của Quân Giải phóng, từ chỗ là một tập hợp đủ loại thứ vũ khí nhẹ thuộc những nhãn mác bằng nhiều thứ tiếng, thành một danh sách thống nhất về chủng loại. Quan trọng nhất trong danh mục mới này súng AK-47, một vũ khí tiến công do Liên Xô thiết kế. Súng máy 7,62mm do Nga thiết kế cũng tham gia danh mục này, cùng với RPG-2 (B-40) và súng không giật 75mm.

Với sự cải thiện về chất và tăng cường về bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho kho vũ khí và dòng chảy của sự thâm nhập cán binh từ miền Bắc, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh bắt đầu phiên chế Quân Giải phóng thành các đơn vị cấp chiến thuật quy mô lớn hơn. Năm 1964 đã được chứng kiến sự thành lập của sư đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng-Sư đoàn 9, có căn cứ tại Tây Ninh, phía tây Sài Gòn. Sư đoàn này được thành lập từ hai Trung đoàn bộ binh 271 và 272 của Quân Giải phóng và một số đơn vị trợ chiến. Đến cuối 1964, Sư đoàn 9 đã có những trận đầu đánh quân lực Việt Nam cộng hòa. Trong một công thức tương tự, các tiểu đoàn chủ lực của Việt Cộng cũng được tăng cường lực lượng để trở thành đơn vị cấp trung đoàn, còn các đại đội được nâng cấp lên thành tiểu đoàn. Khi Việt Cộng đã có được vũ khí tốt hơn và các chỉ huy giỏi hơn, Võ Nguyên Giáp bắt đầu chương trình huấn luyện quân sự cấp tốc. Những tiến bộ đã rõ rệt đến mức Mắc-xoen Tay-lo (Maxwell Taylor), đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam thời kỳ này, viết báo cáo: “Xét về trang bị và huấn luyện, bộ đội Việt Cộng (Quân giải phóng) hôm nay đã đạt được trang bị tốt hơn, và được chỉ huy tốt hơn bao giờ hết…".

Phi-líp Đa-vít-xơn

Lê Đỗ Huy (lược dịch)