AR: "Chúng ta đã đến giai đoạn biểu lộ thế quân bình lực lượng: Đó là cuộc giải phóng biên giới mà lịch sử Pháp gọi là "Chiến cuộc đường số 4".
VNG: "Sau thắng lợi của cách mạng Trung Hoa, chúng tôi đã có ý định thành lập một vùng có liên lạc trực tiếp và dễ dàng với Trung Quốc. Lúc đầu dự định là Lào Cai, sau đó Bác Hồ xác định là Cao Bằng. Như tôi đã nói sau khi Revers đến Đông Dương, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã có ý định rút khỏi Cao Bằng... Trận đầu là tấn công tiêu diệt Đông Khê, giăng một cái bẫy nhử quân địch. Đó là điều đã diễn ra. Đại tá Charton chỉ huy cứ điểm Cao Bằng đã rút mà không liên hệ được với quân ứng cứu do đại tá Lepage chỉ huy. Cuộc chiến đấu diễn ra giữa rừng rậm. Các chiến binh chúng tôi đã nêu cao tinh thần anh dũng vô song, cuối cùng bắt sống cả Charton và Lepage. Rồi Lạng Sơn cũng rút chạy, cả một tuyến biên giới được giải phóng.
AR: "Đây có phải là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh hay không?".
VNG: "Đúng, một bước ngoặt".
…Sau khi điểm qua các tướng Pháp từ De Lattre de Tassigny đến Navarre, cuộc trò chuyện chuyển đến giai đoạn cuối: Điện Biên Phủ.
AR: "Các nhà sử học đã ghi chép rằng lúc đầu các ông dự định tổ chức một cuộc "đánh nhanh thắng nhanh". Rồi vào phút cuối, ông đã thay đổi cách đánh?".
VNG: "Chúng tôi phải đối mặt với một tập đoàn cứ điểm… Lúc đầu số lượng quân địch còn ít, hệ thống phòng ngự chưa được củng cố. Bộ phận chuẩn bị chiến trường lập kế hoạch đánh nhanh trong vài ngày đêm. Khi tôi lên tới mặt trận, tất cả mọi người: Các chỉ huy Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc đều tán thành cách đánh này. Ngày 14-1, ra lệnh chuẩn bị cho cuộc tấn công dự kiến vào ngày 20 rồi 25. Toàn mặt trận phấn khởi chuẩn bị. Ngày 25, vào trước giờ G tôi ra lệnh hoãn 24 tiếng. Tôi muốn xem xét lại tình hình. Tập đoàn cứ điểm đã được củng cố rất nhiều, thực tế là một thành trì quân sự do 21 tiểu đoàn loại tinh nhuệ nhất của quân viễn chinh Pháp phòng ngự. Tôi tự hỏi: Sao lại lao đầu vào một cái bẫy? Thời gian càng trôi qua, tôi càng thấy tấn công không chắc thắng là phiêu lưu và thất bại là một thảm họa. Sẽ bị tổn thất nặng, không còn sức lực để tiếp tục kháng chiến".
 |
Ảnh trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp-một cuộc đời" |
AR: "Lúc nào ông thay đổi cách đánh?".
VNG: "Vào phút cuối cùng. Trong đêm 25 rạng ngày 26-1, tôi đã ra một quyết định khó khăn nhất trong suốt cuộc đời tôi. Tôi đã phát sốt và buộc quanh trán một nắm ngải cứu. Tôi nhớ lại lời dặn của Bác Hồ: "Chắc thắng thì đánh, không chắc thì không đánh". Thế mà tôi không chắc thắng. Sáng sớm tinh mơ tôi ra quyết định thay đổi cách đánh, nếu không thay đổi cách đánh có nghĩa là tự sát.
Tôi mời đồng chí Vi Quốc Thanh cố vấn trưởng, đồng chí thấy trán tôi buộc ngải cứu, hỏi thăm sức khỏe của tôi và tình hình chuẩn bị chiến đấu. Tôi nói sự suy nghĩ và quyết định mới của tôi. Phải nói ngay rằng, đồng chí cố vấn hiểu ngay và đồng tình với tôi.
Sau đó tôi triệu tập hội nghị Đảng ủy Mặt trận. Tranh luận rất sôi nổi, người lý do này, người lý do khác. Tôi muốn thuyết phục. Cuối cùng Đảng ủy Mặt trận đồng ý với tôi, thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ chúng tôi họp mặt, các cấp chỉ huy đại đoàn đều nói: "Nếu không thay đổi cách đánh thì thất bại". Nhiều người trong thâm tâm đã muốn thay đổi…".
…Sau khi điểm qua các sự kiện cử Đại đoàn 308 thực hiện nghi binh chiến lược tấn công sang Thượng Lào rồi nhanh chóng quay về Điện Biên Phủ, sự kiện kéo pháo ra bố trí lại, sự kiện hậu phương chi viện và chiếc xe đạp thồ của dân công Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu 55 ngày đêm… A-lanh Rút-xi-ô hỏi về cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ. Đại tướng trả lời: "Thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ là một cuộc đấu tranh cách mạng".
Nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Mỹ
A-lanh Rút-xi-ô: Ở miền Nam, người Pháp nhanh chóng bị người Mỹ gạt mà không chống lại. Bảo Đại thân Pháp bị thay thế bởi Ngô Đình Diệm thân Mỹ. Người Mỹ thực hiện một kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ nhằm lập một chế độ mạnh không kém gì chế độ phát xít. Ở Hà Nội các ông có được thông tin không?".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chúng tôi chưa bao giờ dứt liên lạc với các đồng chí ở phía Nam. Tất cả chúng tôi đều là người Việt Nam".
