AR (A-lanh Rút-xi-ô): “Sự khởi đầu thành lập mầm mống quân đội như thế nào?”.

VNG: “Ban đầu là các tổ chức Tự vệ, là tổ chức bán vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ dân và quấy rối quân địch. Thanh niên nam nữ hăng hái tham gia. Rồi chuyển dần lên thành những nhóm vũ trang chuyên hoạt động quân sự bao gồm những phần tử trung kiên, phần lớn là đảng viên được giáo dục chính trị kỹ. Đến 22-12-1944 thành lập đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên gồm 34 chiến sĩ. Ngày này đã trở thành Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc thành lập đội, Bác Hồ nhấn mạnh ưu tiên là công tác tuyên truyền, tức là chính trị trọng hơn quân sự…”.

AR: “Chúng ta đã đến giai đoạn tiền khởi nghĩa và khởi nghĩa. Lúc ấy ông làm gì?”.

VNG: “Xuân - Hè năm 1945 đánh dấu một bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ về lực lượng và ảnh hưởng của phong trào cách mạng. Công cuộc “Nam tiến” tiến hành rất kết quả. Tháng 6, chúng tôi thành lập Khu Giải phóng bao gồm Cao Bắc Lạng Thái Hà Tuyên. Tổng hành dinh đặt ở Tân Trào. Chúng tôi đã về đến rìa vùng đồng bằng. Giờ phút quân Nhật đầu hàng đến gần. Chúng tôi đã triệu tập Đại hội quốc dân và khi thời cơ đến, ra lệnh Tổng khởi nghĩa ngày 13 tháng 8. Liền sau đó là cuộc xuất quân về giải phóng Thái Nguyên. Binh lính bù nhìn đầu hàng không chống cự. Tôi nhận được một tờ báo Hà Nội đưa tin: Việt Minh đã thắng lợi trong cuộc mít tinh ngày 17. Các đại biểu khác vẫn còn ở Tân Trào. Riêng đồng chí Trường Chinh và tôi ở Thái Nguyên. Chúng tôi đánh giá: Tâm điểm của sự kiện trước đây là Thái Nguyên nay đã chuyển về Hà Nội. Chúng tôi lập tức về Hà Nội”.

AR: “Lúc này cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Hà Nội và lan rộng khắp cả nước”.

VNG: “Đúng như vậy. Về Hà Nội, chúng tôi trú tại ngôi nhà ở phố Hàng Ngang. Vài ngày sau, đón Bác Hồ về đấy”.

AR: “Ngày 29, Hồ Chí Minh lập chính phủ lâm thời, chính phủ đầu tiên của Việt Nam. Ông được giao chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.

VNG: “Việc đầu tiên là phải tạo thế và lực cho chính quyền cách mạng và bảo đảm cho quá trình tiến triển cách mạng không thể bị đảo ngược. Chúng tôi quyết định tổ chức cuộc mít tinh để Bác Hồ công bố bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình, lễ Độc lập đã diễn ra hùng vĩ. Một triệu người tham dự nhưng chưa mấy người biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Bác Hồ trong ngày lịch sử ấy mặc bộ ka-ki giản dị và đi dép cao su…”.

Ảnh trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời".

Nhà lý luận về chủ thuyết chiến tranh cách mạng

A-lanh Rút-xi-ô: “Chúng ta hãy xem xét những vấn đề chiến lược của cuộc chiến tranh 30 năm. Các nhà quan sát đều cho rằng ông là bậc thầy về chiến tranh cách mạng. Vậy mà ông chưa trải qua một trường học quân sự nào. Ông là người duy nhất trong lịch sử thế giới bước thẳng từ một dân thường được giao công tác quân sự lên cấp Đại tướng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Điều đó xảy ra vào tháng 5 năm 1948, bảy năm sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, một năm rưỡi sau khi cuộc chiến tranh lan rộng”.