AR: "Sự đàn áp khốc liệt đến nỗi có vài nơi đã phải chống lại bằng vũ trang. Tuy nhiên cho đến hè 1959, sau 5 năm, Đảng mới chủ trương phát động đấu tranh vũ trang, như vậy có chậm trễ không?".
VNG: "Các đồng chí lãnh đạo Đảng và cả tôi nữa nhiều lần giải thích cho cán bộ: "Các đồng chí miền Nam tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng. Bạo lực cách mạng nhất định phải trả lời bạo lực phát xít". Tuy nhiên từ 1954 đến 1959, phương thức chủ yếu là đấu tranh chính trị.
Chúng tôi theo dõi tình hình và ở phía Nam đã có những cuộc đấu tranh vũ trang tự phát của quần chúng. Nhu cầu đấu tranh vũ trang càng ngày càng được đặt ra. Nhiều địa phương đã nổi dậy từng phần giành được thắng lợi. Lê-nin đã từng nói: "Về các hình thức tổ chức và phương thức đấu tranh, không có một nhà lãnh đạo cách mạng nào dù có kinh nghiệm đến mấy cũng không thể sáng tạo bằng quần chúng". Chúng tôi đã chăm chú theo dõi các sáng tạo của quần chúng và điều đó cắt nghĩa tại sao và bằng cách nào chúng tôi đã đi đến Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 1959".
AR: "Tháng 12-1960 thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Các ông tán thành chứ?".
VNG: "Chúng tôi luôn trung thành với truyền thống rất lâu đời của đất nước tôi là đoàn kết toàn dân chống kẻ xâm lược, tôi đã nêu ra với ông nhiều lần. Và phải thấy ở đây có ảnh hưởng của Hồ Chí Minh: Lợi ích quốc gia là tối thượng".
...AR: "Tháng 8-1964, lấy cớ tàu khu trục Ma-đốc bị tấn công, Mỹ chuyển chiến tranh sang một giai đoạn mới: Ném bom nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ngày càng tăng cường ném bom hủy diệt. Đồng thời, năm 1965, đưa 500.000 quân Mỹ vào miền Nam. Trên thế giới người ta coi đây là cuộc chiến của con bọ chống lại con voi. Về sau, đương nhiên ai cũng thấy là nhân dân Việt Nam đã thắng. Nhưng vào lúc đó, thật sự các ông có lúc nào hoảng sợ trước con quái vật nhiều lần mạnh hơn thực dân Pháp? Lúc đó các ông phân tích như thế nào?".
VNG: "Chúng tôi không bao giờ hoảng sợ mặc dù có sự chênh lệch về sức mạnh. Vì sao? Đó là vẻ bề ngoài. Chúng tôi đã phân tích những mâu thuẫn của kẻ địch và sức mạnh của chúng tôi: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" không chỉ là một khẩu hiệu, đó là một luận đề đã được phân tích rõ ràng các khả năng, chiến thắng là chắc chắn trong điều kiện thời đại mà chúng ta sống. Người Mỹ có lô-gic của họ, có nhiều lý lẽ để họ tin sẽ chiến thắng. Đơn giản vì họ không đánh giá nổi sức mạnh của một dân tộc ở thế kỷ XX, trong thời đại sau Cách mạng Tháng Mười, trong bối cảnh có một phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh và một mặt trận chống đế quốc trên toàn cầu.
Khi người Mỹ thất bại trong "chiến lược chiến tranh đặc biệt" chuyển sang "chiến lược chiến tranh cục bộ", chúng tôi đã nhận định: Tính chất chiến tranh đã thay đổi. Không phải chỉ là một số đơn vị Mỹ với các cố vấn mà đối diện với chúng tôi là sức mạnh của quân lực Hoa Kỳ. Chúng tôi đáp trả lại bằng tăng cường chiến tranh nhân dân và càng gắn bó chặt chẽ hai miền Nam-Bắc. Người Mỹ tin rằng với việc họ tăng cường lực lượng ở miền Nam, ném bom miền Bắc, chúng tôi sẽ không cử các đơn vị đi vào miền Nam, sẽ không chi viện miền Nam nữa. Họ đã tính nhầm. Ngược lại, chúng tôi càng tăng cường vào miền Nam từng tiểu đoàn, trung đoàn rồi sư đoàn. Người Mỹ không làm chủ được tình thế. Chính lúc họ leo thang cao nhất, tăng cường tấn công xâm lược nhất là lúc họ tiến gần đến thất bại hoàn toàn. Họ tự cho là những "người khá nhất, thông minh nhất" nhưng họ không hiểu được bản chất cuộc chiến đấu giải phóng của một dân tộc. Điều đó chứng tỏ những kẻ xâm lược là phiêu lưu.
Cuộc trò chuyện giữa A-lanh Rút-xi-ô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp điểm qua cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược ở nông thôn miền Nam, cuộc tấn công Xuân Mậu thân vào các thành phố khắp miền Nam, cuộc Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ và mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia và Lào, rồi đến lúc Mỹ phải rút hết quân và cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Trong cuộc sống của một dân tộc, đôi khi có những giấc mơ, nhiều khi giấc mơ quá lớn đến nỗi người ta tưởng là không thể thực hiện được. Vậy là ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ yêu quý: Đất nước thống nhất, tự do, độc lập, hòa bình, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày toàn thắng chúng tôi có những giây phút xúc động chưa từng có. Tất cả chúng tôi đều rất xúc động nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời (Kỳ 1, 2)
Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời (Kỳ 3)
Trung tướng Phạm Hồng Cư