AR: “Ông không những là một nhà thực hành tài ba mà còn viết rất nhiều tác phẩm về chiến tranh cách mạng. Tác phẩm của ông được đọc trên toàn thế giới. Ông có thể tóm tắt cho tôi những điểm chính của chiến lược mà ông đã áp dụng thành công trong hai cuộc chiến tranh hay không?”.

VNG: “Ông đã giao cho tôi một bài tập khá phức tạp đấy. Học thuyết quân sự cổ điển, khoa học quân sự truyền thống dạy rằng muốn giành thắng lợi, phải biết tập trung cùng một lúc ưu thế quân số và ưu thế kỹ thuật. Ông có thể thấy điều đó ở Na-pô-lê-ông. Thế nhưng chúng tôi lại ở vào tình thế phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Chúng tôi phải chấp nhận, nếu không Tổ quốc chúng tôi sẽ bị thôn tính. Vậy đương đầu như thế nào? Đó là chiến tranh toàn dân. Chiến tranh toàn dân là bí quyết của sự chiến thắng của chúng tôi. Mỗi làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ Đảng là một bộ tham mưu. Quân địch bị bao vây trong biển cả của nhân dân chống lại chúng, bị mù, bị điếc, đánh vào chỗ trống. Còn chúng tôi thì có muôn tai nghìn mắt, có thể biết phải hành động ra sao. Tôi đã từng nói với ông đây là sự tổng hợp kinh nghiệm ngàn đời chống ngoại xâm của dân tộc chúng tôi. Chiến tranh toàn dân không chỉ là sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Lê-nin đã từng nói: “Điều quyết định cuối cùng trong mọi cuộc chiến tranh là tinh thần của quần chúng đổ máu trên chiến trường”.

So sánh lực lượng hai bên phải nhìn tổng thể cả chính trị, kinh tế, quân sự. Chiến tranh là sự kế tục của chính trị. Đường lối quân sự bắt nguồn và phục tùng đường lối chính trị. Chính vì vậy mà người chỉ huy tối cao của quân đội chúng tôi là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Sai lầm cơ bản của đối phương là không hiểu những điều đó. Họ không tìm ra được chiến lược để chiến thắng chúng tôi”...

AR: “Chính trị quyết định quân sự. Có phải vì vậy mà phương Tây cho rằng ông là một vị tướng chính trị?”.

VNG: “Chúng tôi bao giờ cũng chú trọng giáo dục chính trị. Sự tăng cường sức mạnh của hậu phương trên mọi lĩnh vực đặc biệt về mặt chính trị là yếu tố cơ bản bảo đảm khả năng chiến đấu của quân đội. Một hậu phương vững mạnh là nhân tố thiết yếu bảo đảm chiến thắng. Không có hậu phương vững chắc, không thể có chiến thắng. Ngược lại, chúng tôi luôn biến hậu phương địch thành tiền phương ta. Chiến thuật của chiến tranh nhân dân là đối với địch đâu cũng là mặt trận, đối với chúng tôi đâu cũng là hậu phương.

Chúng tôi rất chú trọng công tác giáo dục chính trị cho quân đội. Gần một phần ba chiến sĩ là đảng viên cộng sản. Trong cán bộ chỉ huy thì tỷ lệ ấy còn cao hơn nhiều. Các tổ chức Đảng hoạt động trong mọi hoàn cảnh xây dựng và chiến đấu. Có một nhãn quan chính trị tức là chiến đấu trên mọi mặt trận: Khoét sâu những mâu thuẫn của địch, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế, điều này có vai trò rất quan trọng để cô lập kẻ xâm lược”.

Nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Pháp

A-lanh Rút-xi-ô: “Chúng ta hãy trở lại khoảng thời gian năm 1946, lúc bắt đầu cuộc chiến tranh. Các ông phải đương đầu với một đội quân nhà nghề mạnh, trang bị hiện đại. Mà các ông thì có những gì?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Về số lượng thì hai bên gần bằng nhau: Quân Pháp có 90.000, chúng tôi cũng có một số lượng tương đương. Nhưng chúng tôi thiếu vũ khí, chỉ có ít nhiều súng đủ các loại, chúng tôi lập một công binh xưởng trong rừng sâu để chế tạo những thứ vũ khí đơn giản”.

AR: “Quả thật là quá chênh lệch. Bên ngoài, người ta nghĩ các ông sẽ bị đè bẹp. Các ông chiến đấu trong vòng vây, về chính trị chưa có nước nào công nhận, về quân sự xa mọi sự chi viện. Tôi vừa đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Tôi rất khâm phục. Lời kêu gọi toát lên một sự vững vàng, một sự bình thản, một niềm tin tất thắng”.

VNG: “Theo quan điểm quân sự cổ điển thì chúng tôi không đủ điều kiện để bắt đầu cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên năm 1946, chúng tôi vừa trải qua thời kỳ hào hùng của Cách mạng tháng Tám. Nhân dân chúng tôi đã trưởng thành về chính trị, quyết tâm chiến đấu rất cao, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu nước... Tất cả đều biểu thị trong Lời kêu gọi của Bác Hồ. Đầu năm 1947, bộ máy Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy, một phần cơ xưởng đều đã di chuyển lên Việt Bắc ở an toàn khu. Chúng tôi chấp nhận mọi hy sinh để kháng chiến lâu dài.

Cho đến đầu những năm 50, chúng tôi chiến đấu trong vòng vây, không có sự liên hệ và chi viện của phe xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng tôi đã trụ vững. Quân đội đã lớn mạnh. Trong hè 1947, chúng tôi đã có 120.000 quân, tổ chức thành trung đội, đại đội, tiểu đoàn, và cuối năm 1949, đã thành lập Đại đoàn đầu tiên, Đại đoàn 308 lừng lẫy chiến công.

Điều làm cho chúng tôi tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng là sự đoàn kết và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn dân, đó là sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân”.

AR: “Lúc nào thì các ông có liên lạc với các bạn Trung Quốc?”.

VNG: “Cuối năm 1949”.

AR: “Điều đó thay đổi tất cả phải không?”.

VNG: “Có... và cũng không. Đừng quên là trước thời điểm ấy, chúng tôi, và chỉ một mình chúng tôi đã đánh quân Pháp, buộc chúng phải rút khỏi Bắc Cạn. Tháng 5-1949, chính phủ Pháp cử tướng Revers sang thị sát tình hình. Revers đánh giá tình hình bi quan. Chính ông ta tán thành việc rút quân Pháp khỏi tuyến biên giới Đồng Đăng - Móng Cái”.

AR: “Cuộc rút khỏi Cao Bằng là thế nào?”.

VNG: “Đấy! Một sự thú nhận bất lực sau 2 năm diễn ra cuộc đại tấn công của quân Pháp năm 1947. Như vậy là đã có một chuyển biến trong tương quan lực lượng vào năm 1949. Đó chính là ý nghĩa của bản báo cáo của Revers. Lần đầu tiên, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp thú nhận rằng họ không thể thắng chúng tôi”.

AR: “Ý nghĩa chiến thắng của Trung Quốc đối với các ông như thế nào?”.

VNG: “Hồng quân Trung Hoa tiến đến sát biên giới Việt Nam, sự công nhận của Bắc Kinh, rồi của Mạc Tư Khoa và các nước xã hội chủ nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi. Vòng vây bị phá vỡ, sự quân bình lực lượng đã đạt được, tất cả những điều đó rất thuận lợi cho chúng tôi. Sự chi viện của Liên Xô bước đầu là pháo phòng không, xe Molotova và thuốc men. Sự chi viện của Trung Quốc là vũ khí bộ binh, nhiều trang bị khác, huấn luyện và trang bị một số đơn vị Việt Nam trên đất Trung Quốc, cử cố vấn quân sự sang Việt Nam. Sức mạnh hỏa lực của chúng tôi được cải thiện đáng kể”.

Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời (Kỳ 1, 2)

(Còn nữa)

Trung tướng Phạm Hồng Cư